Nữ nhà văn chia sẻ câu chuyện mình không thể đạt "cực khoái" do mắc một hội chứng ở vùng kín

Gà, Theo Helino 23:59 21/10/2019

"Tôi có thể đạt được "cực khoái" dễ dàng, 1 hay 5 lần không bao giờ là điều quá khó với tôi. Và rồi, một "kẻ phá hoại" đã âm thầm tìm đến, cướp đi "khả năng" đặc biệt đó của tôi" - Hannah chia sẻ.

Hannah Shewan Stevens là một nữ nhà văn, biên tập viên đang làm việc tại một trụ sở ở thành phố Birmingham (Anh). Cô thường viết về các chủ đề xoay quanh đời sống tình dục, các mối quan hệ xã hội, những vấn đề tâm lý và một số chủ đề sâu rộng khác. Hannah có bằng Thạc sĩ Báo chí danh giá từ Đại học Kingston và là một nữ nhà văn được Hội đồng đào tạo nhà báo quốc gia NCTJ công nhận. Các tác phẩm của Hannah có thể thu hút tới hàng chục triệu lượt xem trên kênh Youtube và Facebook Watch. Thậm chí, một số bài viết của cô còn được xuất hiện ở những trang báo như Mirror, Metro, The Sun...

Nữ nhà văn chia sẻ câu chuyện mình không thể đạt cực khoái do mắc một hội chứng ở vùng kín - Ảnh 1.

Hannah Shewan Stevens.

Mới đây, Hannah còn chia sẻ một bài viết trên trang Metro về hội chứng ở vùng kín mà mình đang gặp phải. Điều đáng quan tâm là hội chứng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tình dục của cô cũng như nhiều chị em phụ nữ khác.

"Tôi từng sở hữu một vùng âm đạo mà nhiều chị em sẽ phải ghen tị.

Tôi có thể đạt được "cực khoái" dễ dàng, 1 hay 5 lần không bao giờ là điều quá khó với tôi. Tôi thậm chí có thể "lên đỉnh" chỉ bằng cách "tự sướng" trong vòng vài phút, và kể cả là những bạn tình vụng về cũng có thể giúp tôi thỏa mãn.

Và rồi, một "kẻ phá hoại" đã âm thầm tìm đến, cướp đi "khả năng" đặc biệt đó của tôi.

Đầu tiên, tôi phải trải qua thời kỳ mà vùng chậu của mình lên cơn đau dữ dội như thể đang có hàng vạn kim châm, sau đó là sự thay đổi cảm giác ở vùng âm đạo.

Thời gian trôi qua, tôi còn cảm nhận được những cơn đau nhói khủng khiếp bên trong vùng kín mỗi khi tôi sắp đạt được "khoái cảm". Trong những lần quan hệ tiếp theo, tôi phát hiện thấy việc đón nhận "nửa kia" ngày càng gây ra cảm giác khó chịu hơn. Tôi thậm chí còn phải ngừng dùng tampon.

Nữ nhà văn chia sẻ câu chuyện mình không thể đạt cực khoái do mắc một hội chứng ở vùng kín - Ảnh 3.

Tôi đã tìm hiểu và đọc được các nghiên cứu cho thấy bác sĩ thường không coi trọng cảm giác đau của bệnh nhân nữ bằng bệnh nhân nam. Do đó, tôi lo sợ rằng bác sĩ có thể sẽ coi nhẹ những triệu chứng bệnh của mình. Tôi cũng chưa từng nghe ai phàn nàn về những điều mà tôi phải trải qua sau khi quan hệ. Cuối cùng, tôi chọn cách giữ im lặng và hy vọng dần dần mọi thứ sẽ tốt hơn.

Một năm trước, tôi lấy hết can đảm để thảo luận về chuyện này với bác sĩ phụ khoa của mình. Cô ấy đã tiến hành khám khung chậu rất cẩn thận cho tôi và chẩn đoán rằng, tôi đang mắc hội chứng co thắt âm đạo - một tình trạng bệnh có thể gây ra những cơn co thắt không chủ ý ở các khối cơ xung quanh cửa vào âm đạo, từ đó dẫn tới việc xâm nhập gây đau đớn và trong một số trường hợp là không thể quan hệ.

Bác sĩ của tôi nhấn mạnh rằng, chẩn đoán này chỉ được kết luận sau khi đã loại trừ tất cả các chứng bệnh khác. Cũng như nhiều vấn đề đau mãn tính, rất khó để có thể đưa ra được chẩn đoán chính xác ngay từ lần đầu khám. Thông tin này khiến tôi nghĩ có thể mọi chuyện chỉ là do tôi tưởng tượng ra và tôi lại càng thêm hoang mang không biết làm gì tiếp theo.

Trong khi chờ đợi để được bác sĩ phụ khoa giới thiệu tới gặp một bác sĩ vật lý trị liệu chuyên ngành, tôi tìm cách tự chữa lành cho mình trước. Thế nhưng, không có loại thuốc nào có thể đem lại điều kỳ diệu cho thứ mà tôi phải chịu đựng. Tất cả phụ thuộc vào phương pháp vật lý trị liệu và chính tôi phải tự điều chỉnh cảm xúc của mình.

Bác sĩ phụ khoa cho rằng, hội chứng co thắt âm đạo của tôi có lẽ liên quan tới những tổn thương tình dục trong quá khứ. Vì vậy, tôi quyết định thử kết nối lại với cơ thể của mình qua "khoái cảm". Tôi nhận ra rằng, việc tự kích thích là công cụ hữu hiệu cho quá trình phục hồi cả về thể chất lẫn tâm lý, và nó cũng giúp tôi giành lại quyền kiểm soát cơ thể.

Nữ nhà văn chia sẻ câu chuyện mình không thể đạt cực khoái do mắc một hội chứng ở vùng kín - Ảnh 4.

Để bắt đầu, tôi tạm dừng tiếp xúc thân thể với người yêu trong một thời gian. Tôi hiểu rằng, việc tái kết nối với bản thân quan trọng hơn nhiều so với việc cố gắng ép mình vào chuyện ân ái với người đó trước khi tôi sẵn sàng. Tôi sẽ không thể tìm thấy "khoái cảm" với người khác cho tới khi tôi hồi phục "khoái cảm" của chính mình.

Tôi dành nhiều thời gian thử tự kích thích bằng nhiều loại đồ chơi tình dục khác nhau. Tôi khám phá mỗi vùng nhỏ trên cơ thể, tái phát hiện những vùng dễ kích thích.

Mặc dù các triệu chứng không biến mất nhưng tôi học được cách kiểm soát chúng tốt hơn và sử dụng những kỹ thuật thư giãn để xoa dịu bất kỳ cảm giác khó chịu nào. Tôi vẫn chờ được gặp bác sĩ vật lý trị liệu nhưng đúng là tôi đã đạt được những sự cải thiện nhất định. Tôi cũng hy vọng rằng mình có thể trở lại chuỗi ngày tháng "huy hoàng" trong một tương lai không xa.

Những người mắc hội chứng co thắt âm đạo giống tôi hẳn phải cảm thấy cô độc lắm. Không nhiều người muốn trò chuyện công khai về việc âm đạo của bạn bị đau tới mức không thể tận hưởng chuyện "yêu" như bình thường. Đây rõ ràng là triệu chứng cần được quan tâm hơn, khi mà việc đạt được "khoái cảm" nữ giới thường bị coi nhẹ và không được ưu tiên như "khoái cảm" của nam giới.

Trong khi chứng liệt dương đã được cả thế giới quan tâm, hỗ trợ thì các chứng bệnh liên quan tới vùng âm đạo lại thường xuyên bị chẩn đoán sai, điều trị qua loa, thiếu tin tưởng. Tôi không muốn xu hướng này kéo dài lâu thêm nữa.

Việc phải sống chung với hội chứng co thắt âm đạo dễ khiến người ta cảm thấy nản lòng nhưng ở một số khía cạnh nhất định, nó mang đến ý nghĩa tích cực. Chấp nhận sự khó chịu với cảm giác đau nhói này cũng nhắc nhở tôi cần duy trì mối liên kết mạnh mẽ với cơ thể, giới tính của mình, nhất là bởi "khoái cảm" sẽ trở nên sâu sắc hơn nhiều khi thể xác và tâm lý hòa hợp vào nhau.

Tôi vẫn phải vất vả hơn trước nếu muốn đạt được "cực khoái", nhưng tôi cũng gắn kết với cơ thể và giới tính của mình nhiều hơn trước đây. Ít ra bây giờ, tôi hiểu rằng, mặc dù hội chứng co thắt âm đạo gây ra tình trạng đau nhức âm đạo nhưng nó không phải là bản án chung thân đối với "khoái cảm" của chúng ta".

Hội chứng co thắt âm đạo là gì?

Đây là hội chứng xảy ra khi âm đạo đột nhiên sẽ thắt chặt lại lúc có một thứ lạ nào đó cố gắng xâm nhập vào bên trong. Ngoài việc không thể quan hệ, phái nữ còn gặp khó khăn khi sử dụng tampon. Thậm chí, có những người để vật lạ thâm nhập vào bên trong nhưng lại cảm thấy nóng rát, châm chích khủng khiếp.

Nữ nhà văn chia sẻ câu chuyện mình không thể đạt cực khoái do mắc một hội chứng ở vùng kín - Ảnh 5.

Một vài nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng co thắt âm đạo:

- Do âm đạo quá nhỏ.

- Do có một trải nghiệm tình dục đầu tiên tồi tệ.

- Do tin rằng tình dục là một điều đáng xấu hổ, sai trái.

- Do có trải nghiệm khó chịu khi đi khám phụ khoa.

- Do bị viêm nhiễm nên gây đau đớn.

Vậy có cách gì để điều trị hội chứng này triệt để không?

Đa phần những người mắc phải hội chứng này thường được áp dụng điều trị bằng biện pháp tâm lý, các kỹ thuật thư giãn để giải tỏa cơ thể của mình. Những bài tập sàn chậu cũng giúp phái nữ kiểm soát các cơ âm đạo của mình tốt hơn. Còn những trường hợp nghiêm trọng sẽ phải dùng tới máy tập âm đạo, có hình dạng giống như băng vệ sinh và có kích cỡ khác nhau để giúp phái nữ quen với việc đưa một thứ gì đó vào âm đạo của mình.

Source (Nguồn): Metro, Dailymail