Nhẹ nhàng đưa người xem chìm vào một thời quá khứ đã xa, bộ phim đầu tay của đạo diễn Ash Mayfair - The Third Wife (Người Vợ Ba) - đã mang lại sự gần gũi trong việc tái hiện lại bối cảnh làng quê Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ thứ 19.
Sử dụng tông màu xanh tre lấp lánh mờ ảo dưới đôi mắt nghệ thuật của D.O.P Chananun Chotrungroj, bộ phim đem lại một cảm giác làng quê chân thực cho đến từng chi tiết nhỏ nhưng cũng đầy mới mẻ và hiện đại khó tả nhờ vào việc tập trung khai thác sự đồng cảm với những nỗi niềm của cô dâu trẻ Mây (Nguyễn Phương Trà My).
Trailer chính thức Người Vợ Ba
Là bộ phim đã chiến thắng tại cả giải thưởng San Sebastian và Liên hoan phim Toronto, điều khiến The Third Wife đặc biệt không đến từ sự thiếu kinh nghiệm mà lại là sự cân bằng giữa đồng cảm và giới hạn cần được đặt ra mà phần lớn các nhà làm phim phải mất cả thập kỷ để có thể đạt được.
Nguyễn Phương Trà My trong vai Mây, nữ chính
Cô bé Mây, còn non nớt như giọt sương trên lá, bắt đầu cuộc sống mới của mình trên chiếc thuyền đám cưới về với gia đình mới, trong đó có cả hai bà vợ của người chồng địa chủ mình sắp cưới, ngồi trước mặt cô đầy vẻ uy hiếp. Giống như phần lớn các cảnh của bộ phim chậm rãi theo chủ nghĩa ấn tượng này, cảnh phim Mây ngồi trên thuyền về nhà chồng không hề có một câu thoại. Rất nhiều cảm xúc của phim được truyền tải qua những cái nhìn và ánh mắt, hòa trong tiếng nhạc phim nỉ non mà thanh khiết của Tôn Thất An và tiếng thở mạnh, ngắn, hối hả được lồng ghép bởi Eduoard Morin.
Mây nhanh chóng bị trói buộc vào bổn phận của một người vợ, nhưng kịch bản của đạo diễn Mayfair cũng đủ cẩn thận để không làm quá những tình tiết trong đêm tân hôn của cô gái trẻ. Bộ phim đi sâu vào sự trong sáng và những tò mò non nớt của Mây hơn là những nghi thức "sinh con trai" khi chồng cô (Hùng – thủ vai bởi Lê Vũ Long) nuốt trứng sống từ rốn vợ và rồi hành sự đầy cục súc trên người cô trong vài phút, hay cảnh chiếc nệm thấm máu vào ngày hôm sau. Thay vào đó, kịch bản của The Third Wife muốn nhấn mạnh vào nhịp sống thường ngày của cô vợ trẻ với những công việc một mình, đơn côi: chơi với lũ trẻ nhỏ, mang bát đĩa, đi lấy nước và chăm sóc cho người bố chồng đã già.
Trà My và Lâm Thanh Mỹ
Quan trọng hơn hết, chính là mối quan hệ của Mây với hai người vợ trước của Hùng. Chúng ta có Hà (thủ vai bởi Trần Nữ Yên Khê) đầy cảnh giác mà cũng luôn tao nhã, rồi có Xuân (thủ vai bởi Maya) đầy khơi gợi, người mà về sau Mây phát hiện đang có một mối tình bí mật với Sơn (Nguyễn Thanh Tâm) – con trai của Hùng và Hà. Cũng thật khó để nói khi nào sự rung động trong tình dục của Mây sẽ xuất hiện, nhưng nó không thực sự liên quan tới chồng cô – cũng giống như bộ phim The Third Wife luôn luôn muốn xoay sự chú ý của người xem đến những người đàn bà hơn là đàn ông.
Cho dù là một người ngây thơ, Mây cũng nhanh chóng nhận ra quy luật xếp hạng những người vợ ở cái nhà này: khi cô mang thai, việc sinh cho Hùng một đứa con trai sẽ giúp cô khẳng định vị thế trong gia đình. Và như vậy, khi cô gái non dại chạm đến độ tuổi của những hoan lạc, Mây cũng biết rằng phụ nữ không chỉ phải nhân nhượng, hòa hảo với nhau trong nhà mà còn phải tham gia một cuộc đua sinh lý và tình dục với nhau – một sự thật được chỉ ra bởi sự xuất hiện của người vợ trẻ mới cho Sơn nhưng bị anh chối từ. Đó là một bài học dần lộ diện qua sự thể hiện mê hoặc của Nguyễn Phương Trà My, qua những ánh nhìn nhỏ nhất dần chắc lại của Mây.
Câu chuyện của The Third Wife không phải là một thứ mà chúng ta sẽ coi là thanh tú, nhưng mọi cử động của bộ phim đều lộng lẫy và tráng lệ đến mức trải nghiệm xem phim dường như là một sự nuông chiều quá xa xỉ về vòng xoay thường ngày của sinh và tử, của sinh đẻ và giết chóc nhiều hơn là nói về một thông điệp rõ ràng nào đó.
Thế nhưng mặc cho sự trầm mặc bề ngoài của phim, vẫn có những điều gì đó chảy sâu và mạnh mẽ trong cốt lõi. Trong Mây và trong Hà, Xuân, vẫn còn đó những người phụ nữ hay các cô gái trẻ trong quá khứ đã từng bị bỏ rơi, bạc đãi, buộc phải đấu đá lẫn nhau, phải trải qua những tổn thương mạnh mẽ trong tinh thần và chịu đựng các chuẩn mực về vẻ ngoài có thể hủy hoại bản thân họ, như những con tằm bị đun sống ở trong kén.
Với The Third Wife, đạo diễn tài năng Mayfair đã nhặt lấy những sợi đời bị lịch sử bỏ quên ấy và dệt chúng thành một bộ phim mà bản thân người xem còn có thể đánh mất cả chính mình trong những thước hình, và rồi cũng thật đến mức ta thấy được cả bản thân mình trong đó.
Phim hiện chưa có lịch phát hành tại Việt Nam.
(Nguồn: Variety)