Nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Maslach từng đề xuất khái niệm "kiệt sức nghề nghiệp". Chúng dùng để mô tả trạng thái suy kiệt về cảm xúc, tinh thần và thể chất do căng thẳng kéo dài—như thể toàn bộ năng lượng đã bị rút cạn.
Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều người lao động, đặc biệt là những ai quá khao khát được công nhận. Họ đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân, luôn cố gắng chứng tỏ mình, nhưng rồi lại mắc kẹt trong những mâu thuẫn nội tại không hồi kết.
Càng cố gắng, họ càng kiệt sức. Càng nỗ lực, họ càng dễ thất vọng.
Thay vì ép bản thân vào guồng quay căng thẳng, hãy học cách thư giãn, chậm lại một nhịp, buông bỏ sự ganh đua không cần thiết. Khi đó, công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và đi lên thuận lợi hơn.
Ảnh minh hoạ
Khi Tản Bối mới vào làm ở đài truyền hình, anh thường xuyên bị cấp trên chỉ trích vì thiếu kinh nghiệm dẫn chương trình. Anh bị cấp trên đánh giá có lối dẫn không sinh động, biểu cảm thiếu lưu loát.
Sau nhiều lần như vậy, anh cảm thấy lãnh đạo cố ý gây khó dễ cho mình. Trong lòng anh sinh oán hận. "Mỗi ngày tôi đều muốn xin nghỉ việc", anh nhớ lại.
Sau nhiều lần cân nhắc, anh quyết định ở lại công ty và chứng minh năng lực của bản thân bằng hành động. Sau mỗi ngày ngày làm việc, anh thường ở lại phòng thu để xem những người khác thu âm.
Khi gặp vấn đề không hiểu, anh sẽ chủ động nhờ đàn anh giúp đỡ, không bao giờ coi thường những nhiệm vụ lặt vặt do cấp trên giao.
Sau khi kiên trì theo cách này trong một thời gian, kỹ năng chuyên môn của anh đã có bước tiến vượt bậc.
Sự tiến bộ của Tản Bối được cấp trên chú ý và nhờ đó anh được trao nhiều cơ hội hơn.
Tôi thường nói rằng điều ít cần thiết nhất ở nơi làm việc là mong muốn luôn được người khác khen ngợi và có lòng tự trọng quá cao.
Khi cấp trên chỉ trích thái độ làm việc của bạn, thay vì đối đầu với họ, bạn nên suy ngẫm và tìm cách cải thiện.
Nếu sếp từ chối đề xuất của bạn, thay vì cảm thấy có lỗi, bạn có thể điều chỉnh và tối ưu lại công việc của mình.
Dù bạn làm việc ở đâu, hãy luôn nhớ rằng những lời chỉ trích và đổ lỗi chỉ là sự bổ sung cho khả năng của bạn chứ không phải là phủ nhận con người bạn.
Khi bạn có thể kiểm soát được niềm vui, sự tức giận và chịu đựng được những lời trách móc từ sếp ở môi trường công sở, bạn sẽ tự nhiên có thể hoàn thành tốt mọi việc.
Ảnh minh hoạ
Khi mới tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm ở một toà soạn.
Cùng thời điểm đó, có gần mười sinh viên mới ra trường gia nhập công ty. Tất cả chúng tôi đều đảm nhận công việc giống nhau mỗi ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận ra hầu hết mọi người đều tìm cách trì hoãn, lười biếng, và thực tế mỗi ngày họ chỉ làm việc chưa đến sáu tiếng.
Trong khi đó, tôi là người duy nhất thực sự tập trung vào công việc, bằng cách tìm kiếm chủ đề, viết bài, lập kế hoạch. Mỗi ngày tôi đều làm việc bận rộn hơn 10 tiếng đồng hồ.
Tôi than phiền với một người bạn: "Tôi làm việc gấp nhiều lần người khác, nhưng lương lại chẳng hơn ai. Thật bất công."
Không ngờ, bạn tôi đáp: "Bạn sai rồi. Thực tế, bạn và đồng nghiệp đang cạnh tranh với nhau. Công việc có giới hạn, nếu bạn làm nhiều hơn, bạn sẽ tích lũy kinh nghiệm nhanh hơn, trưởng thành hơn. Nhìn theo cách này, bạn thực ra đang 'chiếm' cơ hội của họ."
Những lời đó khiến tôi bừng tỉnh.
Từ đó, tôi không còn bận tâm đến việc đồng nghiệp làm ít hay nhiều, mà chỉ tập trung vào công việc và sự nghiệp của riêng mình.
Những năm sau, tôi được thăng chức lên tổng biên tập, tận dụng sự phát triển của truyền thông số để khởi nghiệp, thu nhập cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Còn những đồng nghiệp từng lười biếng năm xưa—họ đã không còn theo kịp tôi nữa.
Trong suốt nhiều năm lãnh đạo đội ngũ, tôi gặp đủ kiểu nhân viên và nhận ra rằng họ thường thuộc hai nhóm:
Một nhóm luôn tìm cách làm việc đối phó, mang tâm lý "Người khác có thể đi muộn, tại sao mình không thể?" hay "Người khác lười biếng, mình cũng vậy".
Nhóm còn lại tin rằng bản chất của công việc là tạo ra giá trị cho bản thân. Họ không bận tâm đến người khác mà chỉ tập trung phát triển chính mình.
Những người thuộc nhóm thứ hai thường thăng tiến xa hơn.
Bản chất của công việc chỉ có hai ý nghĩa: Kiếm tiền và hiện thực hóa giá trị bản thân.
Bạn làm việc cho công ty, nhưng phần thưởng thuộc về bạn.
Nếu chỉ mải chạy theo đám đông, bạn sẽ chẳng đạt được gì ngoài sự trì trệ. Ngược lại, nếu biết bỏ qua những nhịp điệu chậm chạp xung quanh và không ngừng nâng cao năng lực bản thân, bạn sẽ tự nhiên vươn lên và thành công.
Ảnh minh hoạ
Một nhà tâm lý học đã thực hiện một thí nghiệm thú vị.
Ông yêu cầu một nhóm người thử xỏ kim thêu, đồng thời đưa ra nhiều phần thưởng khác nhau để khuyến khích họ hoàn thành nhiệm vụ.
Kết quả cho thấy: Càng khao khát giải thưởng, họ càng tập trung cao độ vào việc xỏ kim. Tuy nhiên, chính sự căng thẳng quá mức khiến tay họ run lên, dẫn đến thất bại.
Các nhà tâm lý học gọi đây là "Hiệu ứng luồn kim": Càng cố gắng quá mức, bạn càng dễ mắc sai lầm.
Điều này cũng đúng trong công việc. Khi bạn dốc toàn lực mà không có sự cân bằng, kết quả đôi khi lại đi ngược mong muốn.
Nhà văn A Ting đã từng chia sẻ câu chuyện về một người bạn trong cuốn sách của mình.
Bạn cô là một người nghiện công việc, làm việc liên tục hơn mười tiếng mỗi ngày. Ngoài thời gian ăn và ngủ, cô liên tục viết báo cáo, gặp gỡ khách hàng, lập kế hoạch,... Cô bận rộn đến mức không còn khoảng trống cho bản thân.
Là quản lý phòng ban, lẽ ra cô phải biết cách phân công công việc cho cấp dưới. Nhưng vì thiếu niềm tin vào họ, cô luôn muốn tự mình giám sát từng chi tiết.
Những kế hoạch không đạt yêu cầu, cô tự làm lại. Những nhiệm vụ quan trọng, cô không dám giao phó.
Dần dần, khối lượng công việc ngày càng đè nặng, việc tăng ca trở thành chuyện thường xuyên.
Nhưng trớ trêu thay, hiệu suất của cô không những không được cải thiện mà sức khỏe còn bị bào mòn. Căng thẳng kéo dài và chế độ ăn uống thất thường khiến cô mắc bệnh dạ dày, thậm chí rơi vào trầm cảm nhẹ.
Hãy nhớ bạn đi làm văn phòng, chứ không phải tham gia chiến tranh. Bạn không cần lúc nào cũng căng thẳng.
Chỉ khi giữ được tâm thế bình tĩnh và thư giãn, bạn mới có thể duy trì năng lượng bền bỉ, tiến xa hơn và vững vàng hơn trong sự nghiệp.
Tác giả cuốn sách A Deliberate Pause (Sự Tạm Dừng Có Chủ Đích) cũng từng chia sẻ trải nghiệm của mình.
Năm đầu tiên làm việc tại một công ty lớn, cô tràn đầy nhiệt huyết và động lực. Nhưng khi công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, cô bắt đầu làm mọi thứ một cách máy móc, không còn tìm kiếm thử thách mới.
Nhiệt tình dần phai nhạt, thay vào đó là cảm giác kiệt quệ.
Lắng nghe lời khuyên của sếp, cô quyết định ngừng việc dốc hết mình cho công việc. Thay vào đó, cô dành thời gian rảnh rỗi để làm những điều nhỏ bé khiến mình vui vẻ.
Bất ngờ thay, hiệu suất làm việc của cô không giảm mà còn tăng lên. Cuộc sống cũng trở nên nhẹ nhàng và tươi sáng hơn.
Ảnh minh hoạ
Tại nơi làm việc, những ai không biết dừng lại để nạp năng lượng thì sẽ khó tiến xa.
Khi đi làm, bạn không cần quá bận tâm đến sếp hay đồng nghiệp, bởi mục đích của công việc đơn giản là để kiếm tiền. Đồng thời, bạn cũng không nên làm việc đến kiệt sức. Vì suy cho cùng, công việc chỉ là một phần của cuộc sống, không phải toàn bộ hạnh phúc của đời người.
Bất kể bạn làm việc ở đâu, nếu không quá sa đà vào các mối quan hệ nơi công sở hay để bản thân bị cuốn vào công việc một cách mù quáng, bạn sẽ nhận ra rằng con đường sự nghiệp của mình ngày càng trở nên suôn sẻ hơn.
Theo Toutiao