Một trong những chủ đề được bàn tán rôm rả trong những ngày này, đó chính là việc liệu sinh viên mới ra trường, có thể có được mức lương 2000$/tháng hay không? Khởi nguồn từ một câu hỏi của bạn sinh viên, đã có rất nhiều luồng ý kiến, những chia sẻ và cả quan điểm của người trẻ về vấn đề này.
Nhưng hôm nay, tạm gác qua câu chuyện 2000$/tháng khi ra trường có khả thi hay không? Chúng ta hãy nói về câu chuyện của những người trẻ đang "tạm được gọi là thành công", họ đã ra trường - ra đời với mức thu nhập như thế nào, và con đường của họ để đến với những thành quả như hiện tại.
Huỳnh Lập từng nhận cát xê 100.000 đồng/suất diễn
Trong những năm gần đây, ngành sân khấu hài Việt ghi nhận nhiều thành công rực rỡ của những gương mặt trẻ tuổi. Huỳnh Lập (sinh năm 1993, tại An Giang) nổi lên trong lớp người tài năng ấy với biệt danh "con quỷ làm nghề". 9X được các đồng nghiệp gọi như vậy vì anh sớm khẳng định thực tài ở nhiều vai trò khác nhau trong ngành sân khấu hài.
Lập vừa dẫn dắt nhóm DAMtv vừa hoạt động riêng với vai trò đạo diễn sân khấu, song song đó cậu còn tham gia và giành giải cao ở các kỳ thi hài danh tiếng. Trong năm 2016, Huỳnh Lập là "cây hài" quen mặt trong các phim Việt ra rạp.
Từ một bạn trẻ vô danh từng khi rớt trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, Lập đã trở thành cái tên đảm bảo cho chất lượng. Để có được thành công hôm nay, cậu đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
"Lương khởi điểm của Lập khi diễn phục vụ khán giả là 100.000 đồng/suất diễn. Số tiền này mình kiếm được từ sức lao động và niềm đam mê của bản thân nên mình thấy rất hài lòng và hạnh phúc khi nhận được", đạo diễn trẻ tâm sự.
Nhưng để nhận được 100.000 đồng từ khán giả cũng không phải là chuyện đơn giản. Lập phải viết kịch bản, sau đó bỏ ra nhiều ngày để tập luyện cùng các bạn diễn viên. Cậu đến các tụ điểm quán cà phê, phòng trà để diễn phục vụ cho khán giả vào mỗi tối cuối tuần. Tiền cát xê là phụ thu thêm của khán giả.
"Mình tổng hợp lại tất cả số tiền ấy rồi chia đều cho anh em trong vở diễn. Mỗi người được chia trên dưới 100.000 đồng. Một tháng nhóm mình diễn khoảng 8 suất. Lương một tháng của Lập khoảng 800.000 đồng", Lập nhớ lại thời khó khăn.
Ở hiện tại, thu nhập của Huỳnh Lập đã lớn hơn con số đó rất nhiều. 9X cho rằng đây là một đền đáp xứng đáng cho bản thân mình vì bỏ ra nhiều thời gian, công sức để rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm.
Chàng trai trẻ đúc kết: "Ngành nghề nào cũng vậy, nhờ sự cố gắng mà giá trị bản thân mình được nâng cao. Lúc xưa làm việc trong môi trường nghiệp dư, thu nhập khác, bây giờ làm việc trong môi trường chuyên nghiệp nên thu nhập chắc chắn cũng phải khác".
CEO Việt trên đất Hàn: Tôi chỉ mong mình không thất nghiệp sau khi ra trường
Đỗ Thị Hoa (29 tuổi) là cựu sinh viên trường Đại học Seattle (Mỹ). Trong thời gian học tập và sinh sống tại đây, Hoa thực tập ở Đài NBC, làm việc ở McDonald’s và nhiều công ty khác. Cô từng được Google mời về vị trí Quản lý quảng cáo thương hiệu tại khu vực châu Âu và Trung Ðông. Cô từ chối "gã khổng lồ" vì lý do: "Tôi muốn có con đường riêng, tôi muốn khởi nghiệp". Sau những nỗ lực, Hoa được chính phủ Hàn Quốc tài trợ 5.000 USD mỗi tháng để khởi nghiệp với dự án mang tên "Hộp khí hậu".
Khi đứng trước câu hỏi "Em phải học như thế nào để được lương khởi điểm 2.000 USD", CEO trẻ cho rằng: "Chỉ học thôi thì không đủ có lương 2.000 USD/tháng. Nếu là tôi, tôi sẽ hỏi bản thân mình có kinh nghiệm gì để có thể kiếm được thu nhập 2.000 USD/tháng?".
Hoa ra trường năm 2011. Thời điểm ấy, nước Mỹ đang đắm chìm trong khủng hoảng kinh tế. Cô chỉ ước mình không thất nghiệp sau khi ra trường. Hoa có được công việc đầu tiên với mức thu nhập gần 40.000 USD/năm, được công ty tài trợ visa và thẻ xanh.
Nữ CEO 29 tuổi khởi nghiệp với suy nghĩ: "Nếu tôi tiếp tục con đường làm công ăn lương, tôi sẽ có một thu nhập ổn định hơn và đỡ vất vả hơn. Nhưng đối với bản thân tôi, thành công trong sự nghiệp hay cuộc sống không thể đánh giá bằng mức thu nhập hàng tháng, dẫu rằng đó cũng là một mục đích phải đặt ra nếu muốn công ty thành công".
Trên cương vị của một nhà tuyển dụng, Hoa không đặt nặng chuyện nhân viên của mình là người mới ra trường hay đã có kinh nghiệm làm việc. Với cô, thái độ quyết định công việc.
"Nếu bạn vừa ra trường mà đã đủ kinh nghiệm, có thái độ làm việc tích cực với team và công ty thì phần thưởng không chỉ là 2.000 USD/tháng mà còn rất nhiều cơ hội để bạn bay cao và xa", nữ CEO khẳng định.
Nhà văn Phan Ý Yên: "Mục tiêu đến trường quy đổi thành lương là một bất lợi"
Nhà văn Phan Ý Yên là một trong những cây bút trẻ giàu nội lực và được phụ nữ yêu mến. Cô đã xuất bản những cuốn sách truyền cảm hứng sống mạnh mẽ, giàu nội tâm và rực rỡ như Cà phê với người lạ, Người lớn cô đơn, Khi phụ nữ uống trà đàn ông nên cẩn thận...
Năm 18 tuổi, Ý Yên đứng trước lựa chọn ra Hà Nội học đại học và tiếp tục sống trong vòng tay bảo bọc của mẹ hay sang Pháp du học và chỉ được cho 1.000 euro dằn túi. Ý Yên đã chọn con đường khó khăn nhất, sống và học tập một mình ở Pháp.
Để có tiền trang trải sinh hoạt phí và học phí, nữ du học sinh Việt khi đó đã liều lĩnh đi làm thêm "chui". Cô kể: "Tôi xin vào làm chân dọn rửa ở một nhà hàng Việt với lương 20 euro/đêm (khoảng gần 500.000 đồng). Tôi dọn rửa liên tục từ 6 giờ tối đến khoảng 1 sáng hôm sau. Dù biết số tiền mình kiếm được bèo bọt hơn rất nhiều so với lương cơ bản của người bản xứ: 8 euro/giờ, tôi vẫn cắn răng chịu đựng vì không còn lựa chọn khác".
Công việc chính thức đầu tiên sau khi ra trường của Ý Yên là trợ lý trong một văn phòng Luật tư nhân. Cô được trả 12 euros (khoảng gần 300.000 đồng) cho một giờ làm việc.
"Trong suốt quãng thời gian ở Pháp và ngay cả khi đã về Việt Nam, tôi đã làm rất nhiều việc khác nhau chỉ với hy vọng tích luỹ thêm thật nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cho mình. Tôi thấy có một điều bất lợi khi bạn trẻ quy đổi mục tiêu đến trường thành mức lương khi tốt nghiệp.
Nó sẽ ngăn cản việc bạn mở rộng bản thân để học hỏi, chấp nhận thất bại, chấp nhận sự yếu kém và không biết phấn đấu. Bạn chỉ nhắm đến lương mà quên mất rằng mình phải có gì đã chứ rồi mới hưởng sự đền đáp tương xứng. Cá nhân tôi chẳng có bí quyết gì để khuyên bạn trẻ ngoài sự cặm cụi, chăm chỉ, không ngại khó trong công việc và bạn đừng sợ thiệt thòi để học và được sửa sai mỗi ngày", nhà văn Phan Ý Yên bộc bạch.
Ai cũng có quyền đòi hỏi, nhưng bạn có xứng đáng không?
"Đòi hỏi thì ai cũng có quyền, quan trọng là mình có xứng đáng với điều mà mình đòi hỏi hay không. Mình phải tự đặt ra câu hỏi cho bản thân là làm được gì cho người ta, để người ta có thể yên tâm, hài lòng trao số lương 2.000 USD/tháng mà không cảm thấy tiếc tiền.
Đôi khi mình cần chấp nhận cái hiện tại để có tương lai, phải xuất phát từ số 0 mới có thể đến được số 10. Thành công không nằm ở việc bạn học được những gì ở ghế nhà trường, mà là bạn đã làm được những gì và thất bại những gì trong cuộc sống.
Nếu bạn đi làm với mức lương khởi đầu là 3 triệu đồng nhưng hiệu quả công việc bạn mang đến lại vô cùng ấn tượng, xuất sắc hoặc thậm chí là không tưởng, thì người chủ cũng sẵn sàng thưởng thêm cho bạn vài triệu và dần dần mức lương cũng tăng nhanh" - suy ghĩ của Huỳnh Lập.