Đoạn tin nhắn của người chồng khiến nhiều người chỉ biết im lặng: "Ăn giỗ thừa xôi sao không đem về, sáng ra lại mua 10k làm gì?"

Hà Thi, Theo Thanh Niên Việt 16:25 06/04/2025
Chia sẻ

Nhiều dân mạng không biết nên khuyên điều gì khi đọc dòng tâm sự của người vợ.

Đoạn tin nhắn của người chồng khiến nhiều người chỉ biết im lặng: "Ăn giỗ thừa xôi sao không đem về, sáng ra lại mua 10k làm gì?"- Ảnh 1.

Người vợ bị chồng mắng khi tiêu 1,2 triệu trong 5 ngày

Một lời khuyên thường thấy cho các cặp đôi trước khi bước vào hôn nhân: Hãy cố gắng tự chủ tài chính. Nếu không, cuộc sống gia đình sẽ rất ngột ngạt và có nhiều thứ phải lo nghĩ đó.

Như mới đây, một cô gái đã chia sẻ dòng tâm sự trong group chuyên về chi tiêu, nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ những người đã có gia đình.

Cụ thể, cô gái chia sẻ như sau: "Em sinh xong 7 tháng, đang ở nhà trông con, ông bà nội 74 và 76 tuổi, đã yếu không trông cháu được, nên em định con 1 tuổi thì đi làm lại. Chồng em vốn tính rất chắc khoản tiền nong, cứ đưa tiền cho em khoảng 1-2 triệu một lần, tiêu hết thì lại bảo anh đưa tiếp. Mỗi lần hỏi tiền, chồng đều trách em chi tiêu không tiết kiệm, thật sự rất mệt mỏi.

Em cũng cố gắng tiêu tiết kiệm rồi, lắm khi mua thức ăn ít quá, em lại nhường mọi người ăn, chứ cũng chẳng dám ăn!".

Đoạn tin nhắn của người chồng khiến nhiều người chỉ biết im lặng: "Ăn giỗ thừa xôi sao không đem về, sáng ra lại mua 10k làm gì?"- Ảnh 2.

Bảng chi tiêu của 1 gia đình 5 người. (Nguồn: Vén Khéo)

Bên dưới bài đăng, cô gái cũng đính kèm bảng chi tiêu trong 5 ngày. Đáng chú ý, cô gái cũng ghi rất rõ từng hạng mục chi tiêu như ăn xôi sáng (10k), bó rau muống (5k), đậu (5k), thịt băm (20k)...

Mặc dù đã cố gắng chi tiêu rất cặn kẽ, người chồng vẫn không hài lòng và mắng vợ chỉ vì vợ... không mang về xôi trong đám cỗ.

Người chồng gửi tin nhắn đến vợ: "Hôm ăn giỗ nhà bà ngoại, thừa rất nhiều xôi em không mang về rồi sáng hôm sau lại mua 10k xôi làm gì. Xôi nhà bà ngon, mang 1 đĩa về thì cả nhà không tốn tiền ăn sáng. Những chuyện nhỏ này anh không muốn nhắc em, nói ra bảo anh ki bo, kì kèo nhưng không nói, em không biết tính toán. Em xem lại chứ 1,2 triệu mà 5 ngày đã tiêu hết".

Đoạn tin nhắn của người chồng khiến nhiều người chỉ biết im lặng: "Ăn giỗ thừa xôi sao không đem về, sáng ra lại mua 10k làm gì?"- Ảnh 3.

Đọc tin nhắn mà thấy tủi thân giùm người vợ.

Sau khi đọc những dòng này, ai cũng rất thương cho cô gái trong câu chuyện. Đa số đều cho rằng mức chi tiêu của gia đình này đang rất tiết kiệm. Bởi nhìn kĩ vào bảng chi tiêu, sẽ thấy tiền ăn chỉ chiếm khoảng 40-50% - khoảng 600k/5 ngày, tức khoảng 120k/ngày cho bữa ăn của 5 người. Số tiền còn lại bỉm sữa cho em bé.

Với số tiền ăn như này thì đúng là muốn vén cũng rất khó! Nhiều người cũng lên tiếng trách người chồng khi đã không thông cảm, san sẻ với vợ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bênh vực và mong thông cảm cho người chồng, bởi anh đang gánh trên vai áp lực kinh tế trong gia đình có 5 người. Nếu người chồng có thu nhập không quá cao, trong khi vợ đang không có thu nhập thì đúng là rất khó!

Thế nên, netizen chỉ biết khuyên cô gái nên có cuộc nói chuyện thẳng thắn với chồng, đặc biệt ghi rõ với chồng tại sao lại chi tiêu tốn lại đến mức như vậy. Và quan trọng hơn, cô gái hãy cố gắng thu xếp để có thể sớm đi làm lại, hoặc tạo ra thu nhập thì sẽ đỡ đi phần nào gánh nặng tài chính của gia đình, đồng thời cũng giải toả căng thẳng cho chính mình.

Đoạn tin nhắn của người chồng khiến nhiều người chỉ biết im lặng: "Ăn giỗ thừa xôi sao không đem về, sáng ra lại mua 10k làm gì?"- Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ.

Dưới đây là một số bình luận nổi bật:

- "Thôi đi làm lấy tiền mà tiêu bạn ạ, không có kế hoạch tài chính xin tiền chồng khổ lắm. Cũng cần phải biết chồng bạn có mức thu nhập bao nhiêu, chứ nhà từng đấy người mà chỉ 1 người đi làm thì cũng áp lực lắm. Bài này không nói đến thu nhập của chồng thì đúng là không đánh giá được thật. Mình không dám khuyên bỏ chồng đâu".

- "Mình không nói ông chồng đúng, nhưng khi lương thấp mà lại một người đi làm thì áp lực cũng không hề nhỏ, chỉ là biết và hiểu để động viên nhau vượt qua khó khăn thôi. Các bạn cứ xui bỏ chồng, nhưng thời điểm kinh tế khó khăn thế này, tìm việc cũng không phải đơn giản. Bạn ấy lại vướng con nhỏ nữa, xong cũng chưa biết hoàn cảnh gia đình bạn ấy bên ngoại có hỗ trợ không. Tự dưng cáu giận bỏ nhau thì sống tiếp ra sao, đã ai tính hộ chưa?".

- "Đợi bé lớn thì đi làm đi bạn, tiêu tiền của mình làm ra nó khoẻ cả người bạn ạ. Còn về bài đăng... phải căn cứ thu nhập của chồng bạn bao nhiêu mới đưa ra lời khuyên được. Chẳng hạn tổng thu của chồng có 10 triệu thì chi tiêu khác với thu nhập 20-30 triệu. Thực tế chồng bạn đang nuôi cả nhà 5 người, nếu thu nhập thấp thì bạn nên vén lại theo mức thu nhập thấp.

Mình cũng từng sống từ mức lương 3 triệu vào năm 2013 và thay đổi dần dần đến bây giờ. Có ít thì mức tiêu sẽ phải buộc tằn tiện, chẳng hạn lúc đó con mình dùng rẻ, mặc đồ secondhand, đồ chợ. Nhưng tới khi làm việc khác lương 30 triệu thì con mình dùng đồ đắt đỏ hơn, kiểu nó vậy. Nên không thể khuyên bạn bỏ chồng hay vén lại khi chưa biết tổng thu của gia đình bạn".

- "Tiết kiệm là tốt nhưng như này hơi chi li, hay là do túng quá nên mới phải vậy? Nhưng thay vì trách vợ chi tiêu này nọ thì người chồng nên ráng kiếm nhiều tiền hơn, cải thiện đời sống gia đình. Không biết ngày thường 2 bạn nói chuyện ra sao, chứ xem đoạn tin nhắn kia thì đúng là thấy tủi cho bạn quá".

- "Phải tự chủ tài chính, tự chủ tài chính, tự chủ tài chính. Điều quan trọng phải nói 3 lần".

- "Dạo này thấy nhiều bạn có chồng mà chi li tính toán thiệt chứ. Như này còn khổ hơn cả sống độc thân. Đọc mà thấy ngột ngạt giùm, vì bỏ chồng cũng không được, mà ở thêm thì mình cũng buồn tủi".

Đoạn tin nhắn của người chồng khiến nhiều người chỉ biết im lặng: "Ăn giỗ thừa xôi sao không đem về, sáng ra lại mua 10k làm gì?"- Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ.

Các cặp vợ chồng nên quản lý chi tiêu thế nào?

Hôn nhân khác với tình yêu là khi vợ chồng phải gánh nhiều trách nhiệm hơn. Và đặc biệt là gánh nặng tài chính. Thế nên trước khi bước vào hôn nhân, nếu được nhất, hãy cố gắng chuẩn bị tài chính vững cho mình, và được tự chủ tài chính.

1. Hiểu rõ tình hình tài chính hiện tại

Vợ chồng nên cùng ngồi lại, tính tổng thu nhập hàng tháng từ lương chính lẫn các nguồn phụ như làm thêm hay đầu tư nhỏ. Sau đó, hãy ghi chép chi tiết các khoản chi trong một tháng, từ tiền nhà, điện nước, ăn uống, đi lại đến giải trí và mua sắm. Việc này giúp xác định rõ tiền đang "chảy" đi đâu và đặt mục tiêu tài chính cụ thể, như tiết kiệm mua nhà hay dự phòng khẩn cấp.

2. Xây dựng ngân sách

Một cách phổ biến về tiết kiệm thường áp dụng là nguyên tắc 50/30/20. Tức là 50% thu nhập dành cho nhu cầu thiết yếu như nhà ở, thực phẩm, đi lại; 30% cho sở thích cá nhân như ăn ngoài hay giải trí; và 20% để tiết kiệm hoặc trả nợ.

Ví dụ, nếu thu nhập chung là 20 triệu đồng, bạn có thể phân bổ 10 triệu cho sinh hoạt cơ bản, 6 triệu cho các hoạt động cá nhân, và 4 triệu để tích lũy. Nếu chi phí thiết yếu vượt quá 50%, hãy điều chỉnh bằng cách cắt giảm ở các nhóm khác để đảm bảo cân bằng.

Đoạn tin nhắn của người chồng khiến nhiều người chỉ biết im lặng: "Ăn giỗ thừa xôi sao không đem về, sáng ra lại mua 10k làm gì?"- Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ.

3. Cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết

Cắt giảm chi tiêu không cần thiết là chìa khóa để tối ưu tài chính. Với chi phí nhà ở, nếu đang thuê, bạn có thể cân nhắc chuyển sang chỗ rẻ hơn hoặc gần nơi làm để tiết kiệm xăng xe, đồng thời tắt bớt thiết bị điện không dùng và kiểm tra rò rỉ nước để giảm hóa đơn.

Về ăn uống, thay vì ăn ngoài thường xuyên, hãy tự nấu ăn, lên thực đơn hàng tuần, mua thực phẩm theo mùa và tận dụng khuyến mãi. Đi lại cũng có thể tiết kiệm bằng cách đi chung xe nếu hai vợ chồng làm gần nhau, hoặc dùng phương tiện công cộng khi tiện lợi.

Giải trí và mua sắm nên hạn chế, ưu tiên các hoạt động miễn phí như đi dạo công viên thay vì du lịch xa, và chỉ mua quần áo, đồ dùng khi thực sự cần thiết.

4. Học cách tiết kiệm và đầu tư

Tăng cường tiết kiệm và đầu tư nhỏ cũng giúp tài chính gia đình vững vàng hơn. Mỗi tháng, nếu được thì hãy cố gắng trích ít nhất 10% thu nhập cho quỹ khẩn cấp, đủ để trang trải 3-6 tháng sinh hoạt nếu có rủi ro như ốm đau hay mất việc.

Nếu có tiền nhàn rỗi, bạn có thể gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất tốt hoặc thử các khoản đầu tư an toàn khác, Một ý tưởng thú vị là thử thách "52 tuần tiết kiệm": Bắt đầu từ 100 nghìn đồng tuần đầu, tăng dần lên 200 nghìn, 500 nghìn... đến cuối năm bạn sẽ có một khoản đáng kể đấy!

5. Điều cuối nhưng rất quan trọng: Sự phối hợp của hai vợ chồng

Sự phối hợp giữa hai vợ chồng là yếu tố quyết định thành công. Hãy phân chia trách nhiệm rõ ràng, ví dụ một người quản lý ngân sách, người còn lại giám sát chi tiêu hàng ngày. Cuối mỗi tháng, hai bạn nên ngồi lại để đánh giá, điều chỉnh kế hoạch và tránh trách móc nếu lỡ chi quá tay.

Cắt giảm chi tiêu không phải là sống kham khổ, mà là chi tiêu thông minh để có cuộc sống thoải mái hơn về lâu dài. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, bạn sẽ thấy tài chính gia đình dần ổn định và có dư để thực hiện các mục tiêu lớn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày