Bức ảnh chi tiêu hết hơn 41 triệu/tháng của cặp vợ chồng khiến dân mạng tranh cãi rôm rả

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 12:08 06/04/2025
Chia sẻ

Có người cho rằng chi tiêu thế này là hợp lý rồi, có người lại khăng khăng khuyên phải cắt giảm nữa đi thì mới được.

Bàn về chuyện chi tiêu, có một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận: Cách sống là yếu tố tác động không nhỏ. Người ưu tiên hưởng thụ sẽ có cách chi tiêu khác so với người ưu tiên tiết kiệm.

Vấn đề đáng bàn là vừa muốn tiết kiệm, vừa muốn sống hưởng thụ, thế mới là cái khó.

Tâm sự của cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.

Thu nhập 60 triệu nhưng tháng nào cũng chi hơn 41 triệu, có tháng còn… âm!

Trong bài chia sẻ của mình, cô vợ có viết: "Mình thấy trong nhóm các bạn kiếm được 200 triệu/tháng mà chi tiêu có 20 triệu, xong mới thấy mình tiêu hoang quá ạ. Vợ chồng mình làm được 60 triệu/tháng, tháng nào cũng chi 40 triệu, có tháng còn âm luôn.

Chúng mình lấy nhau được 7 năm, hiện có 2 bé, 1 bé 6 tuổi, 1 bé 1 tuổi. Ông bà nội cho đất xây nhà, hiện tại tài sản của vợ chồng mình có 1 ngôi nhà và khoản nợ ngân hàng 800 triệu. 2 bé nhà mình hay ốm lắm. Ông bà nội - ngoại cũng lớn tuổi, không có lương hưu nên chúng mình có biếu ông bà ít tiền hàng tháng.

Nhà mình ăn uống ngày 3 bữa ở nhà. Mình nên cắt giảm khoản nào bây giờ ạ?".

Bức ảnh chi tiêu hết hơn 41 triệu/tháng của cặp vợ chồng khiến dân mạng tranh cãi rôm rả- Ảnh 1.

Bức ảnh các khoản chi hàng tháng do cô vợ chia sẻ

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đưa ra những quan điểm trái chiều. Có người cho rằng chi tiêu thế này là hợp lý rồi, có người lại khăng khăng khuyên phải cắt giảm nữa đi thì mới được.

"Vợ chồng bạn làm việc phải tiếp khách nhiều à? Hay là bạn bè tới chơi thì đãi ăn uống hết 5 triệu? Với lại có 2 vợ chồng, 2 con mà ăn 1 tháng hết 10 triệu là hơi nhiều rồi. Còn tiền điện nữa, làm gì mà tới 4 triệu dữ vậy?" - Một người thắc mắc.

"Làm ra 60 triệu, tiền ăn 10 triệu cho cả nhà mà vẫn phải cắt giảm sao? Mình thấy tiền ăn thế là bình thường, ở gần ông bà thì ăn uống chỉn chu thi thoảng mời ông bà sang ăn, hoặc nấu mang sang cho ông bà nữa thì thế là bình thường. Nói chung chi tiêu thế này mình thấy ổn, cũng phải đầu tư cho chất lượng sống nữa chứ. Cố tăng thu nhập lên thì tốt" - Một người khác chia sẻ.

"Em thấy nhà chị bị nặng 3 khoản: Lãi ngân hàng, tiền biếu ông bà 2 bên, tiền tiếp khách. Nhưng cũng khó mà cắt giảm, có giảm thì giảm khoản tiếp khách thôi, chứ còn lại thì ổn mà nhỉ?" - Một người khác nhận định.

"Mình thấy bạn vợ này không có khoản mua sắm gì là giỏi lắm rồi, chứ nhìn toàn chi phí bắt buộc, có tiền điện là hơi cao thôi" - Một người để lại bình luận.

Làm sao để cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm được tiền?

Có những người "trời sinh bản tính vun vén", không cần cố cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm tiền. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít người loay hoay mãi vẫn không kiểm soát nổi ham muốn mua sắm, tiêu tiền.

Bức ảnh chi tiêu hết hơn 41 triệu/tháng của cặp vợ chồng khiến dân mạng tranh cãi rôm rả- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong hoàn cảnh ấy, phải làm sao mới được? Bạn có thể tham khảo 2 gợi ý dưới đây.

1 - Giảm ngân sách chi tiêu một cách từ từ

Thói quen không hình thành trong ngày 1 ngày 2, nên để chấm dứt việc "tiêu hoang", cũng không thể ngày 1 ngày 2 mà làm được. Để bản thân thích ứng được với việc tiêu tiền ít đi, bạn nên cắt giảm ngân sách một cách từ từ.

Ví dụ: Tháng trước chi 5 triệu để shopping, thì tháng này, giảm ngân sách xuống còn 4 triệu, tháng sau giảm tiếp xuống còn 3 triệu,... Cứ như vậy cho đến khi ngân sách mua sắm về mức tối thiểu hoặc bằng 0 là lý tưởng nhất.

2 - Mua vàng

Gửi tiết kiệm vẫn có thể rút ra trước hạn, "nuôi heo đất" vẫn có thể đập heo lấy tiền, nói cách khác, với những người đã "nghiện chi tiêu theo cảm xúc", chỉ cần trong tay có tiền, không quan trọng là tiền đút heo hay tiền trong tài khoản tiết kiệm, họ đều có thể lấy ra để chi tiêu. Chính bởi thế, để dành tiền không phải là phương pháp tiết kiệm có thể phát huy tác dụng.

Nếu cảm thấy bản thân không thể dừng việc chốt đơn dù đã rất cố gắng, hãy cầm tiền đi mua vàng, không quan trọng là giá vàng đang tăng hay giảm, không quan trọng là mua được 1 chỉ hay nửa chỉ, cứ nhận lương là đi mua vàng. Vì vàng không phải là thứ có giá trị trao đổi trong việc mua sắm thường ngày, không ai lại cầm vàng đi mua cái quần cái áo nên mua vàng rồi, bạn sẽ chẳng còn tiền để mua sắm linh tinh nữa. Như vậy, vừa từ bỏ được thói quen chốt đơn vô tội vạ, vừa có tài sản tích lũy, tiện cả đôi đường.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày