Kể lại câu chuyện của chính mình, anh T. cho biết: "Không ai tin và mọi người hay bảo tôi giấu. Nhưng thực tế câu chuyện của tôi hoàn toàn có thật".
Năm 2010, vợ chồng anh kết hôn và được gia đình hai bên hỗ trợ góp tiền mua một căn nhà đất nằm trong ngõ nhỏ ở nội thành Hà Nội. Căn nhà diện tích 31,5m2, 3 tầng, đã xây dựng khá lâu, kết cấu cũ. Từ nhà đến đường có ô tô di chuyển được là 45m. Ngõ vào nhà anh T. chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau.
Thời điểm năm 2010, anh T. thừa nhận bản thân anh và vợ còn trẻ, chưa nghĩ đến bài toán đầu tư. Nên việc mua bán nhà cửa chủ yếu do bố mẹ 2 bên hỗ trợ, tư vấn. Thêm nữa, nghĩ 29 tuổi đã có căn nhà Hà Nội thực sự là điều mơ ước và mong mỏi của nhiều người trẻ. Căn nhà này được chủ nhà bán với giá 2,1 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ).
Đến năm 2016, nhờ công việc thuận lợi, anh T. mua được chiếc ô tô. Tuy nhiên, điều vất vả nhất với anh và vợ đó là phải tìm điểm đỗ xe. Sau thời gian tìm kiếm, hai vợ chồng anh T. thuê được lốt đỗ xe cách nhà khoảng 700m.
"Có những ngày trời mưa gió hoặc nắng gắt, nghĩ có xe ô tô cũng khổ vì xe đỗ cách nhà xa quá. Chưa kể, ở nhà trong ngõ không có khoảng không gian thoáng đãng cho con trẻ ra ngoài chơi. Hàng xóm chủ yếu toàn các gia đình trung tuổi, nếp sống cũng hoàn toàn khác so với gia đình trẻ như chúng tôi", anh T. chia sẻ thêm.
Cũng theo anh T, nhiều người bảo sao không sửa lại nhà cho đẹp và khang trang hơn. Anh T. cho biết, vợ chồng anh chi tiền trăm triệu để sơn lại nhà nhưng căn nhà đã xây lâu, mùa mưa tới, nước ngấm dột nên tường vẫn mốc. Nếu mà đập đi xây lại thì thực tế thủ tục giấy tờ cấp phép sửa với xây lại rất khó khăn và lằng nhằng. Đó là lý do vợ chồng anh T. chỉ sửa nhà tạm thời, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trước mắt.
Đến năm 2017, vợ chồng anh quyết định bán lại căn nhà đất trong ngõ với mức giá 2,15 tỷ đồng. Chưa tính tốc độ trượt giá của đồng tiền và khoản tu sửa nhà cửa trong suốt 7 năm ở đây, anh T. cho biết: "Tính ra chúng tôi bị lỗ. Ai bảo cứ đầu tư vào đất là tích sản?"
Nhìn từ bài toán mua nhà của anh T. nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao một căn nhà đất ở khu vực trung tâm Hà Nội sau gần 10 năm mua lại không sinh lời. Trong khi đó, thống kê cơ bản cho thấy, trung bình bất động sản thổ cư ở Hà Nội tăng 2-3 lần trong vòng 5-10 năm qua.
Ông Lê Quốc Kiên, một nhà đầu tư lâu năm cho rằng, chỉ cần tính theo trượt giá tiêu dùng tự nhiên 7%-10%/năm, thì giá trị miếng đất tự nhân đôi trong khoảng thời gian 10 năm. Thông thường, căn nhà đất chỉ mất giá nếu vướng vào 3 lý do: phóng lộ giới, quy hoạch hạn chế xây dựng, pháp lý chưa an toàn
Tuy nhiên như anh T. chia sẻ, căn nhà đất của anh không rơi vào 3 trường hợp trên. Sổ đỏ nhà đất đầy đủ, có thể xây dựng lại nhà nhưng phải xin giấy phép sửa chữa hoặc xây dựng. Điều khiến căn nhà anh mất giá chủ yếu đến từ vị trí nằm sâu trong ngõ, chất lượng căn nhà xuống cấp cũng như đây là khu vực không phù hợp với nhu cầu của gia đình trẻ.
Ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing cho rằng: "Quan điểm của tôi thì nhà và đất không phải là tiêu sản, chỉ là do mua nhầm sản phẩm, vị trí không tốt, không có giá trị tăng trưởng lãi vốn".
Cũng theo ông Thắng, căn nhà trong ngõ ở Hà Nội, ở lâu xuống cấp, chi phí sửa chữa cũng cao vì chở vật liệu vào không được phải thuê xe rùa chở ít một vào. Giờ có ô tô nhưng sáng vẫn phải đội mưa nắng đi ra bãi xe cả km để lấy xe. Con cái ở nhà trong những xóm cũ ở Hà Nội thường ít có trẻ con cùng lứa chơi. Trong khi đó, nhu cầu sở hữu ô tô ngày càng gia tăng. Nên mọi người có xu hướng lựa chọn căn nhà có ô tô di chuyển vào. Việc căn nhà không tăng giá là điều dễ hiểu.
Ông Thắng nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là cách chọn sản phẩm như thế nào thì mới có thể tính toán gia tăng được giá vốn.