Virus HPV (Human Papillomavirus) lây chủ yếu qua đường tình dục, gây mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung và một số bệnh ung thư khác. Vắc xin HPV giúp bảo vệ con người khỏi các chủng virus nguy hiểm. Nhưng liệu tiêm vắc xin có đảm bảo không nhiễm HPV suốt đời hay không?
Câu trả lời là KHÔNG. Ngay cả khi bạn tuân thủ lịch trình tiêm tiêm đủ số mũi (2 - 3 mũi tùy độ tuổi) thì vẫn không thể đảm bảo cả đời không nhiễm virus HPV. Các loại vắc xin HPV (như HPV-4, HPV-6, HPV-9) bảo vệ hiệu quả cao chống lại một số chủng HPV nguy cơ cao và thấp, nhưng không thể ngăn nhiễm tất cả các chủng HPV hay bảo vệ vĩnh viễn. Hiệu quả kéo dài ít nhất 10-15 năm, nhưng chưa có bằng chứng xác định bảo vệ suốt đời.
Ảnh minh họa
Dưới đây là những lý do quan trọng nhất khiến bạn dù tiêm đủ và đúng lịch trình các mũi HPV vẫn không đảm bảo cả đời không nhiễm virus HPV nữa:
Hiệu quả vắc xin giới hạn theo thời gian
Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, vắc xin HPV kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại các chủng virus cụ thể. Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ kéo dài ít nhất 10-15 năm, nhưng chưa rõ liệu kháng thể có duy trì mãi mãi. Liên minh vắc xin toàn cầu GAVI và Bộ Y tế Việt Nam cho biết các nhà khoa học vẫn đang theo dõi để xác định thời gian bảo vệ tối đa. Hiện tại, chưa có khuyến nghị tiêm liều nhắc lại, nhưng điều này có thể thay đổi nếu kháng thể giảm.
Vắc xin không bảo vệ tất cả các chủng HPV
HPV có hơn 100 chủng, trong khi vắc xin chỉ nhắm đến một số chủng nguy hiểm (ví dụ, HPV-4 bảo vệ 4 chủng, HPV-9 bảo vệ 9 chủng). Người tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm các chủng không được vắc xin bao phủ, dù chúng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nguy cơ nhiễm các chủng này vẫn tồn tại, đặc biệt nếu tiếp xúc qua đường tình dục.
Hiệu quả vắc xin phụ thuộc vào yếu tố miễn dịch cá nhân
Hiệu quả vắc xin phụ thuộc vào hệ miễn dịch. Theo các chuyên gia y tế, người có hệ miễn dịch yếu (như nhiễm HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch) có thể không được bảo vệ đầy đủ. Ngoài ra, vắc xin không điều trị nhiễm HPV đã có trước khi tiêm, chỉ ngăn ngừa nhiễm mới từ các chủng được nhắm đến. Chưa kể, sau nhiều năm, người tiêm có thể bị suy giảm miễn dịch theo tuổi.
Thời điểm tiêm vắc xin quyết định hiệu quả
Vắc xin hiệu quả nhất khi tiêm trước khi tiếp xúc với virus, lý tưởng là từ 9 tuổi trở lên và trước khi có hoạt động tình dục và miễn dịch khỏe. Do đó độ tuổi tiêm vắc xin HPV hiệu quả nhất là 9 - 14 tuổi. Đương nhiên, từ 15 - 45 vẫn nên tiêm và vẫn có hiệu quả nhưng giảm đi. Theo CDC, nếu đã nhiễm HPV trước khi tiêm, vắc xin không thể loại bỏ virus hiện có, chỉ bảo vệ khỏi các chủng khác trong tương lai.