Ngày 10/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã có thông báo kết luận của Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu tại hội nghị giao ban sau khi sáp nhập.
Trong đó, ông Hiếu đã giao nhiệm vụ cho Phòng Học sinh, sinh viên nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường. Chỉ riêng những trường hợp giáo viên bộ môn cho phép để thực hiện nhiệm vụ trong giờ học thì học sinh mới được sử dụng điện thoại.
Việc Sở GDĐT TPHCM dự kiến cấm học sinh sử dụng điện thoại, kể cả trong giờ chơi, đã nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh, nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến lo ngại.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, điện thoại thông minh không chỉ là công cụ liên lạc mà còn là thiết bị hỗ trợ học tập. Tuy nhiên, việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, đặc biệt là trong giờ học, đã gây nên nhiều hệ lụy: Mất tập trung, giảm hiệu quả học tập, nguy cơ tiếp cận thông tin xấu, bị nghiện mạng xã hội, và các hành vi quay phim, chụp ảnh không phù hợp ngay trong khuôn viên trường học.
Ảnh minh hoạ
Không ít phụ huynh hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Theo họ, điện thoại khiến học sinh sa sút trong học tập, giảm khả năng tương tác xã hội, và gây hại cho sức khỏe thị giác.
Một phụ huynh chia sẻ: "Cấm là đúng. Trẻ em bây giờ nghiện điện thoại lắm, nhìn tương lai mà thấy lo: Cận thị, rối loạn giấc ngủ, rồi thì học hành lơ là. Tôi học cấp 3 năm 2011, hồi đó chỉ có điện thoại cục gạch thôi mà trường vẫn cấm tuyệt đối. Thầy cô phát hiện là tịch thu đến cuối năm mới trả. Bây giờ điện thoại hiện đại, vào mạng, livestream, coi phim, chơi game đủ thứ thì lại càng phải siết chặt hơn".
Một số ý kiến cũng phản ánh tình trạng học sinh dùng điện thoại không đúng mục đích vào giờ nghỉ, như chụp hình bạn bè khi ngủ trưa rồi gửi vào nhóm bạn, gây phiền phức và mất riêng tư. Những hành vi như vậy cũng là lý do khiến nhiều người cho rằng cần siết chặt quy định, nhưng có chừng mực. Việc tạm cấm sử dụng điện thoại trong trường học là cách để học sinh quay trở lại với thói quen học tập tập trung và tôn trọng không gian học đường, gắn kết bạn bè hơn.
Một số trường học tại TPHCM từng thí điểm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và cả giờ nghỉ, bước đầu cho kết quả tích cực: Học sinh hoạt động thể chất nhiều hơn, nói chuyện và tương tác với bạn bè nhiều hơn, giảm hiện tượng bị cô lập vì chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại. Bởi giờ ra chơi mỗi em một cái điện thoại thì cần gì nói chuyện với nhau nữa.
Ở góc độ tâm lý, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc giới hạn sử dụng điện thoại trong trường học là cần thiết. Việc học sinh tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử ở độ tuổi còn non trẻ dễ dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, hành vi. Trường học nên là môi trường an toàn, nơi các em học cách giao tiếp trực tiếp, rèn luyện kỹ năng xã hội, thay vì sống trong "vỏ bọc" của thế giới ảo.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh lo ngại: "Con đi học có chuyện gì thì sao gọi về cho gia đình được? Rất nguy hiểm nếu không có phương tiện liên lạc. Trường nào có điện thoại công cộng thì không sao, nhưng nhiều trường không có, hoặc có mà học sinh không được sử dụng." Họ cho rằng chỉ nên cấm sử dụng trong giờ học là hợp lý.
Dù vậy, thực tế đề xuất của Sở GDĐT TPHCM không phải là cấm học sinh mang theo điện thoại hay cấm tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh. Theo kết luận của Giám đốc Sở, học sinh sẽ không được sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi và các hoạt động giáo dục tại trường - tức những khoảng thời gian mà các em cần tham gia tương tác trực tiếp, vận động hoặc tham gia sinh hoạt tập thể.
Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại khi có sự cho phép của giáo viên bộ môn để phục vụ nhiệm vụ học tập trong giờ học. Như vậy, nếu có việc khẩn cấp, hoặc cần liên hệ với gia đình, các kênh nội bộ của nhà trường vẫn là cầu nối đảm bảo liên lạc.
Nhiều người cũng cho rằng, nhà trường có thể đầu tư hệ thống liên lạc nội bộ, điện thoại công cộng hoặc hệ thống nhắn tin với phụ huynh để hỗ trợ học sinh trong trường hợp khẩn cấp, giảm sự phụ thuộc vào điện thoại cá nhân.
Một yếu tố không thể thiếu là giáo dục kỹ năng sử dụng công nghệ cho học sinh: Cách dùng mạng xã hội an toàn, không quay chụp người khác khi chưa có sự đồng ý, và không lan truyền thông tin tiêu cực. Song song đó, gia đình cũng cần đồng hành, giám sát và định hướng con em sử dụng thiết bị công nghệ đúng mục đích.