Ở thời điểm này, có lẽ cũng không ngoa ngoắt khi nói rằng “cắt giảm nhân sự” là một cơn sóng ngầm, khiến dân văn phòng ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí làn sóng sa thải đã “quét” qua không ít doanh nghiệp từ trước Tết Nguyên Đán.
Người không may có tên trong “danh sách thất nghiệp” cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài buông 1 hơi thở dài, rồi lại ngậm ngùi rải CV tìm bến đỗ mới. Người vẫn đang còn công việc, còn thu nhập ổn định thì “nín thở”, vì chẳng biết lúc nào sẽ đến lượt mình.
“Giờ không sợ gì, chỉ sợ mất việc” có lẽ là tâm trạng chung của tất cả dân văn phòng lúc này. Nỗi sợ ấy thúc đẩy họ cố gắng, chăm chỉ làm việc, nhưng đồng thời, nó cũng buộc họ phải đưa ra những quyết định không mấy dễ dàng, tựa như việc phải gác lại dự định có con trong thời điểm này.
Như Phương (29 tuổi) và Phan Ngọc (28 tuổi) đều kết hôn trong năm 2023. Tính đến nay, cũng đã hơn 1 năm họ bắt đầu đời sống hôn nhân, nhưng cả 2 đều cho biết bản thân chưa dám có bầu, cũng không dám tính tới chuyện có con trong năm nay hoặc năm sau.
Ảnh minh họa
“Thu nhập của vợ chồng mình hiện tại được khoảng 50-53 triệu/tháng. Cả 2 đứa đều làm 2 công việc 1 lúc, 1 việc chính, 1 việc phụ. Mình làm trong ngành Truyền thông - Quảng cáo, còn chồng mình làm trong lĩnh vực tài chính.
Nghe qua thì ai cũng nghĩ thu nhập chừng đó là dư sức nuôi con rồi. Nhưng chúng mình chưa có nhà, cũng không thể đi ở thuê cả đời. Bố mẹ 2 bên cũng không thể hỗ trợ gì về mặt tài chính mua nhà, hay cả việc chăm cháu nếu tụi mình có con bây giờ, vì ông bà vẫn còn đi làm.
Thế nên nếu có con, thứ nhất là chắc chắn thu nhập sẽ giảm vì mình không thể vừa chăm con, vừa làm 2 công việc 1 lúc. Thứ hai là sẽ tốn thêm tiền thuê nhà to hơn bây giờ, vì có con rồi không thể ở trong 1 căn studio 25m2 được nữa, chưa kể còn tốn thêm tiền thuê người giúp việc.
Bản thân bọn mình cũng suy nghĩ mãi, vì dù sao mình cũng 29 tuổi rồi, không còn trẻ nữa, bố mẹ 2 bên cũng hối thúc nhiều lắm. Nhưng chúng mình vẫn thống nhất 2 năm nữa mới có con, từ giờ đến đó cố gắng làm việc, kiếm tiền và tiết kiệm, để dù chưa mua được nhà ngay thì cũng phải yên tâm đủ tiền nuôi con đến khi con 3 tuổi” - Như Phương chia sẻ.
Phan Ngọc cũng có tâm tư tương tự Như Phương. Trong bối cảnh thất nghiệp thì dễ, kiếm việc mới khó như lúc này, cộng thêm áp lực nợ nần từ khoản vay mua nhà, 2 yếu tố ấy khiến vợ chồng Phan Ngọc đồng lòng tạm hoãn dự định có con thêm 2 năm nữa.
Dù không tiết lộ về mức thu nhập hàng tháng, nhưng Phan Ngọc cho biết sau khi trừ đi tất cả các khoản chi cố định, và tiền trả nợ ngân hàng, vợ chồng cô chỉ còn dư khoảng 9-10 triệu để tiết kiệm.
Với số tiền ấy mà bây giờ có bầu, quá trình dưỡng thai rồi sinh con, nuôi con thì áp lực tiền bạc sẽ không nhỏ.
“Chúng mình không cần nghĩ hay đắn đo quá nhiều việc có nên có con ngay bây giờ hay không, vì dư 9-10 triệu/tháng thì sao đủ nuôi con. Chưa kể, với tính chất công việc của mình, thì khó mà đảm bảo sẽ giữ được việc trong thời gian mang thai hay nghỉ thai sản. Nghề của mình áp lực rất cao, tốc độ đào thải rất lớn nên cũng lo lắm. Chỉ biết tự trấn an bản thân là 30-31 tuổi đẻ cũng chưa muộn” - Phan Ngọc bộc bạch và cho biết cô đang làm việc trong lĩnh vực môi giới BĐS.
Nỗ lực kiếm tiền và tiết kiệm nhiều nhất có thể để ổn định tài chính trước khi sinh con, nên cũng không có gì quá khó hiểu khi thời gian làm việc của 2 cặp vợ chồng này lên tới 13-14 tiếng/ngày.
Thời gian rảnh không có nhiều, nên họ cũng chẳng còn tâm trí mà nghĩ tới việc du lịch, vui chơi hay gọi chung là tiêu tiền. Việc tiết kiệm bởi thế cũng không phải là thách thức quá lớn.
Ảnh minh họa
Chia sẻ về các khoản chi cố định hàng tháng, Như Phương và Phan Ngọc không hẹn mà cùng đưa ra những con số san sát nhau.
Với vợ chồng Như Phương, dù thu nhập trên 50 triệu/tháng, nhưng tổng chi tiêu của 2 người không quá 6 triệu/tháng. Đương nhiên, chưa bao gồm tiền thuê nhà.
“Nếu tính cả tiền thuê nhà thì tổng chi tiêu cố định 1 tháng của chúng mình rơi vào khoảng 11-12 triệu đồng.
- Tiền thuê nhà, điện nước, phí dịch vụ: 5 - 5,6 triệu
- Tiền ăn: 4 triệu. Vợ chồng mình hầu như không đi ăn ngoài, tự nấu cơm mang đi làm. Cuối tuần hoặc các dịp đặc biệt mới ra ngoài ăn thôi. Bố mẹ ở quê cũng gửi thịt thà, rau củ ra nữa nên cũng tiết kiệm được 1 khoản nho nhỏ tiền mua thực phẩm.
- Tiền tiêu vặt, đổ xăng: 1 triệu/người.
Mình là phụ nữ nên cần mua sắm nhiều hơn chồng, nên thi thoảng cũng hơi tiêu lố khoản tiền tiêu vặt, nhưng chúng mình thống nhất nếu người này tiêu lố thì người kia bù vào, hoặc không thì tháng này tiêu lố rồi, tháng sau phải tự bù” - Như Phương chia sẻ.
Còn vợ chồng Phan Ngọc thì cho biết, chi tiêu trung bình hàng tháng của 2 người, tối đa chỉ 5 triệu.
“Nhà mình thì không quy tiền về 1 mối mà chia nhau ra quản lý. Ví dụ như chồng mình sẽ lo tiền điện, nước, mạng và phí dịch vụ, cộng thêm 70% tiền trả nợ ngân hàng. Mình lo tiền ăn và 30% tiền trả nợ ngân hàng. Chúng mình thống nhất mỗi người chỉ được tiêu vặt tối đa 1,2 triệu đồng/tháng.
Còn dư bao nhiêu thì mua 1 chỉ vàng và gửi tiết kiệm. Trung bình mỗi tháng, tiền ăn uống, đi lại, và tiền tiêu vặt của chúng mình chỉ hết khoảng 5 triệu thôi. Có tháng còn chẳng mua sắm, tiêu vặt tí nào” - Phan Ngọc chia sẻ.