Phỏng vấn Nguyên Hà
Nhắc đến Nguyên Hà, trong lòng khán giả liền nghĩ đến những cảm xúc bình yên nhất sau những ngày chộn rộn: Là những giai điệu nhẹ nhàng, là một bầu không khí âm nhạc mơ màng, của những câu chuyện tình yêu miên man trong những ngày tháng cũ. Âm nhạc của Nguyên Hà vỗ về và ôm ấp, như lời thủ thỉ bên tai chính người nghe bằng chất giọng đầy tự sự.
Không phải là một cái tên mới của làng nhạc Việt, Nguyên Hà vẫn ở trong một góc khiêm nhường nhìn ra mọi sự, không cần sự tung hô và phô trương, khán giả đến với cô hoàn toàn vì âm nhạc, và ở lại cũng hoàn toàn vì âm nhạc.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô sau khi ra mắt sản phẩm âm nhạc gần nhất - Cuối Tuần - kết hợp cùng Minh Min. Liệu Nguyên Hà “nàng thơ” trong mắt mọi người có giữ mãi danh xưng ấy? Liệu sau những bản tình ca nối tiếp nhau là một tâm hồn ra sao? Và Nguyên Hà nhìn nhận thế nào về một thị trường nhạc Việt nhiều biến động như hiện tại?
Nguyên Hà có phải là một người khắt khe khi chọn nhạc sĩ hợp tác cùng?
Tôi rất khắt khe khi chọn lựa một bài hát để ra mắt khán giả vì điều này ảnh hưởng đến hình ảnh của mình. Tôi thường sẽ chọn một hình ảnh phù hợp với mình và bản thân khi cất giọng hát, mình thấy thoải mái nhất.
Tôi cảm thấy mình hợp với những khúc nhạc nhẹ nhàng, luôn ở cạnh bên khán giả khi họ cần tìm một điều gì đó nhẹ nhàng bình yên. Ừ thì, khán giả ưu ái và hay nói rằng hình ảnh Nguyên Hà như một nàng thơ vậy.
Mãi là một “nàng thơ”? Tức là Nguyên Hà đồng ý “đóng khung” mình với hình tượng này rồi?
Hình tượng “nàng thơ” thực sự phản ánh bản chất giọng hát của mình. Hãy cứ là chính mình khi hát vì nếu mình gồng quá hay cố làm một phiên bản khác, đến một lúc nào đó, bản chất thật sẽ lộ ra thôi. Tất cả những gì tôi thể hiện đều là bản chất thật của Nguyên Hà. Tôi cũng đã nghĩ về dòng nhạc tươi mới, tích cực hơn nhưng phải phù hợp với mình đã. Tôi không sợ chuyện “đóng khung”. Mỗi người ca sĩ đều có thế mạnh riêng và chẳng thể suốt ngày theo trend được.
Nguyên Hà bắt đầu làm một “nàng thơ” từ khi nào?
Nguyên Hà bắt đầu đi hát từ năm thứ 2, khi còn là một cô SV trường ĐH Kiến trúc TP.HCM (năm 2007). Tôi xem ca hát khi ấy là công việc part-time, kiếm thêm thu nhập cho mình mỗi cuối tuần ở những quán cafe acoustic. Càng hát, càng mê và càng gắn bó. Có những tuần, ngày nào cũng thấy Nguyên Hà hát ở đâu đó. Trong thời gian ấy, vô tình có một người bạn đã thu âm lại và gửi cho nhạc sĩ Quốc Bảo, và hai anh em gặp nhau và hòa hợp về mặt âm nhạc. Đó là năm 2010, sau khi gặp Quốc Bảo, lần đầu tiên tôi biết thế nào là những sản phẩm của riêng mình, lần đầu biết hát ở phòng trà là như thế nào.
Tôi và Quốc Bảo thu với nhau 3 album Địa Đàng 1, 2, 3 khi đang là sinh viên năm thứ 4 - 5. Tôi nghĩ mình đã có một lượng khán giả riêng khi hát nhạc Quốc Bảo từ độ đó đến bây giờ. Đến tận lúc này, khi đi hát phòng trà, mọi người vẫn thường yêu cầu Nguyên Hà hát những bài từ thuở sinh viên.
Nguyên Hà chọn các cafe acoustic và phòng trà làm nơi khởi đầu cho sự nghiệp ca hát của mình mà không phải là môi trường chính quy hơn - Nhạc viện chẳng hạn?
Nghề ca hát khó để bắt đầu, ngoài kia còn rất nhiều người ôm mộng ca sĩ nhưng ít người tự tin bỏ những cái ổn định để đi theo cái “nghiệp” này mà không biết tương lai sẽ ra sao. Ban đầu, tôi làm nghề Kiến trúc vì sự ổn định của nó và cũng từng rất vui với nghề khi có thể phát huy trí tưởng tượng của mình. Nhưng rồi sau đó tôi biết ca hát đã chọn mình, đó là một cái duyên không dứt ra được. Dần dà, tôi quyết định từ bỏ con đường cũ, chuyển sang con đường chuyên nghiệp.
Đâu là mốc thời gian mà Nguyên Hà nghĩ “ca hát đã chọn mình”?
Vào năm 2018 - 2019, khi bộ phim Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè ra mắt với ca khúc nhạc phim do tôi thể hiện rất được yêu mến. Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè quy tụ những người bạn của tôi - Chung Chí Công, Phạm Hải Âu, Hồ Tiến Đạt và tôi muốn góp chút sức để giúp đỡ bạn mình trong bộ phim. Từ đó, tôi đi hát nhiều hơn và cuối năm 2019, tôi gia nhập một công ty giải trí. Ở đó 2 năm, Nguyên Hà đã có album Hôm Qua, Hôm Nay Và Sau Này.
Người ta dường như nhớ đến giọng hát của Nguyên Hà nhiều hơn là khuôn mặt của bạn?
Tôi rất hiểu câu chuyện đó. Có những bạn ở ngoài đời khi gặp, họ bảo nghe nhạc mình nhiều nhưng không biết mặt mãi cho đến khi giới thiệu mới biết. Lúc đó cảm xúc lẫn lộn lắm chứ nhưng từ đó tôi quyết tâm phải chuyên nghiệp hơn với sự nghiệp ca hát của mình.
Rồi mãi đến gần đây, tôi mới “dám” lập một group fan trên Facebook để giao lưu mà không ngờ lại được các bạn hưởng ứng đến vậy. Giống như lần đầu tiên tôi đi hát ở Hà Nội: Cùng một cảm giác rất run và sợ rằng mình không có nhiều khán giả mến mộ, các bạn đến không đông và nhiều cảm giác vu vơ khác.
Tuổi thì dần dần đi xuống nhưng âm nhạc Nguyên Hà ngày càng trẻ trung lên. Dạo gần đây, tôi cảm nhận ngày càng có nhiều bạn trẻ nghe nhạc của mình, có lẽ do âm nhạc Nguyên Hà mỗi lúc một gần gũi hơn.
Đà Lạt và nhạc Nguyên Hà dường như là “combo” có thể chinh phục bất kỳ ai?
Chính bản thân Đà Lạt là một nơi khiến mọi người dễ có cảm xúc hơn. Buồn sẽ buồn nhiều hơn mà vui cũng vui nhiều hơn. Mỗi lần lên Đà Lạt, mọi người sẽ đi với người mình yêu hoặc đơn thuần tìm đến một nơi bình yên. Lúc đó, thời tiết đẩy cảm xúc lên, mọi người lại muốn tìm đến âm nhạc.
Có những ca khúc thực hợp để ca ở nơi đây: Phố Mùa Đông, Chuyện Của Mùa Đông… Ở Đà Lạt, tôi được hát ngoài trời, bản thân cảm nhận được cái lạnh, cả gió, cả mưa và cả hoàng hôn. Khi trình diễn, mình hòa cùng thiên nhiên và khán giả bên dưới. Khác với phòng trà ở Sài Gòn: Kín đáo và ấm cúng hơn.
Nguyên Hà xuất thân từ một ca sĩ hát phòng trà và acoustic bật lên trở thành một cái tên được nhiều người mến mộ. Có nhiều ca sĩ hát phòng trà rất hay nhưng mãi không thoát ra khỏi ranh giới của phòng trà,... điểm khác nhau giữa bạn và họ là?
Một ca sĩ muốn nổi tiếng hay không phụ thuộc nhiều vào may mắn và sự nỗ lực, nhưng trước mắt, hãy theo đuổi đam mê và làm những điều mình yêu để sau này không phải hối hận. Nhưng rồi, “đam mê” cũng phải đi với “thực tế”. Nếu như bạn có đam mê mà bỏ bê những thứ khác để nó dở dang thì tôi không ủng hộ.
Muốn bứt phá thì một phần cũng nhờ may mắn. Trước khi gặp nhạc sĩ Quốc Bảo, tôi vẫn chưa biết cá tính của mình là như thế nào, cũng không biết mình nên hát dòng nhạc nào, mơ hồ lắm. Hồi đầu đi hát, tôi cũng chỉ hát những bài hát khán giả hay chủ phòng trà yêu cầu chứ trong đầu chưa định được hình mình muốn gì cho đến khi gặp anh Quốc Bảo.
Hát ở phòng trà liệu có đúng là khó hơn khi hát ở sân khấu lớn?
Ở phòng trà, mình phải hát rất nhiều, có thể hơn 20 bài. Điều này đòi hỏi ca sĩ phải có nội lực và biết cách giao lưu trò chuyện với khán giả.
Hát sân khấu lớn thì tôi cũng thích thôi nhưng không gian phòng trà vẫn phù hợp với bản thân nhất, tôi thấy sự thân thuộc ở phòng trà. Hát ở phòng trà thì sẽ được khán giả của riêng mình đến nghe, những người chịu mua vé và dành 2 tiếng đồng hồ ngồi nghe mình hát. Họ là khán giả của mình, nên mình hát bài gì họ cũng thích cả.
Hát ở phòng trà hẳn không ít lần phải cover ca khúc của người khác, dạo gần đây vấn đề cover lẫn bản quyền khi cover lại bị lên án không ít bởi những người trong nghề, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi nghĩ các bạn vẫn nên cover, bản thân tôi nhận được rất nhiều lời nhắn xin được cover và tôi chẳng có gì phải từ chối. Âm nhạc là sáng tạo và phát triển. Mọi người có thể thỏa sức phát triển âm nhạc và không thể giới hạn.
Nguyên Hà cũng khó để nói vì không đứng trên vị trí của một tác giả. Một người nhạc sĩ cũng mất nhiều công sức để làm nên một bài hát, đó là chất xám của họ. Nếu như mình dùng bài hát đó cho mục đích kiếm tiền thì mình phải trả chi phí cho nhạc sĩ, đó mới là điều đúng. Nhưng nếu bạn là sinh viên, bạn chỉ cover cho vui thôi thì Hà nghĩ điều đó thoải mái.
Trước đây khi Hà cover thì Hà cũng xin phép trước hoặc liên hệ Cục tác quyền. Ngày xưa khi mình còn là sinh viên cũng không để ý đến mấy vấn đề bản quyền, nhưng khi mình lớn hơn, mình làm việc nhiều hơn, mình có kênh YouTube và cũng có làm việc với những nhạc sĩ thì mình hiểu được nỗi niềm của những người sáng tác bài hát. Mình biết mình phải trân trọng hơn và mình phải làm gì.
Hiện nay có 2 luồng ý kiến là nghệ sĩ là phải hát hay hát tốt, còn lại thì cho rằng quan trọng nhất là tư duy và giọng hát chỉ là một phần để bổ trợ, Nguyên Hà sẽ theo hướng nào?
Nghệ sĩ có nhiều loại, có nghệ sĩ giải trí và có ca sĩ. Mà ca sĩ thì tất nhiên, bắt buộc phải hát hay. Còn nghệ sĩ giải trí thì có thể dùng những ưu điểm khác như ngoại hình và vũ đạo. Miễn sao họ mang đến cho người xem niềm vui là được.
Với những chia sẻ khá nhẹ nhàng trên, Nguyên Hà có nhận thấy mình là một góc rất riêng và xa khỏi dòng chảy của Vpop?
Tôi vẫn thường nghe nhạc của Uyên Linh, Lân Nhã, Văn Mai Hương và Nguyên Thảo. Tôi không cố để nghe những bài hát mới đang trending mà rất ngẫu hứng, bật lên hay thì nghe, không thì bấm “next”.
Dạo gần đây khá thích những bài như Giữa Đại Lộ Đông Tây của Uyên Linh hay Sài Gòn Đau Lòng Quá, Sài Gòn Hôm Nay Mưa, những bài hát mình thấy rất dễ thương của Hoàng Duyên. Tôi gặp Hoàng Duyên từ trước khi em debut và thấy cả một tương lai chờ ở phía trước.
Nguyên Hà có tự tin đánh giá cao giọng hát của mình?
Trên thang điểm 10 Nguyên Hà nghĩ mình cũng được 8. Hai điểm còn lại mình sẽ dành cho khán giả. Thực tế thì, Hà cũng có những khán giả không thích giọng hát của mình. Nguyên Hà nghĩ mình sẽ dành 2 điểm cho những khán giả đó.
Nhưng bình luận chê vẫn có. Họ sẽ thường chê tôi hát chán hoặc nghe buồn ngủ. Tôi tôn trọng sở thích của họ vì đã có khán giả riêng nên cũng không thể ôm đồm để tất cả mọi người phải thích mình được. Tôi tự tin dù có chuyện gì thì bản thân vẫn có đối tượng khán giả riêng.
Hôm nọ, tôi có làm một bảng tổng hợp trên Spotify thì bản thân cũng khá bất ngờ khi thấy số lượng nam nghe nhạc Nguyên Hà nhiều hơn các bạn nữ. Độ tuổi của khán giả nghe nhạc Nguyên Hà sẽ từ 18-35.
Là một người dường như không vướng vào bất kì thị phi nào của Vpop, bạn nhìn vào có thấy sợ hãi với quá nhiều những ồn ào xảy đến với nghệ sĩ Việt vừa qua?
Vì mình không phải là người trong cuộc nên mình không hiểu được, đúng sai ra sao chỉ người trong cuộc mới hiểu. Tôi tin vào lương tâm. Những người làm điều đúng và không làm những chuyện sai trái họ vẫn sẽ sống tốt và hạnh phúc.
Tôi nghĩ mọi thứ xảy ra chính là mặt trái của nghề nghệ sĩ. Họ càng nổi tiếng và được nhiều người biết đến, họ lại càng có thu nhập tốt hơn. Nhưng khi vướng phải những lùm xùm nào đó không tốt thì họ lại càng phải hứng chịu những điều tiếng nhiều hơn những người khác. Tôi nghĩ đó là cái nghệ sĩ phải chấp nhận, vì đó là cái nghề của mình, mình phải chấp nhận những cái tốt và cả điều xấu.
Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện này!