Mới đây, một câu chuyện gia đình gây xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc khi người mẹ chia sẻ dòng nhật ký ngắn: "Hôm nay, con gái tôi chứng kiến tôi bị đánh. Tôi không biết mình đau vì cái tát, hay đau vì ánh mắt sợ hãi của con".
Sự việc xảy ra tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Bé Tiểu Miên, 5 tuổi, đang chơi trong phòng khách thì nghe thấy tiếng nói lớn phát ra từ phòng cha mẹ. Ban đầu là lời qua tiếng lại, sau đó là tiếng quát tháo lớn dần, xen lẫn âm thanh của đồ vật bị đập mạnh. Lo lắng, bé đẩy cửa bước vào. Cảnh tượng đập vào mắt khiến em bật khóc: Bố đang to tiếng, còn mẹ nằm dưới đất với gò má đỏ bừng.
Ảnh minh họa
"Con đứng trân trân ở cửa, miệng run rẩy hỏi: 'Sao bố lại đánh mẹ?'" - người mẹ viết. Người cha lúc đó chỉ kịp quay mặt đi, giọng lắp bắp bảo con ra ngoài.
Câu chuyện lập tức thu hút sự chú ý và tạo ra nhiều luồng tranh luận. Trong đó, điều khiến dư luận quan tâm không chỉ là hành vi bạo lực, mà là việc nó xảy ra ngay trước mặt trẻ nhỏ.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ xung đột, đặc biệt là có hành vi bạo lực, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đến tâm lý. Trẻ có thể rơi vào trạng thái lo âu, rối loạn giấc ngủ, sợ hãi người lớn, giảm sút lòng tin vào tình thân. Không ít trường hợp trẻ thu mình, trầm cảm hoặc bắt chước hành vi tiêu cực trong tương lai. Trẻ em dưới 6 tuổi như trường hợp của bé Tiểu Miên là nhóm dễ tổn thương nhất, vì đây là giai đoạn định hình cảm xúc và nhân cách ban đầu.
Không dừng lại ở những tổn thương ngắn hạn, bạo lực gia đình để lại vết hằn lâu dài. Trẻ có thể hình thành nhận thức lệch lạc rằng dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn là "cách làm bình thường". Con trai có thể trở nên cục cằn, hung hăng trong tương lai. Con gái dễ sống thu mình hoặc rơi vào những mối quan hệ độc hại vì đã quen với sự cam chịu.
Nhiều chuyên gia khẳng định: Trẻ không cần một gia đình "hoàn hảo", nhưng cần một môi trường an toàn. Gia đình không phải nơi để chứng kiến nỗi đau, mà là nơi đầu tiên dạy con người ta về yêu thương và tôn trọng.
Một số phụ huynh cho rằng "cãi nhau là chuyện người lớn", "trẻ con không hiểu gì đâu", nhưng thực tế, trẻ tuy nhỏ nhưng cảm nhận được căng thẳng, giọng nói, nét mặt và cả sự bất thường trong không khí gia đình. Một lần chứng kiến bố đánh mẹ có thể trở thành ký ức không phai trong suốt thời thơ ấu.
Các chuyên gia khuyến nghị, nếu cha mẹ xảy ra mâu thuẫn, hãy tránh mặt con trẻ, đồng thời chủ động xin lỗi và giải thích sau đó nếu trẻ đã chứng kiến. Quan trọng hơn, hãy học cách kiềm chế cảm xúc, giải quyết bất đồng bằng đối thoại thay vì bạo lực.
Trong xã hội hiện đại, nơi nhận thức và luật pháp ngày càng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình không thể bị xem là chuyện riêng tư trong bốn bức tường. Đó là hành vi sai trái cần lên án và ngăn chặn. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ nhỏ đều không đáng phải chứng kiến nỗi đau ấy.