Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, một cô vợ đã chia sẻ về cuộc sống trong gia đình mình khi có tổng thu nhập 80 triệu/tháng, đã mua được nhà và xe. Tưởng rằng chẳng còn gì khó khăn nữa, ấy thế cô vợ vẫn phải xin lời khuyên của cộng đồng mạng khi bỗng nhiên chồng trách móc vợ.
Cụ thể, cô gái tâm sự như sau:
"Các chị cho em hỏi em với chồng lấy nhau được 10 năm rồi. Lương em 20 triệu, lương chồng 60 triệu. Nhà em 3 con. Trước nay là em chi tiền ăn uống, học thêm 2 bạn lớn với học chính 1 bạn. Chồng em chi học hành 1 bạn với mua sắm trả nợ. Bạn thứ 3 mới sinh. Tài sản chung có 1 nhà chung cư và 1 xe.
Mà giờ chồng em nói tài sản trong nhà phần lớn là tiền chồng bỏ ra, em không giúp sức mấy. Trước nay em không cầm tiền của chồng. Mà chồng em nói vậy mọi người nói có nghe được không ạ. Còn em thì tự ái quá, trước giờ mình chăm con chăm cái hết sức chả tiêu gì to cho mình mà giờ nói vậy" .
Ảnh minh hoạ.
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã bình luận về bài viết của cô gái. Trong đó, đa số đều không đồng tình với thái độ của người chồng. Bởi mặc dù chênh lệch về thu nhập, nhưng người vợ cũng đã san sẻ rất nhiều về cả chi phí sinh hoạt, lẫn công việc nuôi dạy con cái. Thế nên cách người chồng nói là đang không tôn trọng và đồng cảm với vợ.
Nhiều người cũng cho rằng khi người chồng có suy nghĩ như vậy thì cuộc hôn nhân đang có vấn đề, và người vợ cần đề phòng điều này. Cô gái nên có cho riêng mình khoản tích luỹ riêng và đề phòng người chồng, chứ không nên quá tin tưởng chồng như trước.
Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Không hiểu sao chồng bạn nói ra được câu đó. Không lẽ con mình tự lớn được à? Công sức vợ bỏ ra chăm con cái, không thông cảm được gì thì thôi, nay lại so đo tiền nong cả với vợ. Mà đã có 3 đứa con với nhau rồi đó. Chồng nói thế thì trước mắt bạn cứ công nhận đúng đi, sau đó bạn cầm hết lương chồng để chi tiêu cho hợp lý với câu chồng nói, còn lương mình thì cất luôn phòng thân. Tội gì mà tự ái cho nhọc người".
- "Nhiều người lạ thật lại bảo chi phí trong nhà chia đôi mà các chị em cũng nghe được. Ai đẻ, ai nuôi con, ai làm việc nhà? Đàn ông không có vợ, muốn đẻ 2 con xem có mất luôn 2 tỷ không, chưa kể chi phí thuê giúp việc cũng 17-18 triệu/tháng. Nếu chồng tự chăm con thì lấy đâu ra thời gian mà phấn đấu để được mức lương 60 triệu/tháng".
- "Người ta có câu "của chồng công vợ" đó bạn à. Vợ dù lương 20 triệu nhưng ai là người chăm sóc con cái cho chồng đi sớm về khuya, chuyên tâm làm việc, con ốm vợ khéo lại nghỉ chăm con. Chồng vẫn thong rong đi làm, chẳng phải lo nghĩ, ai là người mang nặng 9 tháng, nuôi con nhỏ 1 năm. Mất 2 năm chỉ trông 1 đứa, 3 đứa thì cũng mất 6 năm. 6 năm đó phụ nữ phải cố gắng chịu khó lắm, ở nhà 4 bức tường, con khóc, con quấy, stress đến mức trầm cảm. Mà để trầm cảm được thì nó rất kinh khủng rồi. Đừng mang tiền ra so sánh ai kiếm được hơn ai, người đàn ông biết yêu thương vợ con thì không nói ra câu đó. Nói ra không sợ vợ tổn thương à".
- "Phụ nữ mình luôn không rạch ròi chuyện góp tiền chi tiêu chung hàng tháng với chồng, nên hay bị thiệt. Mình sẽ dạy các con gái mình sau này phải rạch ròi chuyện tiền bạc với chồng ngay từ khi xác định kết hôn, và phải dành dụm tiết kiệm một khoản riêng để phòng thân. 10 năm thanh xuân với chồng cũ, mình được lời đúng 2 đứa con cùng nửa tỉ nợ. Nghĩ lại thấy bản thân thật ngu ngốc khi dành hết lòng tin vào chồng cũ".
Trong cuộc sống hôn nhân, không hiếm trường hợp vợ và chồng có mức thu nhập chênh lệch, đặc biệt khi chồng lương cao còn vợ lương thấp. Sự khác biệt này có thể mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho việc quản lý tài chính gia đình. Nếu không được xử lý khéo léo, nó dễ dẫn đến cảm giác bất công, áp lực, hoặc thậm chí là mâu thuẫn giữa hai người.
Vậy làm thế nào để phân chia tài chính một cách hợp lý?
Khi chồng có thu nhập cao hơn đáng kể so với vợ, việc phân chia tài chính trong gia đình cần bắt đầu từ sự thẳng thắn và công bằng. Hai vợ chồng nên ngồi lại để chia sẻ rõ ràng về thu nhập của mỗi người, các khoản chi tiêu cá nhân trước đây, và những nghĩa vụ tài chính riêng (như nợ hoặc hỗ trợ gia đình).
Điều này giúp cả hai hiểu rằng sự chênh lệch lương không phải là thước đo giá trị đóng góp, mà là cơ hội để cùng xây dựng một hệ thống tài chính phù hợp. Ví dụ, nếu chồng kiếm được 30 triệu/tháng còn vợ chỉ kiếm 10 triệu, mục tiêu không phải là so sánh, mà là tìm cách phân bổ sao cho cả hai đều thoải mái và gia đình ổn định.
Ảnh minh hoạ.
Để phân chia tài chính hợp lý, một cách hiệu quả là lập ngân sách chung dựa trên tỷ lệ thu nhập thay vì số tiền cố định. Thay vì mỗi người góp 50% cho các chi phí gia đình, hãy tính toán dựa trên phần trăm thu nhập của từng người.
Chẳng hạn, với tổng thu nhập 40 triệu (chồng 30 triệu, vợ 10 triệu), chồng có thể đóng góp 75% (22,5 triệu) và vợ đóng góp 25% (7,5 triệu) vào các khoản thiết yếu như tiền nhà, điện nước, thực phẩm. Cách này đảm bảo sự công bằng, không tạo áp lực cho người lương thấp, đồng thời vẫn duy trì trách nhiệm chung của cả hai trong việc quản lý gia đình.
Ngoài ngân sách chung, hai vợ chồng cần phân chia trách nhiệm tài chính linh hoạt dựa trên khả năng và nhu cầu thực tế. Với người chồng lương cao, anh ấy có thể đảm nhận các khoản chi lớn hoặc dài hạn như tiền thuê nhà, trả góp xe, hoặc tiết kiệm cho mục tiêu lớn (mua nhà, đầu tư).
Trong khi đó, người vợ lương thấp có thể phụ trách các khoản chi nhỏ hơn, thường xuyên hơn như mua thực phẩm, hóa đơn tiện ích, hoặc chăm sóc con cái nếu có. Nếu vợ chọn ở nhà nội trợ hoặc làm công việc bán thời gian để hỗ trợ gia đình, đóng góp của cô ấy dù không phải tiền mặt vẫn nên được công nhận như một phần quan trọng trong ngân sách chung.
Ảnh minh hoạ.
Dù có sự chênh lệch thu nhập, mỗi người vẫn nên có một khoản tiền riêng để chi tiêu theo sở thích cá nhân, tránh cảm giác bị kiểm soát hoặc phụ thuộc. Sau khi đóng góp vào ngân sách chung, phần thu nhập còn lại của chồng và vợ có thể giữ lại tự quản lý.
Ví dụ, chồng còn 7,5 triệu và vợ còn 2,5 triệu sau khi góp vào quỹ chung, cả hai có thể dùng số tiền này để mua sắm cá nhân, giải trí, hoặc hỗ trợ gia đình bên nội/ngoại. Điều này không chỉ tạo sự thoải mái mà còn giảm thiểu xung đột khi một người cảm thấy phải "xin" tiền từ người kia.
Cuối cùng, sự đồng thuận và khả năng điều chỉnh là yếu tố quyết định để phân chia tài chính thành công. Hai vợ chồng cần thường xuyên thảo luận về cách sử dụng tiền, đặc biệt khi có thay đổi như tăng lương, sinh con, hay phát sinh chi phí bất ngờ.
Nếu chồng muốn dùng thu nhập cao để đầu tư hoặc tiết kiệm nhiều hơn, hãy lắng nghe ý kiến của vợ để đảm bảo cả hai cùng hài lòng với kế hoạch. Ngược lại, nếu vợ muốn tăng chi tiêu cho gia đình, chồng cần tôn trọng và cân nhắc.
Mục tiêu không chỉ là cân bằng tài chính hiện tại, mà còn là xây dựng một tương lai ổn định, nơi cả hai đều cảm thấy được trân trọng và đóng góp.