Nhiễm khuẩn Salmonella - điều cần biết về nguyên nhân thu hồi hàng triệu quả trứng ở Mỹ trong tháng qua

Tiểu Nguyễn, Theo Helino 12:50 19/05/2018

Có khoảng 1,2 triệu trường hợp nhiễm khuẩn salmonella mỗi năm, và 1 triệu trong những trường hợp đó là do thực phẩm, theo CDC.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 35 người mắc bệnh từ đợt bùng phát salmonella dẫn đến việc thu hồi hơn 200 triệu quả trứng vào tháng trước tại Mỹ. Mặc dù không có trường hợp nào tử vong nhưng báo cáo ghi nhận có 11 người phải nhập viện.

Dịch bệnh này có liên quan đến trứng đến từ cơ sở Hyde County của hạt Rose Acre Farms ở bang North Carolina. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cảnh báo người tiêu dùng không nên ăn những quả trứng này.

Nhiễm khuẩn Salmonella - điều cần biết về nguyên nhân thu hồi hàng triệu quả trứng ở Mỹ trong tháng qua - Ảnh 1.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 35 người mắc bệnh từ đợt bùng phát salmonella dẫn đến việc thu hồi hơn 200 triệu quả trứng vào tháng trước.

Hi vọng rằng, những quả trứng trong nhà bạn không phải nguyên nhân khiến bạn bận tâm đến vấn đề này, hoặc là bạn cần ném bỏ bất cứ thùng đựng trứng đáng ngờ nào.

Dù có thế nào thì bạn cũng cần cẩn trọng với nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella. Dưới đây chính xác là những điều bạn cần biết về salmonella để giữ an toàn vì dịch bệnh có khả năng bùng phát trong tương lai, nhất là vào mùa hè.

Salmonella là gì?

Salmonella là vi khuẩn tương đối phổ biến. Có khoảng 1,2 triệu trường hợp nhiễm khuẩn salmonella mỗi năm, và 1 triệu trong những trường hợp đó là do thực phẩm, theo CDC. Cùng với salmonella, chúng ta cũng dễ dàng bị nhiễm khuẩn E. coli và listeria. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm .

Argyris Magoulas, chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Dịch vụ kiểm tra và an toàn thực phẩm của USDA cho biết, có một số loại vi khuẩn khác nhau trong họ salmonella. Salmonella Enteritidis và Salmonella Typhimurium là 2 loại phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Nhiễm khuẩn Salmonella - điều cần biết về nguyên nhân thu hồi hàng triệu quả trứng ở Mỹ trong tháng qua - Ảnh 2.

Có khoảng 1,2 triệu trường hợp nhiễm khuẩn salmonella mỗi năm, và 1 triệu trong những trường hợp đó là do thực phẩm, theo CDC.

Vi khuẩn sống trong ruột người và động vật, làm chúng ta bị ốm khi ăn các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn salmonella. Thịt, gia cầm và hải sản sống có thể tiếp xúc với phân trong quá trình mổ lấy thịt, trái cây và rau quả cũng có nguy cơ bị nhiễm salmonella. Và theo Mayoclinic, nếu gà bị nhiễm bệnh, chúng cũng có thể đẻ trứng có chứa vi khuẩn salmonella.

Dịch bùng phát hiện nay tại Mỹ liên quan đến một loại vi khuẩn hiếm hơn: Salmonella Braenderup. Theo TS Magoulas, trong quá khứ, dịch Salmonella Braenderup bùng phát từ xoài và cà chua. Cho đến nay, cuộc điều tra của FDA đã truy tìm sự bùng phát này để xóa bỏ dịch tại cơ sở Hyde Country. Các vi khuẩn có thể đã thâm nhập trứng thông qua các vết nứt cực nhỏ. Salmonella có thể ở bên ngoài, bên trong, trong màu trắng, hoặc trong lòng đỏ của trứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học bách khoa Hà Nội), vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn. Vi khuẩn này nếu ở trong thịt không đáng lo ngại vì nấu ở nhiệt độ cao thì vi khuẩn sẽ chết. Nhưng đáng lo ngại là vi khuẩn từ thịt có thể bám sang các đồ dùng khác, thậm chí tay người nấu nướng. Nếu đồ dùng, các thực phẩm khác đã nấu chín mà có khuẩn salmonella thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.

Nhiễm khuẩn Salmonella - điều cần biết về nguyên nhân thu hồi hàng triệu quả trứng ở Mỹ trong tháng qua - Ảnh 3.

Vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn.

Nắm bắt những triệu chứng của nhiễm khuẩn salmonella

3 triệu chứng chính của nhiễm khuẩn salmonella là tiêu chảy, sốt và đau bụng. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 12-72h sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn và thường kéo dài 4-7 ngày. May mắn là hầu hết chúng ta đều có thể hồi phục mà không cần điều trị.

Nhưng trong một số trường hợp, tiêu chảy có thể rất nặng, dẫn đến mất nước và phải nhập viện. Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh và An toàn Thực phẩm), khi các triệu chứng trở nên xấu hơn, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng lây lan sang máu cũng như các bộ phận khác. Đây chính là thời điểm salmonella có thể đe dọa tính mạng. Trẻ em, người già, và những người có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu bởi các điều kiện y tế hoặc điều trị khác có nhiều khả năng bị nhiễm trùng salmonella nghiêm trọng

Thật không may, nếu thức ăn của bạn bị nhiễm salmonella, có thể bạn sẽ không biết trước thời gian. "Nó thường không thể hiện ở mùi, ở vị của thực phẩm. Tất nhiên là bất cứ món ăn nào trông như ôi thiu hoặc có mùi kinh khủng không như bình thường thì cũng không phải là điều bạn nên ăn", chuyên gia cho biết thêm.

Nhiễm khuẩn Salmonella - điều cần biết về nguyên nhân thu hồi hàng triệu quả trứng ở Mỹ trong tháng qua - Ảnh 4.

Để ăn trứng an toàn, bạn cần nấu trứng chín kỹ để tránh nguy cơ, nhất là với trẻ nhỏ, người già hoặc người bị suy giảm miễn dịch.

Làm thế nào để bảo quản và sử dụng trứng một cách an toàn?

Lưu trữ trứng của bạn trong tủ lạnh ở 40 độ F, tức gần 4, 5 độ C hoặc thấp hơn. Hoặc bạn có thể đặt trứng trong hộp của nhà sản xuất và đặt nó trong tủ lạnh. Không rửa trứng bởi vì bạn đang loại bỏ lớp phủ bảo vệ dầu khoáng và tăng khả năng cho vi khuẩn xâm nhập vào trứng. Sử dụng trứng trong vòng 4- 5 tuần kể từ ngày chúng ở trong tủ lạnh. Bằng cách này, trứng sẽ được an toàn để sử dụng.

Trứng rất tốt cho bạn. Vì thế không thể vì sợ nhiễm khuẩn salmonella mà đoạn tuyệt với nó. Đây không phải là lần đầu tiên các món ăn sáng giàu protein bị đổ lỗi cho một đợt bùng phát salmonella. Trong thực tế, trứng còn đứng vị trí số 1 trong danh sách các loại thực phẩm có khả năng khiến bạn bị nhiễm khuẩn salmonella. Để ăn trứng an toàn, bạn cần nấu trứng chín kỹ để tránh nguy cơ, nhất là với trẻ nhỏ, người già hoặc người bị suy giảm miễn dịch.