Một thông tin như "sét đánh ngang tai" của Sở GD-ĐT Hà Nội khiến phụ huynh lao đao, không biết "bi kịch" này có rơi vào con mình không

Đông, Theo Phụ nữ mới 11:11 09/05/2024
Chia sẻ

Ai cũng lo lắng trước thông báo mới này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Mới đây, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ năm nay Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS (tăng 4.000 em so với năm học trước). Sau phân luồng, hướng nghiệp dự kiến có gần 110.000 thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập. Khoảng 80.000 thí sinh được tuyển vào THPT công lập (chiếm 61% tổng số tốt nghiệp THCS). Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng hơn 29.000 học sinh trượt suất học vào trường công lập.

Một thông tin như sét đánh ngang tai của Sở GD-ĐT Hà Nội khiến phụ huynh lao đao, không biết bi kịch này có rơi vào con mình không - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phụ huynh lo lắng về tương lai của con

Sau khi thông tin này được công bố, nhiều phụ huynh Hà Nội đang có con chuẩn bị thi vào lớp 10 cảm thấy vô cùng hoang mang, lo lắng. Là bậc làm cha mẹ, ai chẳng mong con mình đỗ đạt cao. Lúc này đây, họ đều hy vọng trong khoảng 29.000 học sinh không trúng tuyển vào các trường công lập của Hà Nội, không có... con mình nằm trong số đó.

"Gia đình tôi tổng thu nhập khoảng 15 triệu/tháng, đang nuôi 3 con ăn học. Bây giờ tôi chỉ mong con cả đang học lớp 9 chuẩn bị thi vào 10 sẽ đỗ vào trường công lập để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình", phụ huynh Xuân Lan (Cầu Giấy) nói.

Một thông tin như sét đánh ngang tai của Sở GD-ĐT Hà Nội khiến phụ huynh lao đao, không biết bi kịch này có rơi vào con mình không - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, phụ huynh Huyền Trang (Bắc Từ Liêm) chia sẻ: "Gia đình tôi có thu nhập không quá tốt, chỉ mong con đỗ vào một trường cấp 3 công lập gần nhà. Chứ học trường tư thục thì học phí cao quá, cho con học trường nghề thì tôi chẳng lỡ.

Nguyện vọng 1 năm nay của con tôi vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm), mà điểm chuẩn của trường cao lắm, khoảng 8 điểm trở lên mới đỗ. Nhưng vẫn phải có mục tiêu cao để phấn đấu, còn nguyện vọng 2, 3 tôi hướng con đến trường có điểm chuẩn thấp hơn, cứ an toàn cái đã chứ kỳ thi này quan trọng với con lắm. Tôi thì lo lắng mấy ngày nay".

Cô Bích Ngà (Đống Đa) cho hay: "Tôi luôn động viên con cố gắng ôn tập để thi đạt kết quả tốt. Động viên vậy thôi chứ tôi lo lắm, tỷ lệ cạnh tranh vào các trường top áp lực cao".

Phụ huynh cần làm gì nếu chẳng may con không đỗ trường công?

Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa tương lai của các em sẽ đóng lại. Theo Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Chuyên gia tâm lý giáo dục, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), định hướng, phân luồng học sinh là một hoạt động quan trọng trong giáo dục, góp phần giúp học sinh lựa chọn được con đường học tập và phát triển phù hợp với bản thân.

Vậy nên, ngoài trường công lập, các trường ngoài công lập như trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cũng là lựa chọn không tồi mà phụ huynh và học sinh có thể tham khảo.

Điều quan trọng nhất là nếu chẳng may con không đỗ đạt cao, cha mẹ cần thấu hiểu và chấp nhận con cái trong mọi hoàn cảnh. Thay vì chỉ trích hay so sánh với "con nhà người ta", phụ huynh hãy trở thành điểm tựa vững chắc cho con.

Bản thân trẻ khi thi trượt cũng rất buồn rồi. Cha mẹ nên chia sẻ và không đòi hỏi gì ở con, kể cả có đòi hỏi thì kết quả cũng không thể thay đổi được. Phụ huynh cần bình tĩnh, cùng con rút kinh nghiệm từ thất bại. Hãy động viên con tiếp tục học, đồng thời việc đưa ra định hướng phù hợp lúc này là bài toán quan trọng nhất.

Một thông tin như sét đánh ngang tai của Sở GD-ĐT Hà Nội khiến phụ huynh lao đao, không biết bi kịch này có rơi vào con mình không - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cha mẹ cần nhớ rằng, việc hỗ trợ con cái không chỉ dừng lại ở việc giáo dục kiến thức mà còn là việc giáo dục chúng về sự kiên cường và khả năng thích ứng. Khi không đạt được mục tiêu, hãy cùng con khám phá những con đường khác, những cơ hội mới mà không gây áp lực thêm. Hãy nhớ rằng, mỗi thất bại đều là bài học quý giá và là cơ hội để chúng ta trưởng thành hơn.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn thành phố năm học 2024 - 2025 diễn ra trong hai ngày 8 - 9/6, Sở dự kiến bố trí 210 điểm thi với hơn 4.300 phòng thi. Ngày 15/5 tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường THPT tới học sinh, phụ huynh.

Về vấn đề tổ chức ôn tập cho học sinh, Giám đốc Sở cũng đề nghị các trường căn cứ vào cấu trúc đề thi, đề thi minh họa thi vào lớp 10 THPT công lập để chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, thực hiện các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá để phân luồng học sinh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày