Sống ở Hà Nội nhưng chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng: Mua bộ quần áo cũng phải tính toán, đi làm bằng xe bus và hầu như không trang điểm

Nguyệt, Theo Nhịp sống thị trường 00:01 07/05/2024
Chia sẻ

Tuy nhiên, các cô gái vẫn thấy thoải mái với mức sống này, dù chỉ tiêu vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng.

Làm sao để chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng khi sống ở Hà Nội?

Chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng - một mức chi phí sinh hoạt được đánh giá là ít ỏi tại các thành phố lớn, không phải là câu chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, có những người trẻ vẫn duy trì mức chi tiêu này trong suốt thời gian dài, thậm chí nhờ đó còn đạt được mục tiêu mua nhà trước tuổi 30.

Thanh Huyền (SN 1994, Hà Nội) làm nhân viên văn phòng ngành Marketing. Ngoài ra, cô nàng còn nhận công việc freelancer bên ngoài như đầu tư, viết content, dịch sách và designer thuê. Tổng thu nhập hàng tháng của Thanh Huyền là khoảng 30 - 40 triệu đồng, trong đó công việc freelancer có thể kiếm gấp 2-3 lần công việc hành chính.

Tuy có việc làm ổn định nhưng Thanh Huyền vẫn quyết tâm để dành 90% thu nhập hàng tháng bằng cách chỉ dùng 5 triệu đồng để trang trải sinh hoạt phí. Cụ thể, do đang ở cùng gia đình nên mỗi tháng cô nàng đưa mẹ 3 triệu đồng để trả tiền sinh hoạt. Còn lại 1-2 triệu đồng, dành riêng cho trang trải chi phí tiêu dùng cá nhân.

Sống ở Hà Nội nhưng chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng: Mua bộ quần áo cũng phải tính toán, đi làm bằng xe bus và hầu như không trang điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Có thể với nhiều người, cách tiết kiệm của Thanh Huyền rất cực đoan nhưng cô hoàn toàn thấy thoải mái với mức sống này.

Cô nàng nói rõ thêm: "Hàng ngày, mình đi làm bằng xe bus mất khoảng 30 phút. Mình không trang điểm, chỉ tô chút son dưỡng. Mình chỉ mua đồ skincare cực kỳ cơ bản như dầu gội đầu, sữa rửa mặt… Mình cũng không có nhiều bạn bè nên gần như không có nhu cầu tụ tập ăn uống. Số tiền mình đưa cho mẹ là khoản tiêu lớn nhất trong tháng của mình.

Mình không thấy stress hay có khó khăn gì để theo đuổi kế hoạch này. Bởi lẽ mình không bị áp lực phải chăm chút ngoại hình, có ít mối quan hệ hay flex (khoe khoang) thông qua những đồ dùng công nghệ đắt tiền như điện thoại, ipad".

Một trường hợp khác, Bích Loan (24 tuổi, Hà Nội) cũng chỉ tiêu vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt, còn lại 7-8 triệu đồng từ tiền lương sẽ được cô đem gửi tiết kiệm. Sở dĩ Bích Loan có mức phí sinh hoạt nghiêm tốn vì cô từng trải qua thời điểm ra trường nhưng chật vật mãi không kiếm được việc làm. Kể từ đó, cô phải học cách thắt chặt các khoản tiêu dùng để không nhờ cậy sự giúp đỡ từ gia đình hay vay mượn thêm.

Cô nàng cho hay: "Cho đến hiện tại, dù mức lương cao lên nhưng mình vẫn chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng. Bao gồm 1,5 triệu đồng tiền nhà, 1 triệu đồng tiền mua đồ ăn, chưa tính thực phẩm bố mẹ gửi lên. Còn lại 2 triệu đồng là tiền mình dành cho nhu cầu cá nhân, đi chơi và xã giao".

Để duy trì mức chi phí sinh hoạt ít ỏi suốt hơn 1 năm, Bích Loan đã phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu mà cô đánh giá là tốn kém, như tiền mua trang phục, ăn uống gọi bên ngoài cùng đồng nghiệp và bạn cùng phòng, đi du lịch xa ngày,...

Sống ở Hà Nội nhưng chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng: Mua bộ quần áo cũng phải tính toán, đi làm bằng xe bus và hầu như không trang điểm - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bích Loan cho biết: "Mục tiêu của mình là trong 5 năm sẽ có khoản tiết kiệm 800 triệu đồng để đủ đặt tiền cọc mua nhà. Do đó, nếu chưa mua được nhà thì mình sẽ vẫn tiếp tục duy trì mức sống này.

Ngày thường, ngoại trừ mối quan hệ ở công ty thì mình thích dành thời gian ở nhà cho bản thân và học hỏi thêm. Nói cách khác, việc duy trì mức sống như hiện tại không quá khó khăn vì mình không có nhu cầu giao tiếp hay khoe mẽ với ai".

Tại sao mình luôn cần nỗ lực tiết kiệm tiền?

Thanh Huyền chia sẻ, cô bắt đầu tiết kiệm tiền từ khi mới đi làm. Bởi cô hiểu rằng cuộc sống có nhiều điều "hoạ vô đơn chí" nên bản thân luôn cần phải cố gắng tích luỹ thật nhiều để sống an tâm hơn. Bên cạnh đó, Thanh Huyền cũng nhấn mạnh, cô không muốn trả giá cho bất kỳ hậu quả nào của sự buông thả trong chi tiêu.

Còn về phía Bích Loan, cô cho rằng giữa mục tiêu tiết kiệm tiền và nỗ lực tăng chi tiêu thì cần làm tốt cả hai. Tuy nhiên, nếu chưa biết cách gia tăng thu nhập thì bước đầu tiên bạn cần làm tốt là hạ mức sống, thay vì "kiếm được bao nhiêu, tiêu xài bấy nhiêu", cho đến khi rơi vào cảnh chật vật tài chính mà lại không có đồng nào dự phòng.

Bích Loan chia sẻ: "Từ khi ra trường, mức sống của mình không khác gì ở thời điểm sinh viên. Bởi lẽ, mình vẫn chỉ tiêu 5 triệu đồng/tháng, chứ không vung tiền đến nơi sang trọng hay ăn mặc đắt đỏ. Đôi lúc mình cũng thấy hơi căng thẳng với mức chi phí sinh hoạt hiện tại, song khi nhìn lại quỹ tiết kiệm dành cho mua nhà gia tăng lên theo từng ngày thì mình lại hài lòng với kết quả đạt được.

Mình dự tính nếu có tăng lương thì sẽ thay đổi cách chi tiêu. Còn hiện tại, mình vẫn sẽ duy trì kế hoạch tiết kiệm ít nhất 50% lương vì thấy mọi thứ vẫn đang đi theo đúng định hướng của bản thân".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày