Theo bác sĩ dinh dưỡng Zuo Xiaoxia thuộc Trung tâm Y tế số 8 Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân (Bắc Kinh, Trung Quốc), nhiều người thường ăn rau củ mọc mầm theo thói quen hoặc sở thích. Trong khi lại ít quan tâm, tìm hiểu loại nào thật sự tốt và loại nào độc hại, gây hại ra sao.
Ông cũng đưa ra lời khuyên về “4 thêm, 3 tránh” khi ăn những loại rau củ mọc mầm quen thuộc để chúng ta tham khảo dưới đây:
Mầm đậu nành và mầm đậu xanh là nguyên liệu chính để làm giá đỗ.Chúng chứa hàm lượng vitamin C cao, vitamin K và folate. Sau khi nảy mầm, dinh dưỡng trong mầm đậu tăng lên đáng kể, giúp cải thiện sức đề kháng và hệ tiêu hóa.
Nhiều người lầm tưởng rằng tỏi mọc mầm không nên ăn vì có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, mầm tỏi có hàm lượng dinh dưỡng gấp đôi so với tỏi thường và không chứa độc tố. Mầm tỏi có chứa chất chống oxy hóa cao, mang lại tác dụng chống ung thư và chống lão hóa tốt hơn.
Hạt chia khi nảy mầm gia tăng hàm lượng omega-3, chất xơ và protein. Mầm hạt chia không chỉ dễ tiêu hóa mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và tiêu hóa.
Khi gạo lứt nảy mầm, nó kích hoạt nhiều enzyme có lợi, làm tăng giá trị dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng trong gạo lứt trở nên dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn, với hàm lượng vitamin A, B, E và các khoáng chất tăng lên đáng kể.
Lạc (đậu phộng) mọc mầm có thể là dấu hiệu của môi trường không an toàn, dễ phát sinh nấm mốc và aflatoxin – một chất gây ung thư. Nếu thấy lạc nảy mầm hoặc có dấu hiệu hư hỏng, hãy loại bỏ ngay.
Khi khoai tây mọc mầm, hàm lượng solanine – chất độc tự nhiên – sẽ tăng lên đáng kể. Dù có thể loại bỏ phần mầm, solanine vẫn có thể tồn tại trong củ, gây ngộ độc nếu tiêu thụ với số lượng lớn.
Sắn chứa glycoside cyanogenic, có thể chuyển hóa thành xyanua, gây ngộ độc. Mầm sắn có thể tăng hàm lượng độc tố, vì vậy nếu phát hiện sắn đã mọc mầm hoặc hư hỏng, tốt nhất là không nên ăn.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor