Phỏng vấn Mew Amazing
Nhắc đến Mew Amazing, công chúng ngay lập tức hình dung đến một nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc rất đặc biệt của làng nhạc Việt. Ngông nghênh, đanh đá, cá tính, thẳng thắn... dường như những cụm từ mang sắc thái "nóng" đều có thể gán cho anh chàng. Những năm qua, Mew Amazing biết đến với những sáng tác Thật Bất Ngờ và Sáng Mắt Chưa của Trúc Nhân, DIVA của Thu Minh,... cùng nhiều sản phẩm mang tính thể nghiệm từ ca từ cho đến dòng nhạc.
Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện khá thoải mái, Mew Amazing cũng không ngần ngại nói lên những suy nghĩ rất thẳng của anh về những "góc khuất" từ nền công nghiệp âm nhạc còn non trẻ của Việt Nam. Từ một người đặt thẩm mĩ nghệ thuật lên hàng đầu và cảm thấy tức giận với suy nghĩ "Cứ nhạc hay thì nghe thôi", Mew Amazing của 2021 điềm đạm hơn ít nhiều nhưng không vì thế mà "thiếu lửa".
Hơn 1 năm nay, cái tên Mew Amazing gần như vắng bóng hoàn toàn trên Vpop trong khi các nhạc sĩ khác vẫn hoạt động tương đối sôi nổi giữa dịch bệnh, công chúng nên hiểu sao đây?
Nói chung thì cứ… đổ thừa do tình hình chung trước đã. Bệnh dịch làm mọi người phải tạm xa nhau, giữ khoảng cách một thời gian trong khi đối với tôi việc sản xuất âm nhạc đòi hỏi mọi người cùng ngồi lại với nhau trong một căn phòng. Cũng gần 1 năm rồi tôi chưa làm việc trực tiếp với mọi người, mọi thứ chỉ diễn ra online, tiến độ cũng chậm lại. Tôi vẫn phải đang cố thích nghi.
Tất nhiên, không thể lấy điều đó để biện hộ cho việc ra mắt sản phẩm của mình được. Mỗi khi tôi thực hiện một bài hát, nó không đơn thuần là một bài hát mà phải để lại một giá trị nào đó thế nên nhiều khi làm xong nửa bài hay trọn vẹn một bài, tôi vẫn bỏ. Đó là một con dao hai lưỡi: tôi tự tin khi sản phẩm ra mắt sẽ có sức nặng, nhưng điều đó cũng sẽ ngốn quá nhiều thời gian khiến mình không tạo nên sức ảnh hưởng mới cho công chúng được.
Tôi rất may mắn: những “chất xám” và những điều đặt vào âm nhạc mang đậm đặc trưng của Mew Amazing tạm thời chưa có ai thay thế được. Rồi cứ thế, tôi lại… ỷ lại vào chính cái đặc biệt này và tự ưu ái cho bản thân thêm thời gian. Nhưng cũng minh oan cho bản thân một chút: lịch ra mắt các ca khúc còn tùy thuộc vào nghệ sĩ hợp tác.
Mew Amazing và Tóc Tiên dường như đang ấp ủ điều gì đó lớn lắm?
Chị Tóc Tiên đòi bài mỏi mòn từ năm ngoái đến năm nay làm ai cũng nghĩ tôi chưa làm xong sản phẩm nhưng thực chất mọi thứ đã xong được 90% rồi. Đây là dự án mà tôi được vinh dự góp mặt cùng anh Touliver và chị Tóc Tiên. Chị là một nghệ sĩ rất cầu toàn, cứ muốn thêm vào mà chẳng bớt đi: “Mình bỏ bài nào vào thêm trong album đi”, “Mình thêm tí xíu này vô bài xem”... Cái điều muốn “thêm vào” này làm cho tôi và chị cứ dừng ở con số 90% chứ thực ra cả một album đều đã hoàn thiện rồi, chỉ chờ ngày ra mắt mọi người thôi.
Album sắp tới của Tóc Tiên sẽ mang giá trị “timeless” (vượt thời gian), chỉ mang 5-10% tính trào lưu, còn lại sẽ nằm ngoài dòng chảy của thời đại. Chính chị Tiên và anh Touliver quyết định lấy những thứ cốt lõi của âm nhạc, những giá trị có trải qua hàng trăm năm vẫn không bị cũ làm xương sống cho cả dự án.
Album sẽ mới từ âm nhạc cho đến thông điệp nhưng sẽ không mới với những người bạn thân thiết của Tóc Tiên vì đơn giản đó là con người thật của chị ấy, và đến lúc được giới thiệu đến công chúng qua âm nhạc.
Nghệ sĩ ngày càng chú trọng vào album là tín hiệu đáng mừng cho nền âm nhạc Việt nói chung?
Album là tuyên ngôn âm nhạc lớn nhất của một nghệ sĩ. Ở ngoài kia thực ra chưa có nhiều người chủ động tìm đến album như ngày xưa đâu. Nói chung, nghệ sĩ cứ cố gắng làm album thôi, đừng nghĩ ngợi gì, có thể album đầu họ nghe được 5 trên 8 bài, sang album thứ hai nghe được 7 trên 8 bài cũng được rồi.
Một nghệ sĩ hoạt động lâu năm chưa ra được album thì đáng trách, nhưng ở đây là đáng trách theo kiểu “tình thương mến thương”, kiểu người trong nghề hỏi han nhau: “Ủa sao chưa ra album, ráng làm một cái đi nha”, “Ráng kiếm ekip làm một cái album đi nha” chứ không nên là kiểu trách móc của một khán giả dành cho nghệ sĩ. Họ có nhiều lí do để chưa ra mắt album, chưa chắc do nghệ sĩ thiếu sáng tạo. Làm album ở Việt Nam không dễ, bạn cần một ekip cứng trong khi “hạ tầng ekip" ở Việt Nam vẫn còn hạn chế so với số lượng nghệ sĩ muốn thực hiện điều này.
Không gây tranh cãi thì không phải là sáng tác của Mew Amazing?
Không hẳn là bài nào cũng gây tranh cãi lớn. Nhưng tôi mừng vì “được tranh cãi” do nội dung ca khúc chứ chẳng phải vì bài của tôi nghe giống nhạc của một ai đó.
Nói về sự tranh cãi, trong khi viết nhạc, tôi hay có kiểu đặt vấn đề: “Viết sao nghe sượng trân vậy?”, đó là kiểu ca từ mà khi nói thì không sao, nhưng khi áp vào giai điệu, lời hát thì nghe nó sai liền. Tôi hiểu cái khó của các nhạc sĩ Việt, khi khán giả nghe một ca khúc, họ mặc định ca từ phải trau chuốt, dù có giải trí thì cũng không được quá đà và “thô sơ” kiểu như: “Let’s party tonight. Put your hands up” của các ca khúc nước ngoài.
Có một sự thiên vị nhất định ở đây: khán giả khi nghe nhạc ngoại thì rất dễ dàng chấp nhận phần từ ngữ “ngô nghê”, dù có khi ở bản xứ, khán giả nước đó vẫn đang “cắn xé” lẫn nhau vì ca từ của chính bài đó. Và ngược lại: có khi những bài ca từ giản đơn ở Việt Nam lại thành hiện tượng ở nước ngoài. Đơn giản vì khán giả lúc này đón nhận ca khúc đơn thuần qua giai điệu. Rõ ràng, với một nền âm nhạc mà ta lớn lên cùng nó, chứng kiến từng dòng chảy thay đổi thì việc khó khăn hơn, đòi hỏi hơn là hiển nhiên.
Khán giả khi nghe nhạc ngoại thì rất dễ dàng chấp nhận phần từ ngữ “ngô nghê”, dù có khi ở bản xứ, khán giả nước đó vẫn đang “cắn xé” lẫn nhau vì ca từ của chính bài đó. Và ngược lại: có khi những bài ca từ giản đơn ở Việt Nam lại thành hiện tượng ở nước ngoài. Đơn giản vì khán giả lúc này đón nhận ca khúc đơn thuần qua giai điệu.
Mew Amazing
Điều này làm tôi rất phục các bạn Trung Quốc: dù những hình ảnh và ca từ hết sức bình thường nhưng cái tứ văn của họ làm tôi thực sự nể phục.
Vậy là các nhạc sĩ trẻ Việt Nam chưa sử dụng ngôn ngữ trong các sáng tác nhuần nhuyễn được như các đồng nghiệp ở đại lục?
Rõ ràng không ai có thể phủ nhận họ có một nền tảng văn hóa quá lớn, họ chỉ viết một câu nói bình thường nhưng nghe cũng “văn”. Chúng ta khó có thể chối từ sức ảnh hưởng của các ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Ngày xưa các bài nhạc Hoa lời Việt phải nói là hay khủng khiếp khiến tôi cực kì trân trọng.
Nói đâu xa, nhắc đến bài Thời Không Sai Lệch đang rất hot dạo gần đây, cái câu điệp khúc: “Anh níu lấy cơn gió đêm đã thổi qua em, vậy có tính là chúng ta đang ôm nhau không?”, văn nói hoàn toàn bình thường, chẳng có ước lệ gì cả, mà mình nghe cái “tứ” đó thì nổi da gà. Đó là cái hay ở nước bạn mà ta nên học tập.
Và bạn không hài lòng với cách mà họ đang dịch các ca khúc nhạc Hoa lời Việt dạo gần đây?
Tôi khẳng định mình vẫn chờ những phiên bản có sức nặng hơn về ca từ. Là một người chuyên để tâm đến ca từ, tôi thấy đặt lên bàn cân những ca khúc chuyển ngữ với bản gốc quả là một sự thiệt thòi cho bản gốc. Vốn dĩ tác phẩm gốc hay lẫn lời và giai điệu, về Việt Nam chỉ còn hay được giai điệu. Viết lời mới mà không hiệu quả được như bản gốc thì thôi hãy hát luôn bằng tiếng Trung chứ mang về Việt Nam mà không làm hiệu quả được như họ thì đừng làm.
Là một người chuyên để tâm đến ca từ, tôi thấy đặt lên bàn cân những ca khúc chuyển ngữ với bản gốc quả là một sự thiệt thòi cho bản gốc. Vốn dĩ tác phẩm gốc hay lẫn lời và giai điệu, về Việt Nam chỉ còn hay được giai điệu.
Mew Amazing
Các bạn mang sản phẩm nhạc Hoa về, viết lại lời mà cũng không xong rồi đem đi trình diễn với khán giả, sao âm nhạc với các bạn dễ dàng quá vậy? Đồng ý là khán giả vẫn sẽ đón nhận vì họ chỉ đơn thuần muốn giải trí, nhưng đã làm nghề thì các bạn phải có tâm từ lúc đặt bút viết lại lời, có tâm với tác giả gốc. Tác giả gốc đã đặt biết bao nhiêu tâm tư tình cảm vào bài hát, bạn mang về thì lại hời hợt trong cách viết, kể một câu chuyện nghe trôi tuột,... làm vậy là không tôn trọng tác giả.
Nói riêng về Thời Không Sai Lệch đi, tôi có nghe một phiên bản chuyển thể với nội dung khá giống bản gốc nhưng lại không hiệu quả. Không phải cái gì mang về Việt Nam, viết lại lời tương đối giống là nó sẽ nghe hợp lý đâu. Mang cả câu chuyện của Trung áp vào lời Việt, trên melody của Trung thì không vô, nghe sượng cả về dấu lẫn câu chuyện. Anh có thể kể một câu chuyện khác, nhưng phải thể hiện được tinh thần bao hàm mà sản phẩm gốc hướng tới: kể một câu chuyện bằng tiếng Việt nhưng cái tứ vẫn phải thể hiện rõ được tinh thần của bài hát gốc.
Nhưng rồi cũng có rất nhiều các ca sĩ dường như chỉ biết “bám” vào các bản cover nhạc Hoa lời Việt, hay nói rộng hơn là chỉ biết cover, còn sản phẩm gốc thì chả nghe tăm hơi đâu?
Một người nghệ sĩ chỉ được biết đến qua các bản cover thì cũng bình thường thôi. Thành công đôi khi hên xui, may mắn và do thời cuộc, mình không nói trước được. Đôi khi khán giả chê trách một người chỉ biết cover nhưng cũng không biết họ đã phải trải qua bế tắc gì khiến họ chưa thể sáng tạo. Tôi cũng có giai đoạn chả viết được một chữ nào, chỉ biết làm nhạc quảng cáo.
Một người nghệ sĩ chỉ được biết đến qua các bản cover thì cũng bình thường thôi. Thành công đôi khi hên xui, may mắn và do thời cuộc, mình không nói trước được.
Mew Amazing
Nhưng nếu sau 3 năm, 5 năm, người nghệ sĩ đó vẫn chỉ được biết đến qua các bản cover thì tôi sẽ ghé tai nói nhỏ để họ quán chiếu bản thân mình. Cover thì cũng tốt thôi, lan tỏa sản phẩm đến cho nhiều khán giả hơn nhưng đã tự xem mình là nghệ sĩ thì phải cho khán giả biết được tiếng nói của anh ở đâu, âm nhạc của anh ở đâu.
Nếu như toàn bộ các BXH chỉ toàn thấy những bản cover nhạc Hoa lời Việt chẳng hạn, thì có 2 trường hợp: thị trường đang không có gì hấp dẫn hơn và nghệ sĩ chưa làm ra được sản phẩm hấp dẫn hơn. Khán giả chỉ nghe những gì mà bạn hát cho họ nghe, nếu họ cảm thấy thích thì sẽ tìm đến bạn, không thì thôi, không đổ thừa được cho khán giả. Cứ phải tự trách bản thân vì sản phẩm chưa đủ hấp dẫn trước đã.
Rồi cũng có 10 nghìn khán giả chen chân nhau lên Đà Lạt để xem Hà Anh Tuấn hát, dù đến 70% là các ca khúc cover?
Ngày xưa, tôi thừa nhận mình rất quan trọng thẩm mỹ âm nhạc, tôi từng tin rằng thẩm mỹ thì chỉ có một, là độc tôn và duy nhất. Nghệ sĩ phải chạm được ngưỡng thẩm mỹ này thì mới ổn. Ngày xưa tôi cũng không thích kiểu người trên mạng hay nói: “Quan tâm làm gì, nhạc hay thì nghe”, thậm chí nghe mà giận lắm. Nhưng hiện tại tôi nhìn mọi thứ bao quát hơn.
Có những thứ âm nhạc mà thẩm mỹ không chỉ nằm ở phần âm nhạc, mà còn nằm ở concept tổng thể, ở cái cảm giác khi họ nghe tác phẩm đó. Người ta tới nghe show của Hà Anh Tuấn, đa phần là các ca khúc cover, nhiều bài chưa đạt mức độ thẩm mỹ như mình mong muốn, nhưng cái mà khán giả cảm nhận là bầu không khí xung quanh, là cái lạnh của Đà Lạt, là cái cảm giác mà Đà Lạt mang lại cho họ trên nền nhạc Hà Anh Tuấn.
Tôi tin ekip Hà Anh Tuấn ý thức rõ được điều này: tôi không bán cho bạn một bài hát riêng lẻ, tôi bán cho khán giả cảm giác sống: cái “lifestyle” mà bạn đi làm 5 ngày trong tuần chỉ để chờ có 2 ngày cuối tuần để được sống trọn vẹn với nhạc của tôi.
Có những nghệ sĩ lớn đi hát lâu năm dường như đạt tới “cảnh giới” hát gì, làm gì cũng được tâng bốc. Cùng là bài ấy mà để người khác hát có khi lại bị chê ấy chứ?
Có những fandom mà tôi cảm thấy họ trung thành khủng khiếp đến mức họ cho rằng nghệ sĩ làm gì thì cũng luôn đúng. Trời ơi, họ hài lòng, họ vui vẻ, họ hoan hỉ với mọi thứ.
Tôi sẽ không phán xét cái nào đúng, cái nào sai. Có những người nghệ sĩ sống mãi trong hào quang, của cái ấn tượng ban đầu mình mang đến cho khán giả và mãi sau này vẫn là một mẫu số chung như thế. Ngày xưa em yêu chị ra sao, giờ đây em yêu chị vẫn ngần ấy! Không sai. Không sai một chút nào luôn mọi người ơi.
Câu chuyện ở đây lại quay về chính người nghệ sĩ ấy: người nghệ sĩ có trăn trở với âm nhạc của mình không? Có cảm thấy mình cũ kĩ không khi cứ chỉ đi theo đúng một cách hát, một màu sắc? Nếu câu trả lời là không thì quá tốt, cứ giữ thế đến suốt cuộc đời làm âm nhạc. Người ta rồi sẽ vẫn dựng tượng đài, vẫn tung hô, vẫn 5-10 nghìn người fanchant theo, không sao cả.
Điều này tôi thấy fandom của chị Đông Nhi rất hay. Từng có một thời gian, chính họ đặt vấn đề: “Sao chị cứ hát mãi một loại nhạc vậy?”. Họ yêu người nghệ sĩ và gắn bó đến mức khi họ thấy nghệ sĩ cần sự đổi mới, họ sẽ lên tiếng.
Trong một story gần đây, Mew Amazing khẳng định giờ đây không thể đánh giá một nghệ sĩ chỉ bằng giọng hát nữa, mà phải đặt vào một tổng thể. Cụ thể thì?
Chúng ta đang có một cuộc “ẩu đả” giữa hai luồng tư tưởng “trước” và “sau” xoay quanh thói quen nghe nhạc và thói quen đánh giá âm nhạc. Tôi không nói “cũ” và “mới” vì cứ nghe “cũ” thì người ta mặc định là lạc hậu còn “mới” thì tốt hơn, mà nhấn mạnh là “trước” và “sau”.
Trước đây, toàn bộ khâu hòa âm phối khí là phần nền để tôn lên giọng hát. Nhưng giờ đây thì khác rồi, tôi nói thật, đặt trường hợp là một người làm ở một khu chế xuất hay một người làm ở một khu lao động một ngày 8 tiếng 10 tiếng, hoặc ngay cả một nhân viên văn phòng, nói thật tối lúc về nhà họ có muốn mở nhạc kiểu opera lên họ nghe không?
Cho nên là hãy cho tôi những sản phẩm dễ chịu hơn. Hãy cho tôi nghe sản phẩm mà cái sự phô trương về vocal không còn là cái chính yếu nữa. Tôi không muốn ở trong cái không gian mà chỉ có một vocal mới là thứ chính yếu trong bài hát. Hãy đặt tôi vào cái không gian mà tôi nghe được tiếng bass, tiếng piano chạy, tôi muốn nghe được tiếng người hát thủ thỉ, nghe âm nhạc giống như một người bạn nằm kế bên tôi nói chuyện với tôi thôi.
Mew Amazing là một nhạc sĩ từng rất thẳng thắn về vấn đề bản quyền. Hẳn dạo gần đây anh cũng biết đến câu chuyện đáng tiếc giữa Văn Mai Hương với fan Lady Gaga xoay quanh vấn đề cover 1 ca khúc?
Tôi nghĩ việc fan Gaga phản ứng như thế có thể xem là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng Hương cũng như là những người nghệ sĩ sắp tới nếu có cover thì mình đừng quá hồn nhiên về những thứ mình sẽ hát.
Ở trong nghề viết nhạc thì tôi cũng đã từng cắm cờ rất nhiều người khi họ hát những ca khúc của mình và hồn nhiên: “Hát cho vui”. Hãy chấp nhận rằng ở một thời đại mà tất cả mọi thứ đều có bản quyền, việc sở hữu trí tuệ của một tác giả dành cho một tác phẩm âm nhạc rất quan trọng thì không có cái gọi là “cho vui”. Nếu anh hát cho vui thì đừng lấy tiền, hoặc là anh chỉ hát chay khoảng 5s, 10s cho khán giả vui vẻ rồi thôi.
Hương thì cũng thiệt thòi, tôi nghĩ do Hương đã hát bài đó quá tốt, xuất thần, làm cho mọi nơi đều yêu quý và đều muốn nghe hát thêm nữa, ngay cả tôi cũng không tránh khỏi cám dỗ đó. Rồi việc này sẽ thành con dao 2 lưỡi, sau này người ta rồi cũng chỉ nhớ việc bạn đã cover và gặp ồn ào, che mờ đi những cố gắng mà bạn đã làm cho những tác phẩm gốc.
Đôi khi nó sẽ hơi cực đoan, nhưng tôi cảm thấy khác so với 5-6 năm trước, lứa khán giả Gen Z đã có ý thức về câu chuyện: cái bài này từ đâu, hát bởi ai, sản phẩm này được tạo ra từ đâu, anh hát anh có xin phép chưa, anh hát anh có mua bản quyền biểu diễn chưa? Người trong nghề không nói với nhau được, sợ đụng chạm, mất lòng nhau, sợ đàm tiếu và đủ thứ chuyện tự suy diễn. Phải để khán giả nói thì mới “tỉnh”.
Cũng xoay quanh câu chuyện bản quyền, thì việc Nathan Lee dùng tiền “mua đứt” các bản hit của Cao Thái Sơn do các nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Khắc Việt,... sáng tác thì đúng về lí nhưng về tình cảm thì hơi khó chấp nhận?
Thế thì lần tới khi bắt đầu làm việc, cứ làm một cái hợp đồng “sứt mẻ tình cảm” trước nhé? Khi đã ngồi vào bàn làm việc, thảo ra giấy tờ với nhau trong căn phòng đó, thì tình cảm nên để ngoài cửa. Nói chuyện xong mình bước ra ngoài tình cảm nó lại ùa về, mình lại là anh em.
Có những người bạn tôi không còn thân thiết nữa nhưng ngồi với nhau ở bàn làm việc thì tình cảm đặt ở ngoài liền: không hỉ nộ ái ố, tôi và anh là 2 đối tác. Dĩ nhiên, trong một cuộc thương thảo mà có trước tình cảm với đối phương thì chắc có thêm được 5-10% ưu ái. Nhưng để mà tình cảm lấn vào sâu hơn kiểu: “Tao cho mày bài này luôn đó, lấy đi” thì không, rất nguy hiểm. Thứ cuối cùng nằm trên bàn đó là hợp đồng, là giấy tờ, là văn bản đóng mộc chứ không phải là những lời nói nói ra lúc chúng ta say xỉn, lúc chúng ta cao hứng tình anh em. Lời nói thì gió bay, con chữ thì còn mãi.
Mọi người hay nói rất tiêu cực rằng trong showbiz làm gì có tình bạn. Tôi tự hỏi: rồi thì sao, có ảnh hưởng gì không? Có tình bạn thì tốt, có tình bạn thì tôi với anh thu âm xong đi nhậu, không có tình bạn thì tôi với anh thu xong ai về nhà nấy. Mọi người đang bị tâng bốc quá về cái tình bạn, tình cảm anh em với nhau để rồi quên mất rằng thật ra đến tận cùng của vấn đề, chúng ta vẫn chỉ đang làm kinh doanh với nhau mà thôi.
Từ những case study vừa rồi về bản quyền mà chúng ta đã trải qua, tôi hi vọng trong tương lai cả ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất đều sẽ có những công ty đại diện giúp họ thương thảo và trao đổi pháp lý về sản phẩm âm nhạc một cách rõ ràng. Ở quốc tế, ca sĩ thì có hãng đĩa, nhạc sĩ thì có nhà phát hành, hai bên sẽ làm việc với nhau để tránh những xung đột lợi ích và những tình cảm cá nhân có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình thương thảo. Dù biết mọi người (và kể cả tôi) luôn thích “hóng drama" nhưng vẫn mong rằng khi có những công ty đại diện rồi, sẽ không còn ai phải “trao đổi công việc mua bán" qua Facebook hay tin nhắn nữa.
Giả sử ngay tuần sau, có một người ghét Trúc Nhân và họ chi một số tiền lớn, đề nghị mua bài Sáng Mắt Chưa, Thật Bất Ngờ từ Mew Amazing, lúc đó bạn sẽ xử lí như thế nào?
Câu trả lời phụ thuộc vào mối quan hệ lúc đó giữa Mew Amazing và Trúc Nhân, về cả lý lẫn tình. Có thể vào thời điểm đó, Nhân chẳng màng tới việc tôi bán cho ai đâu. Thêm vào đó, còn phải xét nhu cầu riêng lúc đó của tôi có đang cần tiền không rồi mình mới tính chứ!
Nếu đầu tuần sau có người mua thì tôi không bán Sáng Mắt Chưa bởi vì Trúc Nhân chưa hết hợp đồng với bài này. Còn lại thì tôi bán, nếu họ đủ khả năng tài chính. Tại sao mình không trao cơ hội cho một người khác thể hiện bài hát đó? Tại sao cứ giữ bài hát đó cho mỗi một người hát?
Tôi nghĩ nếu chuyện “éo le” trên xảy ra, Nhân sẽ tồn tại 2 cảm xúc: giận và không giận. Về lý thì không có cách nào để giận, còn về tình thì có. Có thể chúng tôi sẽ không còn tình anh em nữa, nhưng vẫn còn là đồng nghiệp. Như tôi nói rồi, showbiz không có tình bạn cũng chẳng sao!
2021 Mew Amazing cũng sẽ không ra mắt ca khúc nào luôn à?
Đây cũng là câu trả lời cho việc vì sao 2 năm 2020 - 2021 tôi không ra sản phẩm. Thời gian qua cũng đã đủ để tôi suy tính tới việc quay lại trở thành một người đi hát. Tôi không tự gọi mình là ca sĩ nhưng với tư cách một người hát các sáng tác của chính mình thì đã 7 năm rồi tôi chưa ra mắt bài nào cả, kể từ Ừ Thì vào năm 2014. Và đây chính là lúc.
Cảm ơn Mew Amazing vì cuộc nói chuyện nhiều lí thú, chúc bạn thành công với những sản phẩm trong tương lai.