Theo Tiến sĩ Roger Kapoor, bác sĩ da liễu tại Hệ thống Y tế Beloit ở Wisconsin (Mỹ), bộ phận này của cơ thể thường xuyên tích tụ bụi bẩn, dầu và da chết, nhưng mọi người hiếm khi nghĩ đến việc vệ sinh nó. Và đó là vị trí sau tai.
Ông cho biết thêm, vi khuẩn "mắc kẹt" trong nếp gấp có thể di chuyển đến các vết thương hở, chẳng hạn như lỗ xỏ khuyên tai hoặc vết xước bên trong tai, và gây ra các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
Ông chia sẻ với Parade rằng: 'Tôi luôn khuyên mọi người nên rửa vùng da sau tai một cách có chủ đích và cụ thể để làm sạch cả các nếp gấp ở nơi tiếp giáp giữa tai và da. Nó luôn có thể bám lại bụi bẩn'.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, các bệnh nhiễm trùng này có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể và xâm nhập vào máu.
Mặc dù hiếm gặp, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng - khi cơ thể tấn công các mô của chính mình, khiến các cơ quan dần dần ngừng hoạt động.
Tiến sĩ Kapoor cũng lưu ý nguy cơ mắc bệnh chàm, một tình trạng viêm khiến người bệnh xuất hiện các mảng da bong tróc, có vảy, thường ngứa và có màu đỏ.
Sự tích tụ của dầu, bụi bẩn và mồ hôi có thể tạo ra môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn và nấm phát triển, có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh chàm cũng như tình trạng kích ứng da nói chung.
Theo thời gian, sự tích tụ dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây ra các đốm xấu xí hoặc mụn trứng cá.
Sự kết hợp của bụi bẩn mắc kẹt sau tai cũng có thể khiến tai bạn có mùi hôi.
Tiến sĩ Kapoor cho biết mặc dù dầu gội có chứa các thành phần giúp phân hủy dầu và vi khuẩn nhưng chúng không phải là lựa chọn tốt nhất vì dầu và vi khuẩn sẽ trôi mất khi xả sạch.
Điều này có nghĩa là các chất tẩy rửa không tiếp xúc với da trong thời gian dài.
Ông khuyên nên sử dụng xà phòng nhẹ và chà xát vùng sau tai bằng ngón tay để làm sạch vùng này kỹ lưỡng.
Bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo nên rửa gọng kính thường xuyên vì chúng nằm sau tai và có thể dễ dàng truyền vi khuẩn vào da.
Nguồn và ảnh: Daily Mail