Nhiệt miệng - bệnh ai cũng từng mắc ít nhất một lần trong đời nhưng có chắc là bạn đã hiểu rõ về nó?

NNA, Theo Trí Thức Trẻ 15:14 21/06/2017
Chia sẻ

Nhiệt miệng được chia làm mấy loại? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Nhiệt miệng (hay còn gọi là áp tơ miệng) là một bệnh rất phổ biến, hầu như ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần trong đời. Bị nhiệt miệng cực kỳ khó chịu, không những khó khăn trong ăn uống mà còn gây đau nhức cả tuần liền.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về căn bệnh mà mình đang mắc phải.

Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng (Recurrent Aphthous Stomatitis - RAS) là một bệnh viêm loét xuất hiện ở miệng. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Đây là bệnh nhẹ nhưng khá phổ biến.

Nhiệt miệng không gây nguy hiểm, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng khá nhiều và bất tiện đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong ăn uống. Những người bị áp tơ miệng thường xuyên cũng khá vất vả, vì vậy, cần nhận diện được dạng mà mình đang mắc phải để biết cách điều trị hợp lý.

Các dạng nhiệt miệng

Nhiệt miệng thể nhỏ (RAS minor)

Bệnh Nhiệt miệng - Hiểu rõ để biết cách phòng và chữa bệnh! - Ảnh 1.

Đây là dạng áp tơ miệng thường gặp, chiếm tỷ lệ tới 80%. Ở dạng này, tổn thương loét rất nông, gây đau, riêng biệt từng vết (từng nốt nhiệt), đường kính từ 3mm đến dưới 1cm. Số lượng tổn thương có thể từ 1 - 5 vết nhiệt.

Dạng áp tơ này hay xảy ra ở môi, má và nền miệng. Tổn thương dạng này thường sẽ khỏi sau 7 - 10 ngày và không để lại sẹo.

Nhiệt miệng thể lớn (RAS major)

Bệnh Nhiệt miệng - Hiểu rõ để biết cách phòng và chữa bệnh! - Ảnh 2.

Áp tơ niêm mạc miệng thể lớn ít gặp hơn. Các vết loét trong trường hợp này thường lớn hơn, từ 1 - 3 cm, sâu hơn, bờ nổi cao và có thể tập trung thành nhóm gần nhau, tập trung ở môi, hàm ếch mềm, họng...

Nếu mắc phải áp tơ dạng này, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tổn thương có thể kéo dài tới 6 tuần, khi khỏi có thể để lại sẹo, thậm chí gây co kéo miệng hầu.

Nhiệt miệng Herpes (Herpetiform RAS)

Bệnh Nhiệt miệng - Hiểu rõ để biết cách phòng và chữa bệnh! - Ảnh 3.

Dạng áp tơ miệng này ít gặp phải nhất. Tổn thương chỉ khoảng 1 - 3mm nhưng tập trung thành đám. Đám tổn thương này có thể tập trung ở một khu nhỏ hoặc tập trung trên diện rộng.

Lưu ý: Khi bị nhiệt miệng, hãy kiểm tra xem mình mắc phải dạng nào để biết cách điều trị hợp lý nhé.

Nguồn tham khảo: Bệnh lý và phẫu thuật hàm mặt tập 2 (NXB Giáo dục Việt Nam)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày