Trong những ngày lễ tết truyền thống của người Việt, có 3 ngày được coi là Rằm lớn trong năm gồm có Rằm tháng Giêng (Tết Thượng nguyên), Rằm tháng 7 (Tết Trung nguyên) và Rằm tháng 10 (Tết Hạ nguyên).
Ngày hôm nay (15/1 âm lịch), chính là Tết Thượng nguyên, hay còn có tên gọi là Tết Nguyên tiêu. Nhiều người có quan niệm rằng, "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", chính vì vậy, hôm nay, không khí cúng Rằm diễn ra nhộn nhịp ở khắp mọi nơi.
Với quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt", nên người Việt rất coi trọng ngày này, thường cúng cầu an vào Rằm tháng Giêng để mong một năm tốt lành, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, cả năm hanh thông.
Vào ngày này hàng năm, người ta thường lên chùa cầu an, nhiều gia đình cúng tại nhà. Đồ cúng gồm có xôi, chè, trái cây theo mùa (vú sữa, dừa, quýt), bánh ít. Cũng trong ngày này, vì là một ngày Rằm lớn và khởi đầu cho năm mới nên người ta thường kiêng làm những điều không may như sát sinh, vay tiền, cắt tóc... mà chỉ nên làm những điều may mắn như dâng lễ cúng, cầu may...
Có rất nhiều giai thoại kể về nguồn gốc của ngày Tết Nguyên tiêu. Trong đó, câu chuyện thường được nhắc đến nhiều nhất là chuyện về một con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới nhưng bị thợ săn bắn chết. Điều này khiến cho Ngọc Hoàng nổi giận, liền sai quân đến ngày Rằm tháng Giêng phóng hỏa để thiêu trụi mọi thứ ở trần gian. Thế nhưng, may mắn thay, có một vị thiên triều thương dân đã xuống hạ giới chỉ cách để người dân thoát khỏi nạn này. Theo đó, cứ đến ngày này, các gia đình sẽ treo lồng đèn đỏ ở trước nhà để Ngọc Hoàng trên trời nhìn xuống thì nghĩ là hạ giới đã bị phóng hỏa.
Bên cạnh đó, còn có một câu chuyện khác về nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu, nói về vị vua Hán Văn lên ngôi đúng ngày Rằm tháng Giêng. Cứ đến ngày này, ông lại ra ngoài chung vui với người dân. Cũng vì đây là đêm Rằm đầu tiên trong năm nên ông đã gọi tên là Tết Nguyên tiêu.
Tết Nguyên tiêu còn là lễ Tình nhân của Trung Quốc (Ảnh minh hoạ)
Vào ngày Rằm tháng Giêng, hay chính là Tết Nguyên tiêu hàng năm, mọi người đến chùa rất đông để cầu may, xin ban phước lành. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người nên các gia đình tổ chức cúng tại nhà. Việc mua và ship đồ cúng cũng được ưa chuộng hơn do người dân ngại ra ngoài.
Nguồn: Tổng hợp