Người nước ngoài cũng chia làm hai phe khi ăn phở: Tranh cãi gay gắt nhưng kiểu nào mới là đúng chuẩn?

Gia Hiển, Theo Trí Thức Trẻ 10:06 27/05/2020

Có nhiều yếu tố để chia thế giới thành hai kiểu người khi ăn phở, một trong số đó là cách húp nước dùng.

Không chỉ là món nổi tiếng của Việt Nam, phở đã trở thành món ăn quen thuộc trên toàn thế giới, được nhiều người nước ngoài ưa thích. Sự ưa thích đó không chỉ đơn thuần là biết tên, biết vị, thi thoảng có dịp đặc biệt thưởng thức mà phở đã thực sự len lỏi vào cuộc sống của người dân trên thế giới, trở thành món ăn thường nhật, được bán phổ biến, xuất hiện cả trong các cuộc đối thoại, topic bàn luận về ẩm thực, văn hoá…

Thậm chí, phở còn phổ biến ở nước ngoài đến mức dân mạng quốc tế còn tranh cãi về cách ăn phở sao cho chuẩn vị, thế nào mới là ngon nhất. Mới đây trong một hội nhóm về ẩm thực châu Á (dành cho người nước ngoài), một bài viết về cách ăn phở, cụ thể là cách “xử lý” nước dùng đã thu hút nhiều bình luận tranh cãi của cư dân mạng thế giới.

Người nước ngoài cũng chia làm hai phe khi ăn phở: Tranh cãi gay gắt nhưng kiểu nào mới là đúng chuẩn? - Ảnh 1.

Có thể hiểu nôm na nội dung caption như sau: “Có hai kiểu người khi ăn phở (hoặc các món nước nói chung). Một là để lại nước dùng, hai là uống sạch. Bạn thuộc kiểu nào?”. Nguồn: Maggie Chu-baka/ subtle asian eats.

Thoạt nghe thì khá "tủn mủn" nhưng với những người sành ăn (hoặc chí ít là cảm nhận được độ ngon của nước phở) thì lại khác. Nước dùng phở có thể coi là phần tinh tuý, thơm ngon nhất của bát phở với thời gian chuẩn bị, ninh nấu rất lâu mới có được hương vị trọn vẹn. Vậy nên bỏ lại nước dùng phở cũng đồng nghĩa với việc đã lỡ mất phần ngon nhất rồi.

Người nước ngoài cũng chia làm hai phe khi ăn phở: Tranh cãi gay gắt nhưng kiểu nào mới là đúng chuẩn? - Ảnh 2.

Nước dùng là phần ngon nhất của bát phở.

Dưới phần bình luận của bài viết, đông đảo người nước ngoài bày tỏ ý kiến về hai kiểu “xử lý” nước dùng phở này:

- “Nước dùng mới là phần ngon nhất của bát phở, uống hết như vừa có vụ nổ vị giác trong miệng vậy”.

- “Tuỳ chứ, nếu là ở nhà tôi sẽ ăn bằng sạch bát, húp hết nước dùng, nhưng ở ngoài nhà hàng thì chưa chắc, một số nơi bỏ quá nhiều phụ gia không tốt cho sức khoẻ đâu”.

- “Tôi thấy không thoải mái khi nhìn thấy cặn gia vị ở đáy bát sau khi ăn hết bánh phở và thịt, vậy nên tôi không thể uống hết, kiểu gì cũng phải phần lại”.

- “Ở ngoài hàng, bát phở thường quá nhiều nước, tôi luôn cố gắng húp nhiều nhất có thể. Bát sạch là một cách gửi lời cảm ơn tới vị đầu bếp tài ba đấy”.

- “Hồi còn trẻ tôi luôn húp hết nước dùng, nhưng giờ già rồi, tôi có huyết áp và độ mỡ máu phải lo… Nước dùng phở quá nhiều chất không tốt cho tôi”.

Có thể thấy, phở đã trở thành đại diện tiêu biểu cho một kiểu ăn uống chia thế giới thành kiểu người với người nước ngoài mà mấu chốt nằm ở nước dùng. Giống như sầu riêng, mắm tôm, mì chính… không thể “ép” ai đó ăn nếu họ không thích/ điều kiện không cho phép. Nhưng không thể phủ nhận độ hảo hạng, kỳ công của nước dùng phở đúng không nào?