Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các giao dịch online ngày càng trở nên tiện lợi. Tuy nhiên sự tiện ích này cũng trở thành con dao 2 lưỡi khi chúng tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là việc chuyển tiền nhầm tài khoản. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng điều này để lừa đảo với thủ đoạn cực kỳ tinh vi.
Ngay bên dưới đây là một trường hợp kẻ xấu dẫn dắt nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo mà không hề hay biết.
Chuyển nhầm tài khoản: Kịch bản lừa đảo ai cũng cần cảnh giác
Cuối năm 2020, Tiểu Lưu - nữ sinh viên đại học tại Trung Quốc bất ngờ nhận được thông báo biến động số dư tài khoản trên điện thoại. Cô kiểm tra thì thấy rằng mình đã nhận được 6.000 NDT (khoảng 20 triệu đồng) nhưng không xác định được danh tính người gửi.
Tiểu Lưu sau đó lập tức liên hệ người thân và bạn bè hỏi xem có ai gửi tiền cho mình hay không. Tuy nhiên, câu trả lời là không có người quen gửi số tiền này cho cô. Điều này khiến Tiểu Lưu bối rối và cũng rất muốn biết được chủ nhân của số tiền kia là ai.
Sau đó, cô đã nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ. Phía bên kia đầu dây là một người phụ nữ, người này cho biết vì nhầm lẫn nên đã gửi nhầm số tiền học phí của con trai vào tài khoản của Tiểu Lưu. Đồng thời, người phụ nữ cũng bày tỏ rằng cô mong Tiểu Lưu chuyển trả lại số tiền này.
Đến đây, Tiểu Lưu đã nhiệt tình gửi trả lại số tiền 6.000 NDT cho người phụ nữ bí ẩn đó.
Tưởng rằng câu chuyện nhầm lẫn này sẽ lui vào dĩ vãng, tuy nhiên chỉ nửa tháng sau đã có biến cố ập đến. Tiểu Lưu bất ngờ nhận được điện thoại từ một người đàn ông. Người này thông báo cô đã vay tiền trên website của anh ta và đến thời hạn để trả nợ. Số tiền mà người này thông báo cũng chính xác là 6.000 NDT - đúng như số tiền đã chuyển trả cho người phụ nữ cách đó không lâu.
Bên cạnh đó, người này cũng cho biết Tiểu Lưu phải trả 6.000 NDT kèm theo lãi suất hằng tháng là 2% và phải trả nợ sau 15 ngày.
Đến đây, cô sinh viên Tiểu Lưu cực kỳ hoang mang khi cô chưa từng tham gia các dịch vụ vay tiền online. Ngay sau đó, cô đã gọi điện trình báo cảnh sát toàn bộ sự việc.
Qua quá trình điều tra, cảnh sát sâu chuỗi sự việc và phát hiện rằng tài khoản từng chuyển tiền "nhầm" cho Tiểu Lưu thực ra là tài khoản của một công ty cho vay trực tuyến. Kẻ gian đã lấy được thông tin cá nhân của cô và thực hiện đăng ký vay tiền. Sau đó, chúng giả vờ gọi điện là chuyển tiền nhầm tài khoản và xin lại số tiền. Nếu nạn nhân chuyển trả, sẽ mất toàn bộ số tiền đó và phải gánh một số nợ từ trên trời rơi xuống với mức lãi không hề rẻ. Sau đó, chúng sẽ cho người gọi điện để bắt nạn nhân thanh toán các khoản nợ này.
May mắn cho Tiểu Lưu khi cô nhanh chóng báo cảnh sát và đường dây lừa đảo này sau đó cũng đã bị phanh phui và bị cảnh sát tóm gọn.
Làm gì khi nhận tiền chuyển nhầm vào tài khoản để không “dính bẫy”
Có rất nhiều kịch bản được những kẻ lừa đảo sử dụng để “gài” những đối tượng nhẹ dạ cả tin vào bẫy. Nhiều người vốn đã cảnh giác với hình thức vay tiền online nhưng điều họ không ngờ lại là những “món nợ” này đôi khi lại đến từ lòng tốt của chính mình. Nếu chưa từng biết đến thông tin về các hình thức lừa đảo trên, nhiều người sẽ khó tránh khỏi bị mắc bẫy.
Do đó, cách tốt nhất là chúng ta luôn phải nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác, đồng thời nghiêm túc bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Khi nhận được tiền chuyển đến, hãy chắc chắn rằng bạn biết chính xác người gửi và nguồn gốc của số tiền đó. Nếu người gửi là một người hoàn toàn xa lạ với bạn, hãy giữ số tiền đó và lưu ý không sử dụng cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên cũng không nên vội vàng chuyển trả lại cho người liên hệ với bạn xin nhận lại tiền khi chưa xác minh.
Với số tiền lớn, hãy liên hệ với ngân hàng hoặc liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết.
Trong trường hợp bị lừa đảo, bạn nên nhớ bình tĩnh và giữ lại đầy đủ bằng chứng điện tử (chẳng hạn như bản ghi trò chuyện, tin nhắn văn bản, số tài khoản ngân hàng, ….) và báo ngay cho cảnh sát để được hướng dẫn xử lý.
Theo Sina