Vì sao nên tiêm vắc xin HPV trước khi quan hệ tình dục?
Virus HPV (Human Papillomavirus) là tác nhân chính gây ung thư cổ tử cung, ngoài ra còn có thể gây ung thư hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật và mụn cóc sinh dục. Đặc điểm của virus HPV là lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Do đó, thời điểm lý tưởng nhất để tiêm vắc xin là trước khi cá nhân - đặc biệt là nữ giới có bất kỳ hoạt động tình dục nào.
Tiêm phòng khi cơ thể chưa từng tiếp xúc với virus HPV sẽ giúp hệ miễn dịch tạo ra kháng thể mạnh mẽ, đủ để bảo vệ trước khi virus có cơ hội xâm nhập. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khi tiêm đủ liều trước khi phơi nhiễm với virus, hiệu quả phòng ngừa có thể đạt tới 90-97% đối với các chủng HPV gây ung thư và mụn cóc sinh dục.
Ngược lại, nếu đã từng quan hệ, nguy cơ đã từng tiếp xúc với một hoặc nhiều chủng HPV là khá cao. Khi đó, vắc xin vẫn có tác dụng phòng ngừa, nhưng mức độ bảo vệ giảm đáng kể, vì không thể loại bỏ chủng virus đã có trong cơ thể. Do vậy, hiệu quả tối ưu nhất chỉ đạt được nếu tiêm sớm, khi chưa có quan hệ tình dục - nghĩa là khi cơ thể còn “trắng” với virus HPV.
Ảnh minh họa
Thêm vào đó, người trẻ tuổi có khả năng miễn dịch cao hơn người trưởng thành. Cùng một liều tiêm, cơ thể của người trẻ tạo ra kháng thể mạnh hơn và duy trì lâu hơn so với người lớn tuổi. Vì thế, tiêm vắc xin HPV sớm không chỉ là để tránh phơi nhiễm, mà còn để tận dụng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể ở giai đoạn lý tưởng nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị về độ tuổi lý tưởng nhất để tiêm vắc xin HPV cho nữ giới là từ 9 đến 14 tuổi. Tức là thời điểm thường chưa có hoạt động tình dục và hệ miễn dịch đang phát triển mạnh mẽ. Ở nhóm tuổi này, chỉ cần tiêm 2 mũi cách nhau 6 tháng là đã đủ tạo miễn dịch bền vững.
Từ 15 tuổi trở lên, phác đồ sẽ chuyển sang 3 mũi (0 - 2 - 6 tháng). Mặc dù hiệu quả phòng ngừa vẫn rất cao, nhưng tỷ lệ miễn dịch sẽ giảm nhẹ theo tuổi, do cơ thể không còn đáp ứng miễn dịch tối ưu như ở tuổi vị thành niên. Đồng thời, khi phát sinh quan hệ tình dục thì tỷ lệ đã nhiễm các loại virus HPV cũng cao hơn. Cần nhớ thêm một điều là nữ giới từ 9 tới 45 tuổi vẫn được khuyến nghị tiêm vắc xin HPV và vẫn hiệu quả dù đã phát sinh quan hệ, sinh nở hay từng nhiễm HPV.
Như vậy, với vắc xin HPV thì tiêm càng sớm sau 9 tuổi thì càng tốt và hiệu quả càng cao, kéo dài bền vững. Nhất là nếu chưa phát sinh quan hệ tình dục.