Mỹ mua 1 mặt hàng Việt Nam với giá cao nhất thế giới
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, ZNews đưa tin.
Riêng tháng 5, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh tới 66%, nhưng sang tháng 6 lại giảm sâu 37%. Tuy nhiên, về giá trị, tôm Việt Nam lại cho thấy sự tăng trưởng tốt. Giá trung bình tôm Việt Nam tại Mỹ tháng 5 đạt 5,1 USD/pound - mức cao nhất trong nhóm các nước cung cấp chính của thị trường này. Điều này phản ánh chất lượng và định vị cao cấp của tôm Việt.
Mỹ mua tôm Việt Nam với giá cao nhất thế giới. (Ảnh minh hoạ: VASEP)
Trong 5 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu 340.955 tấn tôm, với trị giá 2,84 tỷ USD, tăng lần lượt 15% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp Mỹ tăng lượng tôm nhập khẩu, bất chấp những bất ổn về chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Theo cập nhật dữ liệu thủy sản của Mỹ, Ấn Độ giữ vững vị trí dẫn đầu về nguồn cung tôm với sản lượng 133.000 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Ecuador đứng thứ hai với 95.133 tấn, tăng 11%. Indonesia xếp ở vị trí thứ 3 trong khi Việt Nam xếp sau với trên 21.000 tấn tôm các loại (tăng 4% về lượng).
2 đặc điểm nổi trội của tôm Việt Nam xuất khẩu
Cũng theo thông tin chính thức từ VASEP công bố năm 2024, tôm Việt Nam là 1 trong 2 loài thủy sản nằm trong chiến lược phát triển nuôi của quốc gia. Việt Nam có hơn 350 cơ sở sản xuất tôm đủ điều kiện xuất khẩu. Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 150 triệu USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng giá trị gia tăng.
Canh đậu nấu tôm thơm ngon, bổ dưỡng.
Để có sức hút lớn trên thị trường, ngành nuôi tôm Việt Nam ngay từ đầu đã được phát triển một cách bài bản với 2 đặc điểm nổi trội sau:
Tôm được nuôi theo các phương pháp an toàn và bền vững
Kể từ khi bắt đầu vào đầu những năm 1990, ngành tôm Việt Nam đã phát triển cả về quy mô và quản lý kỹ thuật và năng lực về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý các tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng bắt đầu từ trại sản xuất giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại nuôi và nhà máy chế biến đến xuất khẩu thông qua các kho lạnh hiện đại.
Bằng chứng đáng tin cậy nhất cho thấy nuôi tôm tại Việt Nam vừa an toàn vừa bền vững đó là các chương trình chứng nhận ngày càng tăng của các tổ chức chứng nhận quốc tế về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt bao gồm BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), Global Gap và ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản).
Tôm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm
Nhờ sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) và VASEP trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn và việc tuân thủ các quy tắc, quy định của pháp luật Việt Nam và thị trường nước ngoài và các chứng nhận cập nhật và tuân thủ nâng cao của Luật Lao động, Luật An toàn thực phẩm và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các công ty tôm đang áp dụng các biện pháp thực hành tốt trong cả trang trại và nhà máy chế biến các sản phẩm thủy sản, trong đó có tôm.
Ngoài ra, mỗi năm, các công ty phải được kiểm tra bởi các cơ quan kiểm tra độc lập, tổ chức chứng nhận quốc tế và cơ quan chức năng Việt Nam.
Vì sao nên thêm tôm vào chế độ ăn?
Tôm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cung cấp protein chất lượng cao, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, tăng cường sức khỏe xương khớp, và cải thiện chức năng não bộ. Ngoài ra, tôm còn là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin B12, selen, kẽm, và omega-3.
Bạn có thể thêm tôm vào chế độ ăn hằng tuần. Có nhiều cách chế biến tôm, ví dụ như chiên, xào, hấp, nướng, nấu canh, làm gỏi, chả. Một số món phổ biến có thể kể đến như tôm rim thịt, tôm rang, tôm nướng, canh chua tôm, gỏi cuốn tôm, chả tôm, bánh xèo tôm, bún riêu tôm, và nhiều món biến tấu khác.