Yêu đương và kết hôn là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Bởi yêu đương là chuyện giữa 2 người, nhưng khi đã quyết định bước chân vào hôn nhân, đó là câu chuyện của 2 vợ chồng và gia đình 2 bên. Nếu không thể cân bằng được mối quan hệ gia đình 2 bên và những áp lực tài chính, cuộc sống hôn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn và khó đi được lâu dài với nhau.
Như mới đây, một cô gái cũng rơi vào trường hợp như vậy. Mặc dù đã có mối tình kéo dài 7 năm và đã tổ chức đám hỏi, nhưng cô gái vẫn được khuyên chia tay, không lấy người chồng tương lai của mình nữa.
Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, cô gái tâm sự như sau:
"Dừng lại trước khi đám cưới, nên hay không?
Em và anh quen nhau 7 năm, nhà ở quê cách nhau 6km. Ba mẹ anh làm nhà nước, ba mẹ em là nông dân chăn nuôi, cả 2 đứa đều là con trưởng. Anh học bác sĩ, em là nhân viên văn phòng, anh mới đi làm lương có được vài tháng đầu.
Tụi em đã đám hỏi và tính cuối năm nay cưới, em có bàn với anh về việc chăm lo gia đình 2 bên thế nào, rồi tài chính sau khi kết hôn ra sao. Em và anh ko đi đến được thống nhất chung vì em thì muốn có tài khoản chung, anh thì muốn tiền ai nấy giữ, khi nào em cần gì thì nói anh đưa. Anh chăm lo cho em rất nhiều, tiền em đi khám da liễu vì cơ địa em hay dị ứng, thỉnh thoảng nấu cơm cho em mỗi khi đi làm về. Anh đối xử với em rất tốt.
Nhưng em khá buồn vì suy nghĩ của anh đối với ba mẹ em. Nhà em khó khăn hơn nhà anh, tiền mỗi tháng em làm thì đều đủ hoặc thiếu, lần trao đổi về tài chính thì anh bảo gia đình em là gánh nặng cho anh, nhà em không lo gì được cho anh (trong khi nếu anh có vợ là bác sĩ thì anh không phải như vậy).
Anh nói em không lo gì cho anh, không giúp được gì cho nhà anh. Đúng vậy ạ, em không giúp được gì về kinh tế, nhưng mỗi khi em về quê thì em đều lên nhà anh thăm ba mẹ anh. Mỗi ngày em gọi về cho nhà em thì tuần em cũng sắp xếp gọi về cho mẹ anh nói chuyện tâm sự, còn anh thì không ngó ngàng gì đến ba mẹ em. Em biết ba mẹ em buồn vì có cũng như không, mà còn mất đi con gái.
Anh nói anh lo cho nhà anh, ưu tiên cho ba mẹ anh. Còn em thì có suy nghĩ cưới nhau thì lo cho ba mẹ 2 bên đồng đều không ai hơn ai. Nếu anh lo hơn thì anh tự lo phần anh. Sống chung hơn 2 năm thì em chăm cho anh, quần áo, giấc ngủ, thời gian để anh làm việc, chơi game.
Em buồn vì bản thân mình, ba mẹ mình bị con rể coi không ra gì, không giúp được gì. Em tiếc cho thanh xuân của em, em nghĩ em nên bắt đầu lại từ đầu, không đi theo tình yêu không cân xứng môn đăng hộ đối nữa".
Ảnh minh hoạ.
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời khuyên cho cô gái này. Đa số đều khuyên cô gái nên chia tay ngay lập tức, dù cho cô gái và người yêu đã tổ chức đám hỏi và có với nhau 7 năm yêu nhau.
Bởi anh chàng này đang hội tụ rất nhiều red flag, và báo động về tương lai không mấy vui vẻ khi về chung sống với nhau như: Không tôn trọng cha mẹ vợ, so sánh cô gái này với người con gái khác (so sánh rằng nếu anh cưới vợ là bác sĩ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn)...
Và một điều cũng quan trọng khi cả 2 không thống nhất được mục tiêu tài chính sau khi kết hôn - rất dễ khiến cuộc sống hôn nhân có nhiều bất hoà về sau này.
Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Theo mình thì nên suy nghĩ lại về quyết định cưới. Chứ cưới rồi mà tiền ai nấy giữ thì chẳng khác gì bạn ở trọ. Còn việc lo cho ba mẹ thì mình quan niệm ba mẹ ai, người nấy lo. Ví dụ cho ba mẹ vợ 3 triệu/tháng thì ba mẹ chồng cũng vậy. Nhà mình khó khăn thì tự mình cố gắng lo cho ba mẹ mình, chứ không thể trông chờ vào ai được. Vợ chồng nên có nhân sinh quan giống nhau, và thống nhất kĩ càng trước cưới.
Trong trường hợp này, nên dừng lại suy nghĩ. Nói gì thì nói, chứ trong tâm đã khinh ba mẹ bạn thì sau này khó có thể đối xử tốt. Con rể không cần phải chăm lo ba mẹ vợ, nhưng tôn trọng là điều tối thiểu".
- "Mình là người từng dừng trước đám cưới 3 tháng, sau vô số lần lấn cấn nhưng đều tặc lưỡi, cho đến khi mình nhận ra mình thà chọn dừng trước đám cưới chứ không muốn làm người phụ nữ một đời chồng. Khi dừng lại, mình cũng lo lắng về bố mẹ, về tai tiếng, về rất rất nhiều thứ.
Thời gian qua đi, đến nay cũng là 8 năm, ai cũng có hạnh phúc riêng, tiếng tăm cũng chẳng ai để ý, mình lấy chồng hiện tại khi anh và gia đình đều biết mình từng dừng đám cưới, và mọi người đều không để ý, chúng mình vẫn hạnh phúc, cho đến nay mình thấy đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời mình. Và bạn tin không? Những người ngày xưa nói mình thế này thế kia, đến bây giờ lại chúc mừng mình vì đã chọn đúng, khi họ thấy cô con dâu mới về đã gặp phải những điều như mình từng nói".
- "Trong mọi cuộc hôn nhân, vấn đề thống nhất tài chính và tôn trọng hai bên gia đình là cực kỳ quan trọng. Anh này dính cả 2. Thể hiện rõ sự không tôn trọng gia đình vợ, coi bố mẹ vợ là gánh nặng, lại còn kêu không giúp gì được. Con rể như vậy không chấp nhận được ấy.
Thứ hai, anh ấy muốn giữ tiền ai nấy tiêu, trong khi vợ lại muốn góp chung. Cái này không phải ai đúng ai sai, mà là quan điểm khác nhau không thể dung hòa. Riêng cái số 1 đủ để dừng lại rồi bạn ạ. Lấy ai thì lấy, nhưng coi thường bố mẹ mình như vậy mà còn đâm đầu vào cưới thì sau này hối hận không kịp. Đừng tiếc thanh xuân vì cuộc đời sau này của bạn còn rất dài để sửa chữa và tìm người xứng đáng hơn".
Ảnh minh hoạ.
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, việc thống nhất quan điểm chi tiêu là một trong những nền tảng quan trọng để tránh mâu thuẫn về tài chính. Ngay từ đầu, hai vợ chồng cần dành thời gian trò chuyện cởi mở.
Hãy bắt đầu bằng cách chia sẻ tình hình tài chính cá nhân: Thu nhập hàng tháng, các khoản nợ (nếu có), thói quen chi tiêu và mục tiêu tài chính riêng. Sự rõ ràng này giúp cả hai hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, tránh những bất ngờ hay hiểu lầm không đáng có sau này.
Sau khi hiểu rõ tình hình tài chính của nhau, hai vợ chồng nên cùng thiết lập một tầm nhìn chung về tiền bạc. Điều này bắt đầu bằng việc thảo luận và đặt ra các mục tiêu cụ thể, như tiết kiệm mua nhà, nuôi con, hay chuẩn bị cho tuổi già. Những mục tiêu này sẽ định hướng cách chi tiêu và tiết kiệm của gia đình.
Ví dụ, nếu cả hai muốn có một khoản dự phòng lớn, họ có thể đồng ý cắt giảm các khoản như ăn ngoài hay du lịch xa. Ngược lại, nếu ưu tiên là tận hưởng hiện tại, họ có thể linh hoạt hơn trong việc chi tiêu cho giải trí. Quan trọng là cả hai phải đồng thuận, tránh tình trạng một người tiết kiệm quá mức trong khi người kia chi tiêu thoải mái, dễ dẫn đến bất hòa.
Ảnh minh hoạ.
Để quản lý chi tiêu hiệu quả, hai vợ chồng cần xây dựng một kế hoạch ngân sách chung và phân chia trách nhiệm rõ ràng. Một nguyên tắc phổ biến là áp dụng mô hình 50/30/20: 50% thu nhập dành cho nhu cầu cơ bản như nhà ở, thực phẩm, đi lại; 30% cho sở thích cá nhân như ăn ngoài hay giải trí; và 20% để tiết kiệm hoặc trả nợ.
Tuy nhiên, cách phân bổ này có thể điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh gia đình. Một người có thể đảm nhận việc lập kế hoạch và theo dõi chi tiêu, trong khi người còn lại giám sát việc thực hiện.
Nếu có khác biệt về thói quen – như một người thích mua sắm, người kia tiết kiệm – hãy thỏa thuận một khoản "tiền riêng" nhỏ để mỗi người tự do chi tiêu mà không ảnh hưởng đến ngân sách chung.
Ngoài việc lập kế hoạch, sự linh hoạt và tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc không thể thiếu. Cuộc sống hôn nhân khó tránh khỏi những lúc tài chính eo hẹp hoặc chi phí bất ngờ, như mất việc hay ốm đau. Khi đó, hai vợ chồng cần sẵn sàng điều chỉnh ngân sách, lắng nghe ý kiến của nhau và cùng tìm giải pháp.
Đừng để tiền bạc trở thành nguồn căng thẳng; thay vào đó, hãy coi đây là cơ hội để hỗ trợ và thấu hiểu đối phương. Thảo luận định kỳ, chẳng hạn mỗi tháng một lần, cũng giúp cả hai đánh giá lại cách chi tiêu, sửa đổi nếu cần và duy trì sự đồng lòng trong quản lý tài chính.
Thống nhất quan điểm chi tiêu không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là cách xây dựng niềm tin trong hôn nhân. Khi cả hai cùng hướng tới mục tiêu chung, tôn trọng thói quen và giá trị của nhau, họ không chỉ quản lý tài chính tốt hơn mà còn củng cố mối quan hệ.
Hãy bắt đầu từ những cuộc trò chuyện nhỏ, đặt ra các nguyên tắc cơ bản và duy trì sự kiên nhẫn. Một khi đã tìm được tiếng nói chung, tiền bạc sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hạnh phúc gia đình thay vì nguyên nhân gây rạn nứt. Sự phối hợp hài hòa giữa quan điểm và nguyên tắc chi tiêu chính là chìa khóa cho một cuộc hôn nhân bền vững.