"Dựa trên câu chuyện có thật/ dựa trên những sự kiện có thật" là những cụm từ mà chúng ta đã quá quen trên màn ảnh. Từ lâu, điện ảnh cho phép các nhà làm phim bước qua ranh giới giữa phim tài liệu và giả tưởng hoàn toàn để tạo nên một thứ ngôn ngữ màu xám, nửa tường thuật nửa hư cấu. Vậy khi đứng trước lằn ranh này mà hướng lên màn ảnh, người xem được lợi gì?
Lấy ví dụ về I, Tonya gần đây, bộ phim “trung thực và hoàn toàn là những cuộc phỏng vấn thực sự” dưới bàn tay của biên kịch Steve Rogers về cựu vô địch trượt băng nghệ thuật Tonya Harding và chồng cũ Jeff Gillooly. Mọi thứ có vẻ như rất thật, cho đến khi ta nhớ ra rằng trước mặt mình là hai diễn viên chính Margot Robbie và Sebastian Stan.
Với những dạng phim thế này, chúng ta được kết nối với khái niệm “sự thật” nhưng lại chưa bao giờ thực sự thấy chúng. Với nhiều người, một câu chuyện hay thì vẫn cứ là câu chuyện hay, sao đâu nhỉ?
Pha trộn giữa giả tưởng và thực tế đẩy khán giả ra khỏi “vùng an toàn”
Chúng ta thường nói với nhau về “vùng thoải mái” (comfort zone) đầy nguy hiểm nơi con người cảm thấy thỏa mãn và hết lí do để tiếp tục đấu tranh. Một công việc ổn định với mức lương vừa đủ. Những nỗi buồn niềm vui nho nhỏ. Ta dần quên rằng chính việc liên tục đẩy bản thân tới giới hạn và sáng tạo mới là chìa khóa của sự phát triển.
Thế nhưng một phép kể chuyện, nửa thực nửa ảo, đôi khi hoạt động như một thứ máy xúc đào xới suy nghĩ của khán giả khiến họ phải tư duy khác đi như một cách bước ra khỏi vùng an toàn. Nó làm rối tung thứ thuật toán được “cài đặt” trong não bộ của chúng ta về cách xem phim.
Khi xem một bộ phim được gắn mác “kỳ ảo”, ta lập tức tin rằng những gì mình nhìn thấy chỉ là mô phỏng của kịch bản. Ở đó có diễn viên, một sân khấu/ màn ảnh, sự chỉ đạo đằng sau của đạo diễn. Mọi thứ phải trở nên thật trơn tru, vì, bạn biết đấy, chúng ta ghét những thứ phi logic trên phim bởi, thôi nào, các nhà làm phim họ có cả đống tiền để làm mọi thứ đáng tin cơ mà.
Ngược lại, chứng kiến một phim tài liệu hoặc phi giả tưởng (non-fiction), ta giả định rằng mình đang ở ngay đó cùng trong không gian và thời gian ta hít thở, trước mặt người đang được phỏng vấn. Các “diễn viên” sẽ không thốt ra những câu thoại đầy tính kịch mà ta có thể đoán trước, họ có thể ngập ngừng, khóc lóc, cười phá lên ở những lúc không ngờ tới.
Bộ não của chúng ta được lập trình luôn đói khát thông tin và cần được phỏng đoán. Các bộ phim nửa giả tưởng nửa tiểu sử “mồi” cho khán giả những gì họ muốn thấy: không quá “giả” mà cũng phải “thật” vừa đủ để không khiến ta thấy phũ phàng.
Nhưng liệu khán giả có thực sự muốn vậy?
The Greatest Showman với sự tham gia của Hugh Jackman khi được ra mắt vừa qua đã đứng trước những cáo buộc về việc tô hồng chân dung của nhân vật có thật trong lịch sử P. T. Barnum (Jackman vào vai).
Thay vì hình tượng bậc thầy của những giấc mơ, ông chủ gánh xiếc đầy tình yêu và hoài bão như trong phim, thì các ghi chép lại chỉ ra rằng Barnum ngoài đời là một kẻ lưu manh, cơ hội và tàn nhẫn khi nổi tiếng nhờ vào tài lừa đảo. Trường hợp của The Greatest Showman đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, liệu khán giả có sẵn sàng đón nhận một chương lịch sử được viết lại trên màn ảnh, trong khi các nhà làm phim vẫn thản nhiên đóng mác "phim tiểu sử".
Chúng ta đều hiểu thật khó để có thể thực hiện một phim điện ảnh hoàn toàn khớp với sự thật mà vẫn có đủ cao trào và tính kịch đặc trưng. Các phim gần đây như American Animals, Victoria and Abdul hay thậm chí cả The Darkest Hour đều xây dựng trên chất liệu thô là các sự kiện có thật trong lịch sử, từ đó nhào nặn nên một câu chuyện kịch tính hơn, cuốn hút và đẹp mắt hơn.
Thế nhưng nếu các nhà làm phim chọn cách bẻ cong sự thật, lái khán giả tin theo một hình mẫu bị biến tướng thì họ cũng phải đồng thời chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của hành động này tới cái nhìn của công chúng với lịch sử (đã được viết lại). Một nửa sự thật không phải là sự thật, còn người xem thì cần phải sáng suốt để phân biệt thật giả, để có cái nhìn toàn diện về tác phẩm.
Hollywood là những bậc thầy về việc xóa nhòa ranh giới giữa chất tài liệu và giả tưởng. Bởi thế, sau những phim gắn mác “tiểu sử” ra đời là hàng loạt những cuộc kiểm tra tính đúng đắn của tác phẩm. Chừng nào bạn vẫn còn được thỏa mãn bằng những câu chuyện trên màn ảnh, thì có lẽ hãy tự hỏi mình, việc cân nhắc đến tính xác thực của nó có còn quan trọng nữa không?