Theo 163.com, 30 năm trước, chú Trương ở Cát Lâm, Trung Quốc, đã đến một ngân hàng ở địa phương để gửi khoản tiền tiết kiệm là 2.000 NDT (hơn 7 triệu đồng). Lúc đó, nhân viên cho biết ngân hàng đang tung ra mức lãi suất siêu ưu đãi là 19,26%. Đến ngày đáo hạn, chú Trương có thể nhận về 720.000 NDT (hơn 2,5 tỷ đồng) cả gốc lẫn lãi.
Không ngờ, 30 năm sau đó, khi người đàn ông này mang cuốn sổ tiết kiệm đã ố vàng đến ngân hàng để nhận tiền thì lại được nhân viên thông báo: "Sổ tiết kiệm cũng như mức lãi suất ghi ở bên trong sổ tiết kiệm của chú đã hết hiệu lực từ lâu rồi. Theo quy định, chúng tôi chỉ có thể đưa cho chú 4.000 NDT (hơn 14 triệu đồng)."
Chú Trương nghe vậy thì ngẩn người, hỏi: “Sao có thể như thế được? Sổ tiết kiệm của tôi do ngân hàng cấp, thời gian gửi tiền được ghi rõ là 30 năm, đến nay là đúng ngày đáo hạn, sao lại hết hiệu lực được?”
Nhân viên ngân hàng giải thích: “Số tiền tiết kiệm của chú được gửi vào ngân hàng từ 30 năm trước. Tuy nhiên nhiều năm sau đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thay đổi một số quy định nên những thông tin ở trong đó không còn đúng với quy định mới được đưa ra.”
Cụ thể, nhân viên ngân hàng cho biết với quy định mới, thời hạn gửi tiền chỉ có thể kéo dài tối đa là 5 năm. Không những thế, phía ngân hàng còn cho biết lãi suất thực tế cho gói tiết kiệm có kỳ hạn 5 năm là không quá 5%. Trong khi đó, lãi suất được ghi trong sổ tiết kiệm của chú Trương là gần 20%, vượt quá mức lãi suất mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc mới quy định. Vì vậy, họ không thể để người đàn ông này rút khoản tiền 720.000 NDT như mong muốn.
Ảnh minh hoạ: Sohu
Thông tin mà nhân viên ngân hàng cung cấp khiến chú Trương lặng cả người. 30 năm trước, 2.000 NDT của người đàn ông này có thể mua được một ngôi nhà, thế nhưng bây giờ ngay cả một mét vuông cũng không mua được. Do đó, chú Trương không thể chấp nhận được việc mình chỉ nhận được tổng cộng 4.000 NDT sao 30 năm gửi tiền. Cho rằng mình bị lừa, người đàn ông này đã đệ đơn kiện ngân hàng lên tòa án địa phương, yêu cầu đơn vị này phải trả cho ông 720.000 NDT như đã cam kết, đồng thời bồi thường chi phí đi lại và các chi phí khác, tổng cộng là 30.000 NDT (hơn 106 triệu đồng).
Toà án địa phương sau khi xem xét vụ việc đã cho rằng những lý lẽ mà ngân hàng đưa ra là hợp lý. Đồng thời xác định rằng hợp đồng tiền gửi giữa chú Trương và ngân hàng thực sự đã trở nên vô hiệu do thay đổi chính sách. Tuy nhiên, trong vụ việc này, toà án cho rằng ngân hàng cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm vì sau khi chính sách mới được đưa ra, đơn vị này đã không thông báo hay có phương án giải quyết tiền gửi một cách kịp thời, gây ra tổn thất cho người gửi tiền là chú Trương. Mặt khác, chú Trương cũng không đến ngân hàng để kiểm tra sổ tiết kiệm của mình trong suốt 30 năm nên cũng có lỗi ở một mức độ nào đó.
Cuối cùng, sau khi xem xét kỹ lưỡng vụ việc và dựa theo những quy định của pháp luật Trung Quốc, tòa án địa phương quyết định ngân hàng phải trả lại số tiền gốc là 2.000 NDT cho chú Trương, đồng thời bồi thường cho ông 10.000 NDT (hơn 35 triệu đồng). Những yêu cầu khác của người đàn ông này bị toà án bác bỏ. Vụ việc cũng kết thúc tại đây.
Qua vụ việc này, toà án Trung Quốc cũng khuyến cáo người dân khi tham gia gửi tiền hay mua các sản phẩm tài chính tại ngân hàng cần phải thường xuyên cập nhật tin tức cũng như các chính sách thay đổi từ phía ngân hàng để tránh những rủi ro và ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Đặc biệt, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần siết chặt hơn nữa những quy định có liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tiếp diễn những trường hợp tương tự.
Theo 163.com