Thất nghiệp 3 tháng, gửi CV không chỗ nào nhận nhưng tôi vẫn dư tiền để sống: Tất cả là nhờ có 3 thứ này!

Ngọc Linh, Theo Thanh niên Việt 23:59 06/04/2025
Chia sẻ

Phải đến khi thất nghiệp, tôi mới nhận ra những nỗ lực của bản thân trong quá khứ giống như một chiếc phao cứu sinh mà tôi tự chuẩn bị cho mình.

Giống như không ít người trẻ khác, tôi cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp trong trạng thái bị động, chưa kịp chuẩn bị bất cứ điều gì kể cả CV, vì công ty đột nhiên thông báo cắt giảm nhân sự.

Khoảnh khắc nhận được email thông báo ấy, cảm giác đầu tiên của tôi là lo lắng tột độ. Cũng phải mất 2 ngày, tôi mới có thể ổn định tâm lý và nhận ra mình vẫn sống được ngay cả khi mất đi nguồn thu nhập lớn nhất. Đương nhiên, không phải do may mắn, chẳng có may mắn nào tự nhiên rơi trúng đầu khi bản thân bị rơi vào cảnh xui rủi đó. Tất cả là nhờ tôi đã tự chuẩn bị một chiếc "phao cứu sinh" cho bản thân, mà phải tới khi thất nghiệp bị động, tôi mới nhận ra và thầm biết ơn chính mình.

1 - Tiền trợ cấp thất nghiệp

Việc đầu tiên tôi làm sau khi dọn đồ từ công ty về nhà chính là tìm hiểu cách nộp đơn xin nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Tôi đã gắn bó với công ty hơn 5 năm, và tháng nào công ty cũng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho tôi, vì thế, nên đương nhiên khi tôi thất nghiệp, tôi sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Thất nghiệp 3 tháng, gửi CV không chỗ nào nhận nhưng tôi vẫn dư tiền để sống: Tất cả là nhờ có 3 thứ này!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dù có đang thất nghiệp hay không thì tôi nghĩ rằng đây vẫn là thông tin mà chúng ta cần biết và cần chuẩn bị. Để được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp khi đã đóng BHXH liên tục hơn 12 tháng, giấy tờ cần nộp đơn giản chỉ là:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ LĐTBXH quy định).

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

- Sổ BHXH

- 2 ảnh 3 x 4

- Căn cước công dân

Bạn có thể nộp đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Mỗi tháng, số tiền trợ cấp thất nghiệp mà tôi nhận được là khoảng hơn 3 triệu đồng. Đó không phải con số quá lớn, nhưng với người vừa bị sa thải như tôi, thì khoản tiền này thực sự đáng giá. Chí ít nó cũng giúp tôi trang trải được tiền thuê nhà và tiền phí dịch vụ hàng tháng. Vậy là cũng bớt đi được 1 nỗi lo.

Tùy vào số tiền đóng BHXH hàng tháng mà số tiền trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ khác nhau. Nếu bạn đóng BHXH full lương thay vì đóng trên mức lương cơ bản, khả năng cao là số tiền trợ cấp thất nghiệp bạn được nhận sẽ cao hơn tôi.

2 - Quỹ dự phòng

Từ xưa đến giờ, dù không phải kiểu người biết vun vén, tiết kiệm hay tối ưu chi tiêu, nhưng tôi cũng chưa bao giờ "tiêu tiền như phá". Hàng tháng, tôi vẫn đều đặn cất được khoảng 1/4 thu nhập. Tôi để số tiền đó vào 1 tài khoản riêng chứ cũng chẳng gửi tiết kiệm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng "cứ để đấy, bao giờ có việc thì dùng".

Và chính khoản tiền đó đã cứu vớt tôi qua 3 tháng thất nghiệp. Nó không chỉ là nguồn tiền để tôi ăn uống, đi lại và trang trải cho những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống, mà còn là một điểm tựa tinh thần theo đúng nghĩa đen. Bởi nếu không có tiền ăn, tôi cũng không thể tập trung tâm trí mà "chải chuốt" CV và tìm việc.

Thất nghiệp 3 tháng, gửi CV không chỗ nào nhận nhưng tôi vẫn dư tiền để sống: Tất cả là nhờ có 3 thứ này!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bây giờ nghĩ lại, tôi thậm chí còn chẳng nhớ trước kia mình đã "cất" bao nhiêu tiền mỗi tháng cho khoản dự phòng này. Vì mỗi tháng là 1 con số khác nhau, khi thì 3 triệu, khi lại chỉ được vài trăm ngàn. Nhưng đúng là tích tiểu thành đại, cứ như vậy suốt hơn 5 năm, tôi cũng có hơn 50 triệu trong túi.

Nếu có ai đó nói với bạn rằng quỹ dự phòng là không cần thiết, có cũng được không có cũng chẳng sao, đừng bao giờ tin! Quỹ dự phòng là khoản tiền đầu tiên nên cố gắng xây dựng và duy trì, thậm chí nó còn quan trọng hơn cả tiền tiết kiệm!

3 - Thu nhập từ một công việc ngoài giờ

Để mà nói về bản thân thì tôi cũng không dám nhận mình là một người chăm chỉ làm việc kiếm tiền. Phần lớn thời gian, tôi thường hài lòng với 1 nguồn thu nhập, đơn giản vì chỉ cần 1 nguồn đó thôi, tôi cũng đã đủ sống. Tôi muốn có thời gian thư giãn, tách khỏi công việc để chăm sóc bản thân.

Nếu tôi có làm thêm việc, đó phải là những việc thực sự thú vị, có chút thử thách và mới lạ so với công việc tôi đã làm trong giờ hành chính. Nói thẳng ra, tôi là người kén việc. Riêng về khoản này, thì tôi nghĩ mình may mắn.

Thất nghiệp 3 tháng, gửi CV không chỗ nào nhận nhưng tôi vẫn dư tiền để sống: Tất cả là nhờ có 3 thứ này!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khoảng 9 tháng trước khi thất nghiệp, tôi có nhận được 1 lời mời làm freelancer. Công việc khá thú vị nên tôi đã nhận lời, dù khi đó cũng không quá rảnh. Đã hơn 3 lần, tôi muốn bỏ việc ngoài giờ này, vì quá bận. Nhưng suy đi tính lại, tôi vẫn làm tiếp vì không thể "đem con bỏ chợ".

Và vậy là tôi lại có thêm 1 chiếc "phao cứu sinh" trong 3 tháng thất nghiệp nhờ vào thu nhập từ công việc đó.

Hiện tại, tôi đã tìm được 1 công việc toàn thời gian khác nhưng suy nghĩ lẫn thái độ của tôi về việc đa dạng thu nhập đã thay đổi. Tôi không còn muốn bỏ việc phụ nữ, bằng mọi giá, dù có phải hy sinh thời gian chăm sóc bản thân, tôi vẫn sẽ giữ công việc này.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày