Ba tuổi, cô bé Văn Văn không còn muốn theo mẹ về nhà mỗi tối. Bé quấn quýt bà nội, thích bắt chước từ giọng nói đến thói quen nhỏ như ăn cơm phải chan canh, ăn xong nằm một lát rồi mới chơi tiếp. Sau đó người mẹ quyết định: từ nay, dù có mệt mỏi sau ngày dài, chị cũng sẽ đón con về, để con ngủ bên mẹ mỗi tối.
Nửa năm trôi qua, Văn Văn như trở thành một cô bé khác.
Ngày nay, ông bà là người đỡ đần chính trong việc chăm cháu do cha mẹ quá bận rộn. Việc trẻ ngủ cùng ông bà là điều thường thấy, nhưng cũng là một chủ đề đáng suy ngẫm.
Người già thường dậy sớm, ngủ ít, có các bệnh nền như hen suyễn, tim mạch, hoặc thói quen ngáy to - điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ mà còn gián tiếp tạo nên những hành vi sao chép theo cách mà trẻ không kiểm soát được.
Một nghiên cứu từ Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ thậm chí còn khuyến cáo không nên để trẻ dưới một tuổi ngủ cùng người trên 70 tuổi do sự ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong phòng, cũng như những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác.
Người già đã vất vả cả đời, còn trẻ con thì cần sự nâng niu đúng cách. Nếu có thể, cha mẹ hãy chủ động hơn trong việc cùng con đi qua những năm tháng đầu đời dẫu là những điều nhỏ nhặt như một giấc ngủ êm đềm bên nhau.
Bên cạnh mẹ là nơi an toàn đầu tiên và lâu dài nhất của một đứa trẻ. Từ 9 tháng trong bụng đến những năm đầu đời bú mớm, ôm ấp, trẻ gắn bó với mẹ bằng mọi giác quan. Những cái ôm, tiếng hát ru, nhịp thở quen thuộc, tất cả là chất liệu tạo nên cảm giác yên tâm và lành mạnh về tâm lý cho trẻ.
Theo sách The Baby Book và nhiều nghiên cứu nuôi dạy con hiện đại, việc ngủ cùng mẹ trong giai đoạn đầu đời giúp trẻ có nền tảng vững chắc về cảm xúc, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa mẹ và con, góp phần nuôi dưỡng lòng tin, sự độc lập và ý thức bản thân sau này.
Nhiều cha mẹ vì muốn con độc lập nên cho con ngủ riêng khi còn quá nhỏ. Nhưng sự độc lập này nếu ép buộc quá sớm có thể trở thành nỗi sợ hãi trong tiềm thức, dẫn đến cảm giác bị bỏ rơi, thiếu an toàn là mầm mống của lo âu, phản kháng, thậm chí các vấn đề về cảm xúc khi trưởng thành.
Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo: Trẻ sơ sinh nên ngủ cùng cha mẹ trong 6 tháng đầu, lý tưởng là đến 3 tuổi mới nên tách giường hoặc tách phòng. Việc chia giường ngủ nên được thực hiện một cách tự nhiên, khi trẻ đã đủ cứng cáp về mặt tâm lý.
Tuổi thơ của con, nhất là 3 năm đầu tiên là quãng thời gian định hình nhân cách, cảm xúc, và những ký ức sâu sắc nhất. Mỗi tối ngủ cùng con là một cơ hội để lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương bằng những điều giản dị nhất.
Cuộc sống bận rộn là điều tất yếu, nhưng sự hiện diện của cha mẹ dù chỉ là trước giờ đi ngủ lại là món quà vô giá mà không người giúp việc, không ông bà nào có thể thay thế được.
Hãy dành thời gian cho con. Chỉ một cái ôm mỗi đêm cũng có thể làm nên một tuổi thơ đủ đầy và một tính cách vững vàng suốt đời.