Những lần "vua bếp" nước ngoài phải đau đầu với món Việt, người "nhọ" nhất còn làm cháy cả bếp

Trà My, Theo Helino 11:50 01/08/2019

Dường như có một quy luật bất thành văn trong chương trình Masterchef đình đám: Muốn bếp lên tay, trao ngay món Việt!

Xuất hiện lần đầu tại Mĩ với tựa đề không thể "kêu" hơn – "Masterchef", hay còn được dịch là Siêu đầu bếp hoặc Vua đầu bếp, cuộc thi nấu ăn này đã "chạy" bền bỉ được 10 mùa với hàng chục phiên bản khắp thế giới. Nhắc đến cái tên Masterchef, người ta nghĩ ngay tới cuộc cạnh tranh khốc liệt, tiêu chuẩn món ăn cao ngất của những đầu bếp thượng thừa.

Thế nhưng, không sợ trời không sợ đất, chỉ sợ nấu món Việt là có thật.

Trong lịch sử Masterchef phương Tây, món ăn Việt Nam xuất hiện không quá nhiều, nhưng lần nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc vì độ… khó. Đó có thể là một đề bài giám khảo đưa ra, cũng có thể là một phần của thử thách đồng đội, nhưng tất cả đều ngầm chứng tỏ một điều: Những món ăn bình dân của Việt Nam tưởng dễ mà không dễ chút nào!

Thử thách hủ tiếu

Khoảnh khắc nổi tiếng khi Gordon Ramsay chậm rãi bước lên, đặt bát hủ tiếu "học lỏm" từ một dì bán hàng rong tại chợ nổi Cần Thơ, yêu cầu thí sinh phải nấu lại đúng hương vị, đã đánh dấu cột mốc quan trọng cho ẩm thực Việt trong lịch sử Masterchef. Đó là lần hiếm hoi mà 4 thí sinh của chương trình – những người đã xuất sắc đánh bại hơn nửa đối thủ từ đầu mùa tới giờ - đồng loạt gặp rắc rối.

Những lần vua bếp nước ngoài phải đau đầu với món Việt, người nhọ nhất còn làm cháy cả bếp - Ảnh 1.

Món Việt trên show nấu ăn nước ngoài dường như là thách thức đối với tất cả mọi đầu bếp.

Không cần phải nói nhiều, hãy nhìn những biểu cảm và lời bình này, bạn sẽ hiểu độ khó của hủ tiếu trong mắt các đầu bếp phương Tây.

Những lần vua bếp nước ngoài phải đau đầu với món Việt, người nhọ nhất còn làm cháy cả bếp - Ảnh 2.

Ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam, những món mì nước đã rất quen thuộc. Tuy nhiên, concept sử dụng nước hầm với gia vị phức tạp lại không phổ biến ở phương Tây. Do đó, khi đối diện với nước dùng đặc biệt đậm đà, các thí sinh đã gặp rất nhiều khó khăn để đoán biết thành phần bên trong, cũng như tái tạo nó.

"Vũ khí bí mật" mang tên cá trê

Cũng trong mùa Masterchef Mĩ thứ 4, một nguyên liệu độc đáo của ẩm thực Việt Nam lại khiến thí sinh Krissi phải "điêu đứng". Nhờ chiến thắng thử thách ở tập trước, thí sinh Lyn có quyền chọn nguyên liệu cho món ăn tiếp theo các đối thủ, và anh chàng đã chỉ định cá trê cho Krissi – một người nổi tiếng không mặn mà gì với ẩm thực châu Á.

Đúng như dự đoán, Krissi đã rất máy móc khi xử lý loại cá đặc biệt này: Tẩm ướp, bọc bột và rán giòn y như những miếng fish nugget bạn thấy trong cửa hàng ăn nhanh.

Những lần vua bếp nước ngoài phải đau đầu với món Việt, người nhọ nhất còn làm cháy cả bếp - Ảnh 3.

"Cá trê ăn bùn, nên thịt cá sẽ có vị như bùn. Món cá này của bạn bây giờ cũng giống như bùn đấy!" Vị giám khảo "xéo xắt" thứ hai không ai dám nhất Joe Bastianich đã nhận xét như thế. Vậy mới biết, ẩm thực Việt Nam không phải dạng vừa đâu khi có thể biến loại cá nặng mùi bùn thành những món ngon nức tiếng như canh cá, cá kho tộ, v.v…

Cháy bếp vì… cố nấu món Việt

Ở một diễn biến khác, các siêu đầu bếp người Úc không gặp quá nhiều vấn đề trong việc tái tạo hương vị Việt, nhưng gặp vấn đề ở khâu… an toàn lao động. Trong một thử thách đồng đội ở mùa thứ 11, các thí sinh bắt cặp và tổ chức một xe đồ ăn cho người qua đường. Mọi thứ có vẻ tuyệt vời với đội của Larissa và Steph, khi món gỏi heo quay và phở Việt Nam của họ vừa ngon vừa đẹp mắt, sẵng sàng phục vụ hàng dài khách hàng đang ngóng chờ.

Những lần vua bếp nước ngoài phải đau đầu với món Việt, người nhọ nhất còn làm cháy cả bếp - Ảnh 4.

Xe đồ ăn Việt của Larissa and Steph, một phút trước thảm họa.

Cho đến khi hai người nhận thấy một mùi khét khét từ gian bếp, họ tá hỏa nhận ra: Món heo quay da giòn của mình đang bốc cháy! Sai lầm của đội là không để ý thịt ba chỉ có rất nhiều mỡ, sau một thời gian nấu, lượng mỡ khổng lồ này sẽ khiến nhiệt độ tăng nhanh hơn và thịt cháy với tốc độ chóng mặt. Kết quả đáng buồn, "team món Việt" phải đổ hơn một nửa chỗ thịt đi.

Những lần vua bếp nước ngoài phải đau đầu với món Việt, người nhọ nhất còn làm cháy cả bếp - Ảnh 5.

Những sai lầm sơ đẳng trên của những đầu bếp Tây có thể khiến các bà, các chị của chúng ta phì cười. Nhưng nó dường như cũng chứng tỏ một điều, kĩ nghệ trong ẩm thực Việt chả thua kém nền ẩm thực cao cấp nào, và người ta có thể học nó thông qua các bữa cơm hàng ngày, các góc bếp bình dân nhiều hơn ở trường học bài bản!

Source (Nguồn): Master Chef