“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận?

Nga Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 08:21 08/03/2019

Là thị trường nhạc Việt không ưa chuộng mô hình nhóm nhạc hay bản thân các nhóm nhạc chưa đủ “bản lĩnh” để kéo khán giả về phía mình?

Vpop đã từng là vùng đất màu mỡ cho mô hình nhóm nhạc phát triển. Cách đây gần hai thập kỷ chúng ta từng có những nhóm nhạc rất thành công và nổi tiếng như Quả dưa hấu, 1088, 5 Dòng kẻ, H.A.T, Mây Trắng, Mắt Ngọc... Âm nhạc của họ là món ăn tinh thần không thể thiếu gắn liền với ký ức của thế hệ 8x, 9x. Trải qua từng ấy thời gian, từ thời kênh nghe nhạc chủ yếu là loa đài, vô tuyến chuyển sang Youtube và các ứng dụng nghe nhạc hiện đại, những MV chất lượng thấp được thay thế bằng những MV trị giá cả tỷ đồng, âm nhạc Việt có những bước tiến vượt bậc thì những nhóm nhạc ngày nay lại dậm chân và thậm chí chết dần chết mòn trong im lặng. Vậy đâu là nguồn cơn cho nghịch lý này?

Những khó khăn mà các nhóm nhạc Việt đang phải đối mặt

Nhìn từ khía cạnh khách quan, nguyên nhân các nhóm nhạc ở Việt Nam hiện nay chưa được quan tâm chủ yếu đến từ thị hiếu của khán giả Việt. Không khó nhận ra một sự thật rằng ở Việt Nam, khán giả luôn dành ưu ái cho dòng nhạc ballad nhẹ nhàng. Đặc biệt mấy năm trở lại đây Vpop chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trên các bảng xếp hạng khi sự quan tâm chuyển hướng tập trung vào những sự mới mẻ đến từ các nghệ sĩ Underground và Indie. Trong khi đó, các nhóm nhạc Việt đa phần đều lựa chọn dòng nhạc dance, kết hợp với rap và lấy vũ đạo làm điểm nhấn. Còn lại, những ca khúc ballad rất hiếm và đều mang chút hơi hướng Hàn Quốc. Chúng chưa đủ hay để cạnh tranh với màu sắc ballad Việt chính thống đến từ các nghệ sĩ có giọng hát tốt, gần với thị hiếu.

Vpop càng phát triển, các nhóm nhạc xuất hiện ngày càng nhiều. Trước sự bão hòa do việc cùng lúc xuất hiện quá nhiều những cái tên mới nổi khiến khán giả có xu hướng “lười” quan tâm và bỏ qua việc tìm hiểu thông tin về một nhóm nhạc mới. Độ nhận diện của các nhóm nhạc đông thành viên với công chúng thấp, công tác truyền thông để tên tuổi của họ đến với khán giả do đó lại càng khó khăn hơn.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 1.

Ra mắt từ năm 2017, The Air có lẽ vẫn là cái tên khá lạ lẫm với khán giả Việt

Ngoài bài toán truyền thông, một khó khăn khác lại xuất phát từ vấn đề không mấy lạ lẫm – tài chính. Việc đầu tư để cho ra mắt cũng như để quản lý và vận hành một nhóm nhạc đông thành viên vốn gặp rất nhiều trở ngại. Đây được coi là một bài toán đầu tư khó khăn, lợi nhuận ít, rủi ro nhiều. So sánh với Hàn Quốc - thiên đường của các nhóm nhạc thần tượng, nơi âm nhạc được coi như một ngành công nghiệp thì dù chúng ta đang hướng theo mô hình của họ nhưng điều kiện chưa thực sự cho phép các công ty giải trí đầu tư quá nhiều. 

Một vấn đề khác nảy sinh từ bài toán tài chính đó là thu nhập và ăn chia lợi nhuận của nghệ sĩ với công ty. Việc đầu tư cho một nhóm nhạc đòi hỏi chi phí cao nhưng lợi nhuận thu lại từ việc hoạt động không mấy thành công không đủ lấp đầy khoảng trống này. Hoạt động cùng 365daband một thời gian, thành viên Tronie quyết định rời nhóm với lý do thu nhập 3 triệu mà công ty trả hàng tháng không đủ để anh sinh sống. Sự kiện rời nhóm của Erik (Monstar) lại ồn ào hơn khi anh tố cáo công ty không minh bạch trong chuyện tiền nong và phân chia lợi nhuận.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 2.

Erik cùng màn “chia tay” ồn ào của mình vạch ra một vấn đề “khó nói”mà các nhóm nhạc đang phải đối mặt

Việc thiếu kinh nghiệm quản lý cũng là nguyên nhân khiến mô hình nhóm nhạc hoạt động chưa hiệu quả. Những “ông bầu”, “bà bầu” như Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Tăng Nhật Tuệ… đều xuất thân từ giới nghệ sĩ, có kinh nghiệm trong nghề nhưng đồng thời cũng là những người tiên phong trong công cuộc thử nghiệm cho ra những nhóm nhạc với công chúng. Do đó sẽ không tránh khỏi thất bại cũng như việc loay hoay trong hướng đi và dẫn dắt “gà nhà”. 

Trong khi đó, ở Hàn Quốc có những công ty giải trí được mệnh danh là các lò sản xuất đào tạo các nhóm nhạc. Lee Soo Man (SM Ent. ), Yang Hyun Suk  ( YG Ent.) hay Park Jinyoung (JYP Ent.) đều là những bậc thầy lão làng trong việc tuyển chọn và đào tạo idol. Họ có kinh nghiệm và bắt tay huấn luyện thực tập sinh khi họ còn là những đứa trẻ. Ngược lại, việc đào tạo bài bản một nhóm nhạc ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi các nhóm nhạc Hàn thường mất vài năm thậm chí cả chục năm luyện tập để được ra mắt thì ở Việt Nam 2 năm (Zero 9) cũng đã được coi là một dự án dài hạn tốn nhiều sức lực.

Những lỏng lẻo trong hợp đồng quản lý và lùm xùm phát sinh từ nhiều vấn đề khiến đội hình bất ổn định cũng là nguyên nhân khiến sự nghiệp của các nhóm nhạc càng thêm lận đận. Việc kẻ vào người ra dường như trở thành một điều “bình thường” với những nhóm nhạc Việt, rất nhiều hệ lụy cũng từ đó mà phát sinh.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 3.

Đội hình hiện tại của Monstar sau nhiều lần thêm bớt thành viên

“Ra mắt – hoạt động không thành công - trục trặc, thay đổi thành viên - tan rã” dường như là vòng luẩn quẩn mà các nhóm nhạc mãi không thoát ra được. Những nhóm nhạc như LIME, Monstar, Uni5, Zero 9, Lip B…  đều đã từng trải qua sự thay đổi thêm bớt thành viên vì nhiều lý do. Mới đây, sự ra đi của Toki đối với Uni5 như “giọt nước tràn ly” báo trước một tương lai đi theo vết xe đổ của rất nhiều nhóm nhạc về trước.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 4.

Vắng bóng một thời gian dài, sự ra đi của thành viên Toki đã mơ hồ được dự đoán trước

Xây dựng nhóm theo mô hình Kpop - danh giới mong manh giữa học hỏi và sao chép

Do sự giao thoa văn hóa, âm nhạc Việt Nam phần nào chịu nhiều ảnh hưởng của các nền âm nhạc trên thế giới. Một trong số đó là việc ngày càng có nhiều nhóm nhạc được xây dựng theo mô hình Kpop –  tên gọi tắt của âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Tuy nhiên, mặc dù Kpop là thị trường âm nhạc phát triển top đầu và ở Việt Nam có rất nhiều fan hâm mộ Kpop nhưng không vì thế mà thành công đến với những nhóm nhạc này dễ dàng hơn.

Một điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy khi nhìn vào một nhóm nhạc hiện nay đó là ngoại hình long lanh, chăm chút không kém các nhóm nhạc thần tượng xứ Hàn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì phần nhìn là một trong những điều đầu tiên thu hút sự quan tâm của khán giả. Trước khi là thành viên của Uni5, Toki hay Tùng Maru đều là những hotboy nổi tiếng mạng xã hội. Monstar cũng quy tụ dàn hot boy xuất thân từ nhóm nhảy nổi tiếng St.319 chuyên cover các bài hát Kpop. Điều này vô tình đặt ra cho khán giả nghi vấn liệu họ có thật sự tài năng hay chỉ là những hot boy hot girl đi hát.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 5.

Uni5

Trong khi nghi vấn còn chưa được giải đáp thì những cái tên được gắn mác “thảm họa” như Zero 9 lại là nguyên nhân khiến khán giả “củng cố” sự ác cảm của mình khi tài năng thì chưa thấy đâu chỉ thấy toàn là chiêu trò. Mới đây, ngoài việc gây sốc dư luận khi tiết lộ mình từng bị ông bầu gạ tình và đánh đập, thành viên đã rời nhóm Minkook còn tiết lộ Zero 9 được định hướng thu hút dư luận bằng scandal khi có tạo hình kỳ quặc và liên tục cố ý so sánh bản thân với những nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc. Chính ông bầu của nhóm là Tăng Nhật Tuệ cũng đã từng gián tiếp xác nhận “chiến lược” của mình: "Sợ nhất là ca khúc thứ ba này mọi người không chửi nữa, chắc lúc ấy rất buồn. Tôi mong lần này mọi người không những khen nhiều hơn mà chửi cũng nhiều hơn, miễn làm sao là có xem".

Đúng với “mong muốn” của ông bầu Tăng Nhật Tuệ, Zero 9 có lẽ là nhóm nhạc bị ghét nhất Vpop khi MV debut của nhóm “POM” có lượng dislike gấp đôi lượng like.

MV "POM" - Zero 9

Việc học hỏi từ một nền âm nhạc khác phát triển như Hàn Quốc vốn không phải điều gì xấu nhưng câu hỏi quan trọng đặt ra cho các nhóm nhạc đó là làm sao để cân bằng giữa yếu tố Kpop với âm nhạc Việt.

Ranh giới giữa học hỏi và sao chép rất dễ bị lẫn lộn khi chủ thể không cho thấy cá tính riêng biệt của mình. Cái chúng ta cần không phải “cái áo xứ Kim Chi” mà là học hỏi những bí quyết làm sao để một nhóm nhạc hoạt động tốt cũng như tiếp thu sự mới mẻ trong âm nhạc của họ. Nhiều nhóm nhạc theo phong cách Hàn Quốc ở Việt Nam được nhận xét là dị hợm, kỳ quặc trong tạo hình đầu tóc và trang phục lòe loẹt không phù hợp với văn hóa Việt. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khán giả có cái nhìn ác cảm ngay từ đầu trước khi muốn tìm hiểu về âm nhạc của họ.

Cùng một phong cách, ở Hàn Quốc có thể coi là xu hướng, hợp thời nhưng về Việt Nam rất có thể được coi là thảm họa. Nhìn vào Zero 9 hay thậm chí 365daband những ngày đầu, ấn tượng đầu tiên là những cái lắc đầu ngao ngán và những lời châm chọc chế giễu của cư dân mạng.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 7.

Tạo hình cùng phong cách gây tranh cãi của Zero9

Không chỉ vẻ bề ngoài, nhiều nhóm nhạc thậm chí còn học hỏi luôn cả âm nhạc của nước bạn nhưng theo cách sao chép, xào nấu lại để biến sản phẩm của người ta thành của mình. Khi mà những giai điệu vang lên na ná, tạo hình quen mắt giống những sản phẩm đến từ Hàn Quốc người nghe ngay lập tức cộp mác đó là đạo nhái. Công sức của nhóm nhạc sẽ bỏ sông bỏ bể khi bị cho là ăn cắp chất xám của người khác, dù là cố tình hay chỉ là “học hỏi”, “cóp nhặt”.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 8.

Sự sao chép không thể chối cãi...

Kpop nổi tiếng bởi các nhóm nhạc với thành viên có vẻ ngoài long lanh, chất lượng âm nhạc tốt bắt kịp xu hướng, được đào tạo bài bản kỹ năng sân khấu và giải trí, thông thạo ngoại ngữ... Ngay từ đầu khi khởi xướng làn sóng Hallyu, chính phủ Hàn Quốc đã không hề che giấu tham vọng xuất khẩu văn hóa quốc gia ra thế giới. Với sự chênh lệch đó thì rõ ràng giữa một nhóm nhạc Kpop hội tụ đủ mọi kỹ năng và một nhóm nhạc Việt “copy paste” phong cách Kpop khán giả có xu hướng lựa chọn nhóm nhạc Hàn Quốc hơn. Nhất là các fan Kpop lại càng có xu hướng tẩy chay vì những lùm xùm so sánh, đạo nhái phong cách của idol họ.

Lối đi nào cho nhóm nhạc Việt để không phải chịu kết cục “sớm nở chóng tàn”?

Nhạc Việt sẽ không thể đi xa nếu mãi là bản sao của người khác. Thật may mắn, nhận thức được điều này những nhóm nhạc đều đang cố thoát khỏi định kiến bắt chước, đón đầu xu hướng và tìm lối đi cũng như phong cách riêng cho mình. Thành viên Toof.P đại diện nhóm Uni5 từng chia sẻ: "Nền giải trí Hàn rất mạnh mô hình nhóm nhạc nam. Vì thế, chúng tôi không có bất cứ lý do gì để không học hỏi những điều đó. Nhưng quan trọng là chúng tôi học hỏi để sáng tạo, học hỏi để tiếp cận xu hướng âm nhạc thế giới chứ không phải sao chép. Chúng tôi tin rồi từ từ Uni5 sẽ tìm ra được hướng đi riêng biệt và độc đáo".

Cũng hoạt động theo mô hình Kpop nhưng 365daband lại tạo dấu ấn đậm nhất trong sự nghiệp của mình với bản hit "Bống bống bang bang" mang bản sắc dân gian Việt Nam - sản phẩm cuối cùng trước khi nhóm tan rã. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc không đánh mất cái “bản thể” trong quá trình học hỏi những cái mới . Giữa một dàn những nhóm nhạc đông thành viên và cả những nghệ sĩ độc lập, để ghi được dấu ấn quan trọng nhất chính là tự khiến bản thân mình nổi bật, không phải bằng những cách thức gây sốc mà là làm sao tạo được sự khác biệt trong phong cách và bằng những sản phẩm âm nhạc chất lượng - điều mà đa số nhóm nhạc Việt hiện nay còn thiếu. 

MV "Bống bống bang bang" - 365daband với kỷ lục hơn 400 triệu lượt xem

Nhưng làm sao để khác biệt nhưng không tách biệt lại là một vấn đề nan giải khác. Mới đây Vpop xuất hiện thêm một nhóm nhạc với phong cách khá lạ lẫm với khán giả Việt - SGO48. Đây là nhóm nhạc nữ thần tượng Việt Nam, “chị em” quốc tế của nhóm nhạc AKB48 nổi tiếng Nhật Bản. Với con số thành viên lên đến 28 cùng phong cách âm nhạc “chuẩn” xứ anh đào, đây được coi là một sự mới mẻ làm đa dạng màu sắc món ăn âm nhạc hàng ngày. Nhưng đáng tiếc tính đến thời điểm hiện tại nhóm vẫn chưa gây được dấu ấn tại Vpop do âm nhạc khá xa lạ với khán giả Việt.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 10.

Sự khác biệt thường dễ dàng thu hút sự chú ý tuy nhiên lại là con dao hai lưỡi nếu quá tách biệt với thị hiếu số đông

Thực tế, Vpop có nhiều nhóm nhạc tài năng nhưng chưa nhận được sự chú ý xứng đáng. Những nhóm nhạc được dẫn dắt bởi những người trẻ như Monstar, những nhóm được đào tạo bài bản như LIME, được đầu tư công phu như Lip B, Uni5... đều là những cái tên sáng giá dự đoán sẽ còn phát triển hơn nữa với tài năng và sự nỗ lực của mình. Họ không chỉ là những dấu chấm phá tạo nên sự sinh động cho bức tranh Vpop mà còn là sứ giả văn hoá giúp mang âm nhạc Việt Nam ra với thế giới. 

Cái mà các nhóm nhạc hiện nay thiếu là những bản hit để bật lên và sự mở lòng đón nhận hơn của khán giả. Những sự tan rã đáng tiếc giống như của 365daband hay sự im hơi lặng tiếng của những nhóm như Lip B, LIME cho thấy ít nhất là đến thời điểm hiện tại, tương lai của nhóm nhạc Việt vẫn chưa có gì là chắc chắn, nếu không muốn nói là không mấy khả quan.

“Sớm nở chóng tàn” - tại sao số phận các nhóm nhạc Việt vẫn mãi lận đận? - Ảnh 11.

365daband từng hoạt động khá thành công nhưng rồi cũng tan rã trong sự tiếc nuối của khán giả

Trước sự bão hòa của âm nhạc và sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, câu hỏi làm sao để thành công vốn là câu hỏi chung của tất cả những người làm âm nhạc chứ không riêng gì các nhóm nhạc Việt. Cái mà họ cần là tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng và những hướng đi phù hợp. Khán giả và tai nghe nhạc của họ vốn rất khách quan và công bằng. Tuy nhiên chừng nào còn những ý tưởng dựa vào chiêu trò để đi lên thì thành công sẽ vẫn còn xa tầm với của những người xem nhẹ nghệ thuật và coi thường khán giả.