Gián Đức là một trong số những chủng gián phổ biến nhất trong họ nhà gián, có kích cỡ nhỏ hơn gián thông thường, con trưởng thành có chiều dài khoảng nửa inch. Chúng có màu nâu nhạt và hơi ngả vàng. Một đặc điểm nhận biết là những vạch ngang tối màu phía sau đầu. trên phần lưng. Gián Đức trưởng thành có cánh to và có thể bay trong khoảng ngắn, dù chúng hiếm khi bay.
Loài gián này thường sinh sống trong nhà, căn hộ chung cư, nhà hàng hoặc các công trình nơi lưu trữ nhiều thức ăn. Gián Đức có thể ăn nhiều loại thức ăn và có thể lẻn vào nhà của con người để tìm thức ăn và độ ẩm. Giống gián này thường tránh ánh sáng và thích sống ở những bề mặt ẩm thấp, trong không gian ẩm và thường tránh chỗ lạnh lẽo. Gián Đức có thể sinh sản nhanh và thường làm ổ ở nhà bếp hoặc phòng vệ sinh, gần nguồn thức ăn và chỗ ẩm.
Gián Đức thích sống trong các khe nứt, các nơi tối tăm gần thức ăn và dành phần lớn thời gian của chúng trong những hang ổ này. Chúng thường có nhu cầu cao về độ ẩm và sẽ di chuyển trong bán kính từ khoảng 3 mét gần ổ để tìm nguồn nước. Nếu không có nước và thức ăn, gián Đức có thể chết trong vòng hai tuần, tuy nhiên chúng có thể sống đến tận một tháng chỉ nhờ vào nước mà không cần thức ăn.
1. Các nguy cơ nhiễm bệnh
Thức ăn thừa có thể hấp dẫn gián Đức.
Gián Đức được biết đến như những "phương tiện" chuyên chở các mầm bệnh và thường sẽ mang các vi khuẩn từ các vùng khác nhau lên thức ăn hoặc các bề mặt dùng để chuẩn bị thức ăn như thớt, bàn làm bếp. Những vi khuẩn thường có liên hệ với gián Đức bao gồm: E. coli, Salmonella, Shigella… có thể gây ra chứng viêm phổi và nhiều nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng như giun móc, sán đũa, sán dây…
2. Các loại dị ứng
Gián Đức có thể gây nên các phản ứng dị ứng của cơ thể, do chúng để lại chất thải và lột xác xung quanh không gian trong nhà. Những biểu hiện dị ứng có thể gây nên mẩn đỏ trên da, cay mắt, hắt hơi, các bệnh đường mũi và thậm chí là hen suyễn trong một số trường hợp nghiêm trọng.
3. Gây hư hại môi trường sống
Trong khi phần lớn thời gian, gián Đức ăn các thực phẩm hữu cơ như thức ăn thừa, thịt, đường… chúng cũng có thể ăn các vật dụng trong nhà như sách vở, nội thất… Chúng cũng có thể mang mầm bệnh lên các đồ vật thường sử dụng trong nhà như bát đĩa, dụng cụ nấu ăn, đồ chơi trẻ em…
4. Gián Đức có thể cắn
Theo trang Waltham, gián Đức đôi khi có thể cắn con người khi chúng tìm thức ăn, hoặc khi thức ăn dính trên cơ thể người (như vụn bánh, thức ăn thừa). Việc cắn thường xảy ra khi số gián nhiều hơn số thức ăn chúng cần. Tuy các vết thương thường không gây ra nhiều vấn đề lớn, nhưng với những vi khuẩn chúng mang theo trên người, việc viêm nhiễm sẽ xảy ra dễ dàng nếu không cẩn thận.