Mỗi dịp Tết đến, trái cây sấy khô trở thành lựa chọn quen thuộc của nhiều gia đình Việt. Ngoài hương vị thơm ngon, “bon miệng” và chống ngán giữa nhiều món dầu mỡ, thịt thà ngày Tết thì đây cũng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, mang lại lợi ích sức khỏe.
Tuy nhiên, không phải loại trái cây sấy khô nào cũng an toàn cho sức khỏe. Nếu không cẩn thận, bạn có thể vô tình mang rơi vào "bẫy bệnh tật khi mưa phải 5 loại trái cây sấy khô dưới đây:
Nấm mốc trên trái cây sấy khô thường không dễ nhận biết bằng mắt thường, Nhất là khi chúng mới bắt đầu phát triển hoặc bị tẩm nhiều hương liệu. Tuy nhiên, một số dấu hiệu như bề mặt trái cây xuất hiện lớp bột trắng, màu xám hoặc xanh nhạt, hay cảm giác bết dính khi chạm vào, có mùi hôi… đều là cảnh báo sản phẩm đã bị nhiễm mốc.
Nấm mốc không chỉ làm mất giá trị dinh dưỡng mà còn sản sinh ra các loại vi khuẩn, độc tố nguy hiểm. Đặc biệt là aflatoxin và ochratoxin - những chất có khả năng gây ngộ độc, đột biến tế bào, ung thư, tổn thương hệ thần kinh và suy giảm chức năng gan, thận.
Ngay cả khi chưa có dấu hiệu nấm mốc hay biến chất, bạn cũng không nên mua trái cây sấy khô để quá lâu, đã hết hạn hoặc sát với hạn sử dụng dù rẻ đến mấy. Bạn có thể nhận biết điều này dựa trên nhãn mác ghi tại bao bì. Nếu không có bao bì, những loại trái cây sấy khô để lâu bề mặt thường khác lạ. Ví dụ như xỉn màu hoặc ẩm ướt hơn bình thường, đường vón cục do kết tinh hay thậm chí là bị chảy đường.
Mùi vị của trái cây sấy khô để lâu cũng bị thay đổi và bạn nên ăn thử khi mua cho chắc chắn. Khi bảo quản quá lâu, chúng thường mất đi giá trị dinh dưỡng và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, nấm mốc. Thậm chí là đã biến chất và gây độc hại nghiêm trọng khi ăn phải. Dù tiết kiệm mấy cũng đừng ăn trái cây sấy hết hạn, khi mua cần tính toán đến thời điểm ăn còn cách xa hạn dùng hay không.
Một số loại trái cây sấy khô trên thị trường thường được xử lý bằng hóa chất để giữ màu sắc tươi sáng hoặc bảo quản lâu hơn. Ví dụ như sulfur dioxide - một chất bảo quản thường dùng, là nguyên nhân chính khiến trái cây có màu sắc không tự nhiên hoặc mùi hăng, hóa chất. Dù liều lượng nhỏ của sulfur dioxide thường được coi là an toàn, nhưng khi sử dụng quá mức hoặc trong thời gian dài, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như kích ứng đường hô hấp, đau đầu, và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.
Để nhận biết, bạn cần chú ý đến màu sắc: trái cây sấy khô tự nhiên thường có màu tối, không đều và mùi thơm nhẹ. Ngược lại, nếu sản phẩm quá sáng màu, đều màu, hoặc có mùi lạ, rất có thể chúng đã được tẩm hóa chất. Ngoài ra, trái cây sấy xỉn màu, đốm trắng, mùi hôi hay quá thơm đều không nên mua.
Các sản phẩm trái cây sấy khô tẩm ướp quá nhiều đường, muối hoặc hương liệu nhân tạo có thể hấp dẫn vị giác nhưng lại gây hại cho sức khỏe. Việc tiêu thụ lượng lớn đường làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch. Ngoài ra, các hương liệu nhân tạo và phẩm màu có thể gây dị ứng hoặc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nếu sử dụng trong thời gian dài.
Những sản phẩm này thường dễ nhận biết qua lớp đường bám trên bề mặt hoặc mùi hương quá đậm, không tự nhiên. Để an toàn, hãy ưu tiên chọn trái cây sấy khô nguyên bản, không tẩm gia vị.
Vào dịp Tết, các sản phẩm trái cây sấy khô bán theo cân, không có bao bì hoặc nhãn mác cụ thể thường xuất hiện tràn lan trên thị trường. Những sản phẩm này dễ bị nhiễm khuẩn do không được bảo quản đúng cách, đặc biệt khi tiếp xúc với không khí ẩm.
Vi khuẩn E.coli hoặc Salmonella có thể phát triển trong môi trường như vậy, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, việc không rõ nguồn gốc khiến bạn không thể xác định được quy trình chế biến có đảm bảo vệ sinh hay không. Để tránh rủi ro, bạn chỉ nên chọn mua sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, có bao bì kín và thông tin rõ ràng về nguồn gốc, thành phần, cũng như hạn sử dụng. Ngay cả các gói trái cây sấy khô không được đóng kín hoàn toàn, mở ra trưng bày cũng không nên mua.
Nguồn và ảnh: NTDTV, Eat This