Do sự đa dạng về vùng miền, dân tộc, văn hoá địa phương mà ẩm thực Việt Nam có nhiều nét đặc sắc, biến đổi dọc bắc - nam. Sự đa dạng đó làm nên những món đặc sản thơm ngon, bổ dưỡng, mời gọi du khách quốc tế. Nhưng cũng vì thế mà không phải người Việt nào cũng thấu tường hết các đặc sản địa phương ở đất nước mình.
Phải kể đến những món đặc sản địa phương có cái tên độc lạ như cơm huyết rồng - một món ăn ngon nổi tiếng ở tỉnh Đồng Tháp. Điểm nổi bật của món cơm này đến từ phần gạo huyết rồng được thổi thành cơm, rất bổ dưỡng và có kết cấu cũng như màu sắc hút mắt.
Gạo huyết rồng có màu đỏ đậm cả vỏ lẫn bên trong, hơi ngả nâu, hạt thon dài, có độ trong nhất định. Đây được coi là giống gạo từ lúa huyết rồng - giống lúa mọc trong vùng đất ngập lũ, nhiễm phèn ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long. Gạo huyết rồng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ, đầy đủ tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin (B1, B2, B3, B5, B6…), các nguyên tố vi lượng (canxi, sắt, magie, kali…).
Ở tỉnh Đồng Tháp, gạo huyết rồng được nấu thành cơm, trộn với một số nguyên liệu khác để thành món đặc sản được dân bản địa ưa chuộng và dùng để thiết đãi thực khách trong và ngoài nước. Cụ thể, gạo sau khi ngâm nước sẽ được trộn với hạt sen, muối mè sau đó bọc trong lá sen và hấp chín. Khi chín, hạt cơm, lá sen trộn lẫn vào nhau, tạo thành một mẻ cơm màu sắc bắt mắt, khi ăn có vị ngọt, béo của cơm, vị bùi, thơm mùi sen phảng phất của hạt sen và lá sen.
Ngoài muối mè, cơm huyết rồng còn có thể nấu với các nguyên liệu khác như cá, tôm, thịt lợn…
Thời gian để ngâm và chế biến, nấu chín gạo huyết rồng cũng lâu hơn gạo thông thường vì loại gạo này khá cứng.
Cơm huyết rồng với hạt sen cùng các nguyên liệu được bọc trong lá sen trở thành một gói quà bắt mắt, thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực của người dân Đồng Tháp, đem tặng cho vị khách phương xa đến thưởng thức. Nếu có dịp đến Đồng Tháp Mười thì đừng quên thưởng thức món ăn có cái tên đậm chất “kiếm hiệp” này nhé!