Tại sao Ran lại sống với ông bố lười biếng Mori mà không phải người mẹ luật sư xinh đẹp tài hoa?

Thiên An, Theo Đời sống & Pháp luật 00:07 13/07/2025
Chia sẻ

Đây là chi tiết khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.

Thám Tử Lừng Danh Conan là một trong những bộ truyện tranh trinh thám nổi tiếng nhất Nhật Bản, xoay quanh hành trình phá án của chàng thám tử trung học Shinichi Kudo trong hình hài một cậu bé. Ngoài các yếu tố trinh thám, bộ truyện còn lồng ghép nhiều bài học ý nghĩa về tình yêu, tình bạn và cả tình cảm gia đình mà trong đó, dễ thấy nhất chính là mối quan hệ giữa Ran Mori - cô bạn gái "thanh mai trúc mã" của Shinichi và bố mẹ mình.

Điều khiến nhiều khán giả thắc mắc là tại sao Ran - một cô bé vị thành niên, ngoan ngoãn, học giỏi lại sống với ông bố Kogoro Mori lười biếng, mê rượu, mê gái mà không phải là với người mẹ Eri Kisaki - một nữ luật sư xinh đẹp, thành đạt, sắc sảo và rất mực yêu con?

Tại sao Ran lại sống với ông bố lười biếng Mori mà không phải người mẹ luật sư xinh đẹp tài hoa?- Ảnh 1.

Bố mẹ xa nhau nhưng Ran lại sống cùng người bố với vô số tật xấu

Đằng sau lựa chọn này của tác giả Gosho Aoyama không chỉ là dụng ý xây dựng tình huống vừa hài hước vừa cảm động mà còn phản ánh một phần thực tế luật pháp và văn hóa gia đình Nhật Bản.

Trong truyện, bố mẹ Ran là Kogoro và Eri đã "ly thân không chính thức", tức là hai người sống riêng, nhưng không hề làm thủ tục ly hôn. Dù ở riêng, cả hai vẫn quan tâm nhau theo cách riêng. Eri vẫn nhận điện thoại từ Ran, âm thầm theo dõi các vụ án liên quan đến ông Mori, đôi khi còn xuất hiện bất ngờ để giúp hai cha con thoát khỏi rắc rối.

Tuy nhiên, cô không một lần yêu cầu đón con về sống cùng. Mặc cho ông Mori hay ngủ nướng, uống rượu say khướt và bị chê là vô dụng, Ran vẫn ở lại, chăm lo nhà cửa, cơm nước và thậm chí còn trở thành "người lớn duy nhất" thật sự trong gia đình ấy.

Vậy lý do là vì sao?

Thực tế, ở Nhật Bản, chuyện trẻ sống với cha sau khi cha mẹ ly thân không phải là điều phổ biến nhưng cũng không hề quá bất thường.

Tại Nhật, nếu cha mẹ chưa ly hôn, tức là về mặt pháp lý vẫn là một gia đình, thì việc ai sống với con phụ thuộc nhiều vào sự sắp xếp giữa hai bên, không do tòa án phán quyết. Và với tính cách của Eri - một phụ nữ tự lập, bận rộn với công việc, lại không muốn can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của người chồng cố chấp thì việc để con gái ở lại với cha có thể là lựa chọn mà cả hai đã thỏa thuận.

Tại sao Ran lại sống với ông bố lười biếng Mori mà không phải người mẹ luật sư xinh đẹp tài hoa?- Ảnh 2.

Cả hai "ly thân không chính thức"

Mặt khác, việc Ran tự nguyện sống cùng cha cũng phản ánh đúng nét đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản khi con cái có xu hướng tôn trọng cảm xúc gia đình hơn là chạy theo điều kiện vật chất hay "sự lý tưởng". Ran là người tình cảm, sâu sắc và cô hiểu rằng nếu rời khỏi nhà, cha mình sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Bên cạnh đó, chi tiết này có thể còn dựa trên luật pháp thực tế của "xứ sở mặt trời mọc". Điểm đặc biệt trong luật hôn nhân và gia đình Nhật Bản là sau khi ly hôn, cha mẹ không thể chia sẻ quyền nuôi con (joint custody) như ở nhiều nước khác. Quyền nuôi con sẽ chỉ thuộc về một người duy nhất (hoặc cha, hoặc mẹ) do tòa án quyết định hoặc cha mẹ tự thỏa thuận. Người còn lại không có quyền quyết định pháp lý liên quan đến con nữa.

Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng Nhật chọn ly thân kéo dài thay vì ly hôn thật sự. Trạng thái này giúp họ giữ được mối liên hệ với con, tránh sự chia cắt pháp lý tuyệt đối. Trong truyện, Kogoro và Eri vẫn là vợ chồng hợp pháp, do đó cả hai vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc Ran, không cần phân định quyền nuôi rõ ràng.

Bên cạnh đó, theo Luật Dân sự Nhật Bản, mọi đứa trẻ sinh ra trong một cuộc hôn nhân đều mặc định là con hợp pháp của người chồng. Khi con chưa đủ 20 tuổi, cả cha và mẹ đều có trách nhiệm giám hộ, trừ khi một bên bị tước quyền hoặc có tranh chấp pháp lý. Trong trường hợp đặc biệt, nếu bên nội nghi ngờ về quyền làm cha, họ có thể khởi kiện để phủ nhận quan hệ huyết thống, nhưng đây là quy trình rất hiếm xảy ra.

Tại sao Ran lại sống với ông bố lười biếng Mori mà không phải người mẹ luật sư xinh đẹp tài hoa?- Ảnh 3.

Ran vẫn không ngừng tìm cách hàn gắn bố mẹ mình một cách khéo léo

Với Ran, khi cha mẹ chưa chính thức ly hôn, cô hoàn toàn có quyền tiếp tục sống với bố, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ tự do với mẹ mà không vướng bất kỳ rào cản pháp lý nào. Nhưng nếu một ngày hai người chính thức ly dị, rất có thể quyền nuôi con sẽ nghiêng về phía Eri - người mẹ có công việc ổn định và hình ảnh tích cực hơn trong mắt tòa.

Sau tất cả, đằng sau những phân tích pháp lý – văn hóa, điều đáng trân trọng nhất vẫn là chính Ran, một cô bé vị thành niên nhưng sẵn sàng làm trụ cột trong ngôi nhà bất ổn. Cô không đổ lỗi cho bố, cũng không trách mẹ. Cô giữ kết nối với cả hai, vun vén cho một mái ấm dù không trọn vẹn. Ngoài ra, Ran cũng không ngừng tìm cách hàn gắn bố mẹ mình.

Điều này cho thấy sự giáo dục cảm xúc mà Ran nhận được là vô cùng sâu sắc. Cô biết yêu thương, biết nhường nhịn, biết hy sinh và đặc biệt là biết trân trọng những điều không hoàn hảo.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày