Thay vì chi tiêu mạnh tay vào túi xách hàng hiệu, giày sneaker hay các món phụ kiện phiên bản giới hạn, nhiều người trẻ xây dựng thói quen mua vàng định kỳ để tiết kiệm. "Mỗi khi mình muốn mua một món đồ đắt tiền, việc đầu tiên mình làm là lên mạng xem giá vàng tăng bao nhiêu, rồi tự nhiên không còn muốn mua những món đồ kia nữa, tiền dư ra chỉ muốn mua vàng thôi!", một bạn trẻ chia sẻ.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và lãi suất huy động thấp, khả năng bảo toàn giá trị của vàng đã khiến kim loại này trở thành phương thức đầu tư được giới trẻ ưa chuộng. Trong năm 2024, giá vàng nhẫn đã tăng tới hơn 35%, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng cao nhất là 7-8%/năm, do đó việc người trẻ coi vàng là tài sản ít rủi ro, có khả năng chống lạm phát và sinh lời tốt là hoàn toàn dễ hiểu.
Bên cạnh đó, với điều kiện tài chính của các bạn trẻ mới ra trường, đi làm được 1-2 năm, thì việc mua 1-2 chỉ vàng/tháng để tiết kiệm so với đầu tư bất động sản hay chứng khoán tương đối dễ tiếp cận hơn, cũng không yêu cầu người mua phải có quá nhiều kiến thức tài chính hay am hiểu thị trường.
Vì vậy, gần đây, thay vì chi tiêu mạnh tay vào túi xách hàng hiệu, giày sneaker hay các món phụ kiện phiên bản giới hạn, ngày càng nhiều người trẻ đang xây dựng thói quen mua vàng định kỳ, xem đây là động lực để từ bỏ thói quen tiêu xài hoang phí, tích lũy tài sản cho tương lai.
Chia sẻ trên một nền tảng mạng xã hội trực tuyến, bạn M.N chia sẻ: “Với mình, mua vàng là cách hiệu quả nhất để bỏ được thói tiêu tiền vô tội vạ. Mỗi khi mình muốn mua một món đồ đắt tiền, việc đầu tiên mình làm là lên mạng xem người ta khoe vàng, xem giá vàng hôm nay tăng bao nhiêu, rồi tự nhiên không còn muốn mua những món đồ kia nữa, tiền dư ra chỉ muốn mua vàng thôi. Nhờ vậy mà mình cũng đã tiết kiệm được một khoản kha khá”.
Là người có thói quen mua vàng tiết kiệm hàng tháng, bạn K.L cho biết: “Mình mới ra trường đi làm được vài năm nên việc mua căn hộ, đất đai còn quá xa vời. Mỗi tháng trừ tiền sinh hoạt ra dư được bao nhiêu mình sẽ cố gắng mua vàng, không đủ 1 chỉ thì mua loại vài phân. Từ khi có thói quen này, mình cũng nhận thấy bản thân chi tiêu khoa học hẳn ra, không dễ dàng chi tiền cho những món đồ không cần thiết nữa"
Nhiều người khác cũng cho hay, việc mua vàng khi còn trẻ chủ yếu để tiết kiệm, tránh tiêu phí là chính, chứ không mong lãi đậm. Họ cũng không cần đợi vàng xuống thì mới mua vào, vì mua vàng số lượng ít, nên biên độ chênh lệch không cao chỉ, vài trăm nghìn đồng.
Dạo quanh 1 vòng các trang mạng, dễ bắt gặp nhiều bạn trẻ đăng tải hình ảnh, video khoe số vàng đã tiết kiệm được.
Một bạn trẻ khoe “sổ nhẫn vàng”. Ảnh: Internet
Không riêng Việt Nam, giới trẻ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đổ xô đi mua vàng. Nhiều cửa hàng vàng tại Trung Quốc cho biết, doanh thu từ nhóm khách hàng 25-35 tuổi đã tăng lên đáng kể trong những năm qua.
Heo vàng là sản phẩm được nhiều bạn trẻ ưa chuộng, với mỗi thỏi vàng có trọng lượng khoảng 1/7 chỉ giá khoảng vài trăm đến 1 triệu đồng
Ngoài mua vàng miếng, vàng nhẫn truyền thống, giới trẻ cũng ưa chuộng các sản phẩm vàng được chế tác thành đồng xu, bông hoa, hạt đậu,... kiểu dáng “trendy” với trọng lượng và mức giá đa dạng. Dù chi phí nhân công cao và có thể giảm giá trị khi bán lại, nhiều bạn trẻ cho biết, các sản phẩm này từ 1-2 triệu đồng cũng có thể mua được, thay vì phải gom góp 8-9 triệu đồng để mua 1 chiếc nhẫn tròn trơn, ngoài ra, kiểu dáng thú vị cũng tạo động lực tiết kiệm, tránh tốn tiền vào những hoạt động tốn kém.
Ngược lại, một số bạn trẻ vẫn trung thành với việc mua vàng miếng, hoặc vàng nhẫn tròn trơn vì khả năng bán sẽ có giá trị hơn và không mất chi phí gia công.