"Em phải học thế nào để lương khởi điểm là 2000 đô/ tháng?" - Đây không phải lần đầu tiên mà phát ngôn về mức lương khởi điểm mong muốn của người trẻ gây bão dư luận. Cách đây khoảng 5 năm, cũng đã từng có một bạn sinh viên Ngoại Thương vỗ ngực tuyên bố tiền lương dưới 1.000 đô/ tháng thì không làm! 5 năm trôi qua, đồng tiền rớt giá nhưng giấc mơ thì leo lên thêm nhiều tầng mây! Một đám đông mộng du giữa ban ngày thực sự cần một cú tát để tỉnh dậy và học cách đặt chân xuống mặt đất này!
"Không ai đánh thuế ước mơ"? Đừng có YOLO ngụy biện!
Cũng giống như cái cách mà slogan "YOLO – you only live once" trở thành lí lẽ ngụy biện của những kẻ nông nổi và nông cạn, "Không ai đánh thuế ước mơ" cũng trở thành lời ru cho rất nhiều người thích viển vông, ảo tưởng.
Một cái slogan không bao giờ chỉ có thể phiên ra nghĩa đen, gói gọn trong một chục chữ. Bạn muốn đu theo một phong cách sống nào, cũng cần phải hiểu rõ câu châm ngôn của nó trong một ngữ cảnh đầy đủ.
"Không ai đánh thuế ước mơ" không chỉ là cứ mơ đi vì cuộc đời cho phép! Nhiêu đó chỉ là trailer đẹp đẽ mở màn thôi. Nguyên cả bộ phim đằng sau mới là nội dung quan trọng nhất. Bạn có thể đặt mục tiêu thật cao, có thể mơ về một điểm đến xa xôi, nhưng đừng quên cái vế mang tính quyết định ở đằng sau, đó chính là bạn cần phải thức dậy để có thể đi tới đích! Thậm chí, ước mơ càng xa vời, bạn càng phải tỉnh táo!
Tôi đã thấy quá nhiều người trẻ mơ những giấc mơ đính kèm chữ "ngàn", nhưng rốt cuộc cuộc đời trả cho họ bằng một đơn vị tiền tệ khác, là "ngàn đồng" chứ chẳng phải "ngàn đô"! Đây chính là lúc chúng ta nhận được cái tát để tỉnh dậy, và nhận ra mặt đất gồ ghề lắm, chả có con đường nào trải thảm nhung cho mình bước đi!
Tôi đã từng ở bên cạnh những người trẻ như thế, vào cái lúc họ gần như trầm cảm vì thất vọng, tôi vẫn sẽ nói với họ, ước mơ hai ngàn đô chẳng có gì sai, nhưng tương lai không đến được ngay lúc này, em phải bắt đầu từ bước chân đầu tiên có khi chỉ được trả hai ngàn đồng! Chỉ khi em hiểu được hai ngàn đồng không phải là tiền lẻ, thì em mới có được hai ngàn đô của ngày mai!
Cuộc đời mình đi lạc, vì mình đặt sai câu hỏi!
Tôi kể bạn nghe một câu chuyện. Có một vị khách bộ hành đi đến ngã ba đường, anh dừng lại hỏi người chăn trâu, "Đường nào thì đến núi A?". Người chăn trâu nhiệt tình đáp: "Lối bên trái!". Lời chỉ dẫn rõ ràng như thế, nhưng rốt cuộc vì sao mà vị khách ấy mãi không thể nào đến được đỉnh núi A?
Hóa ra, trước khi đến được đỉnh núi A, vị khách bộ hành bị mắc kẹt lại bởi một con sông lớn, không biết phải làm sao để vượt qua.
Một vị khách bộ hành khác, cũng đến ngã 3 ấy, gặp người chăn trâu ấy, nhưng anh ta hỏi: "Làm cách nào để tôi đến được núi A?". Người chăn trâu đáp: "Lối bên phải! Đi tìm người lái đò, người ấy sẽ đưa anh qua sông. Ở bên kia con sông, chính là núi A".
Cuộc đời chính là vậy, chúng ta thường đi lạc, là vì đã đặt sai câu hỏi!
Khi bạn ra đời đi làm, không thể tư duy theo kiểu, đây, tôi có tấm bằng này, doanh nghiệp có thể trả cho tôi bao nhiêu? Tấm bằng đại học chỉ là vé vào cổng, không có giá trị mua bán, doanh nghiệp chỉ xét vé để thấy okie bạn có đủ tư cách để vào bàn phỏng vấn, chứ không ai trả tiền để mua tờ giấy chứng nhận của bạn cả.
Bạn cần đặt một câu hỏi khác, chính là phải hỏi bản thân mình trước, bạn có thể mang đến bao nhiêu cho doanh nghiệp này?
Vấn đề tiếp theo, thời điểm nào thì nên đặt câu hỏi này? Không phải là lúc ngồi trên bàn tuyển dụng đâu, phải tự hỏi mình câu này ngay từ khi còn là sinh viên năm 1 kìa! Bạn càng muốn đi xa, càng nên đi sớm! Chính là để bạn chú tâm vào việc trang bị những thứ mình có thể mang đến cho doanh nghiệp, ví dụ như trình độ ngoại ngữ, tin học, kiến thức chuyên môn, kĩ năng mềm về giao tiếp, ngoại hình gọn gàng sạch sẽ không làm ai sợ hãi…
Bạn muốn mức lương nào cũng được, nhưng nó phải chính đáng. Thử tưởng tượng bạn bước ra chợ, bị bà bán thịt quăng nửa cân thịt heo vào mặt rồi đòi lấy giá của mười cân thịt bò Úc, bạn cũng cảm thấy quá vô lí có phải không?
Chúng tôi tuyển những người phù hợp nhất, chứ không phải những người giỏi nhất, thậm chí không phải là người giỏi, mà là một sinh viên bình thường thôi. Mới ra trường, trừ khi bạn là thần đồng trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi, còn không, phải chấp nhận thực tế là bạn hoàn toàn có thể bị thay thế bởi một ngàn người ngoài kia.
Vậy nên cần kiên nhẫn, bình tĩnh, bước trên mặt đất để thấm được thực tế này như thế nào. Đã đến lúc nhiều người trẻ cần được nhận một cái tát để hiểu hóa ra kì kèo mấy ngàn đô với doanh nghiệp là chuyện chỉ nằm mơ! Sẽ đến lúc bạn hiểu rằng, điều đáng quý nhất chỉ là ai đó cho bạn một cơ hội để bắt đầu bước vào đường đua!