Nằm khiêm tốn ở gần góc ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội, quán phở Nhớ không có biển hiệu cầu kỳ, chẳng chạy quảng cáo rầm rộ, nhưng gần ba thập kỷ qua vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ thực khách mê phở. Người tìm đến bởi bát phở đầy đặn, nước dùng thơm ngọt và hương vị quen thuộc suốt bao năm qua. Đúng như cái tên "nhớ", lâu lâu không ăn là lại thấy thèm.
Quán phở Nhớ nằm ở đường Huỳnh Thúc Kháng là địa chỉ quen thuộc của nhiều người mê món phở.
Quán phở Nhớ được mở bởi bố mẹ chị Nguyễn Bích Thủy - chủ quán hiện tại - từ năm 1996. Hồi đó, quán lấy tên là phở bò Nguyên Hồng vì khi đó quán bán trên phố Nguyên Hồng. Chị Thủy tâm sự: "Ngày xưa làm gì có nhiều hàng phở như bây giờ, hàng nào mà ngon là mọi người sẽ nhớ và tìm đến ăn. Hồi ấy đông khách lắm, có những lúc cả đoàn đến ăn đỗ xe thành hàng dài trước quán. Ngày đấy bán kê hai ba chục cái bàn nhựa ngoài đường mới đủ phục vụ khách.
Chị Nguyễn Bích Thủy - chủ quán phở Nhớ hiện tại.
Khách ăn quen thấy ngon rồi bảo cứ đi xa, đi công tác là nhớ đến bát phở ở đây. Đi công tác về là chỉ muốn đến đây để ăn thôi. Thế là mọi người mới bảo đổi tên đi, nhà mình thấy cái tên phở Nhớ cũng hay, cũng ấn tượng, thế là quyết định đổi tên như vậy". Thế là đến năm 1999, quán phở chính thức đổi tên thành phở Nhớ.
Những bức ảnh về hội thi phở Hà Nội được quán treo trang trọng trên tường.
Quán phở Nhớ từng giành giải Nhì Hội thi Phở Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, một sự kiện hiếm hoi quy tụ hơn 20 hàng phở danh tiếng khắp thủ đô. Cuộc thi vừa để tìm ra "phở ngon nhất Hà Nội", vừa để tôn vinh nghệ thuật nấu phở truyền thống cũng như gìn giữ món ăn truyền thống. Trên bức tường của quán phở Nhớ vẫn treo những bức ảnh về hội thi năm đó, như một sự tự hào và niềm yêu nghề đối với món phở.
Bát phở với hương vị tròn trịa, đủ để người ăn phải gật gù.
Chị Thủy là người gắn bó với quán từ những ngày đầu, phụ bố mẹ nhặt hành, thái thịt, rồi dần đứng bếp chính. Giờ bố mẹ đã mất hơn 12 năm, chị là người tiếp nối hương vị phở xưa theo cách chân chất nhất. "Chị làm từ những ngày đầu với bố mẹ, quán mở ra là chị đã phụ giúp cùng gia đình. Coi như mấy chục năm thanh xuân với hàng phở" - Chị Thủy kể.
Chị Thủy cũng tâm sự về sự ra đời của quán phở nhà mình: "Mẹ chị là con gái Hà Nội, mẹ chị rất là khéo tay, tất cả những cái món gì khó nhất mà mọi người phải đi học thì mẹ chị đều làm được. Ngày xưa bố chị làm ăn xong gặp sự cố nên bị vỡ nợ, nợ không biết bao nhiêu là tiền. Khi đó, không biết làm gì thì mẹ chị mới bảo thôi đi bán phở. Ban đầu chỉ dám nghĩ bán phở để sống qua ngày, không nghĩ là bán phở trả được nợ, mà còn giúp gia đình có cuộc sống ổn định".
Bát phở tái chín với lượng thịt đầy đặn.
Quán phở Nhớ mỗi ngày mở từ khoảng 5 rưỡi sáng đến 2 giờ, nghỉ mấy tiếng buổi chiều rồi bán từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Menu ở đây có các món phở nước quen thuộc như phở tái, chín, nạm, gàu, lõi rùa... ngoài ra còn có cả phở xào, cơm rang.
Mỗi ngày quán ninh khoảng 50kg xương ống bò, chia làm 2 nồi, sáng một nồi, trưa chiều một nồi. Ngoài các gia vị truyền thống như hồi, quế, thảo quả, chị Thủy còn dùng thêm sá sùng và mực khô để tăng độ ngọt và mùi thơm tự nhiên cho nước dùng, cũng là linh hồn của bát phở.
Nói về bát phở ở đây thì có thể đánh giá là vừa vặn. Bánh phở mềm, thịt bò thái mỏng vừa miệng, nước dùng đậm đà. Còn với món cơm rang dưa bò thì hạt cơm tơi, nêm nếm vừa ăn, thịt bò được xào riêng vừa tới ăn rất ngon. Giá cả đồ ăn cũng phù hợp với chất lượng.
Bên cạnh phở thì cơm rang cũng là món ăn được nhiều người yêu thích ở đây.
Vào buổi trưa khách đến ăn phần nhiều là văn phòng. Thế nhưng cuối tuần mới là thời điểm thường đông khách nhất. "Thường Thứ bảy, Chủ nhật thường đông khách hơn. Những lúc đấy là khách ăn quen nhà mình họ đến họ ăn. Có khách tận gia lâm, Hà Đông... họ có thời gian họ đi chơi họ ghé qua ăn" - Chị Thủy chia sẻ.
Vừa đứng bếp chị Thủy vừa giới thiệu về bát phở đắt nhất ở đây là phở lõi rùa xào lăn 100.000 - 120.000 đồng/bát. Chị cho biết: "Nhà chị có một số lượng khách mê món đấy, tuần nào cũng ăn vài lần. Ăn một năm trời nay, triền miên không ăn món khác. Với lõi rùa thì chị đặt tất cả các hàng thịt quanh đây, để lõi rùa riêng cho chị. Nếu mà họ bán lẻ thì có khi được giá hơn nhưng mà họ bán cho mình thì bán quanh năm".
Không gian bên trong quán phở.
Nếu bạn đến phở Nhớ và thấy trên bàn đặt một bát cơm nguội, đừng ngạc nhiên, đó không phải phần ăn thừa, cũng chẳng phải món gọi thêm. Đó là... quà của quán, cũng là một lời nhắc nhở dịu dàng về ký ức bao cấp nhiều gian khó mà nhiều người đã đi qua.
Niêu cơm nguội mời khách được đặt sẵn trên bàn.
Chị Thủy kể: "Về bát cơm nguội đặt trên bàn xuất phát từ việc khách đến đây ăn phở xong hỏi là chị ơi có cơm nguội không cho em xin một ít để ăn cùng với nước phở. Ngày xưa thời bao cấp, mọi người hay lấy nước phở trộn cùng cơm để ăn. Chị vẫn nhớ hồi đó, phải khi nào nhà có người ốm mới dám mua phở ăn. Bố mẹ chị đi mua bát phở thường xin thêm nhiều nước, để lấy về trộn với cơm. Mọi người xì xụp ăn.
Thế là chị mới nghĩ để mỗi bàn một bát cơm nguội, mà khách cũng thích. Có khách còn bảo là cho ít bánh phở thôi để tý còn cho cơm vào. Chị mua hẳn gạo ST25 để nấu cơm cho khách ăn. Nhân viên nhà chị bảo tự nhiên lại vẽ chuyện ra, vì có hôm không ai ăn, cơm thiu lại phải bỏ, chưa kể làm thêm cơm chả lấy được tiền, cứ phải nấu, phải chia ra bàn, nhân viên nấu hơi khô chị lại mắng. Nhưng bát cơm nguội đó cũng là cách để chúng ta ôn lại, hoài niệm thời ngày xưa".
Khách có thể ăn thoải mái bao nhiêu cơm cũng được.
Cũng chính vì bát cơm nguội đặc biệt đó, mà người ta lại nhớ đến phở Nhớ. Không chỉ là ăn bát phở ngon mà còn hoài niệm. Là một người đã từng trải qua thời kỳ bao cấp, với chị Thủy, thêm bát cơm cho khách là giảm lợi nhuận đôi chút, nhưng lại nhận được sự yêu thương từ khách hàng.
Chị Thủy kể thêm: "Có những bác ăn no lắm rồi nhưng lại bảo 'Nhìn thấy cơm nên tôi lại làm một thìa cho vào bát. Đúng là ăn là lại nhớ tới ngày xưa'. Có những người đi vào nhìn thấy niêu cơm là lại cười". Chỉ thế thôi cũng đủ làm cho chị Thủy cảm thấy vui.
Giờ mỗi ngày, quán phở Nhớ bán khoảng 300 bát, không còn bán nhiều bằng ngày xưa, bởi giờ hàng quán mọc lên nhiều, khách hàng cũng có nhiều lựa chọn về đồ ăn. Nhưng quán vẫn luôn có những khách hàng thân quen, ăn ở đây cả hơn hai chục năm, lâu lâu không ghé quán là lại thấy... nhớ.
Một đoạn trong bài thơ về phở của tác giả Tú Mỡ được quán treo trên tường.