Các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một nghiên cứu nhằm mục đích điều tra sự hiện diện của vi nhựa trong một số loại trái cây và rau quả được tiêu thụ nhiều nhất: lê, táo, cà chua, hành tây, khoai tây và dưa chuột.
Theo đó, các mẫu trái cây và rau quả được mua từ các chợ và cửa hàng bán trái cây khác nhau ở tỉnh Muğla, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Các quy trình chiết xuất vi nhựa được thực hiện trên các phần ăn được của các mẫu.
Năm 2023, kết quả nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Science of the Total Environment. Theo đó, trong các mẫu cà chua tươi được phân tích, các nhà nghiên cứu phát hiện trung bình từ 2,24 đến 5,02 hạt vi nhựa trên mỗi gram cà chua. Có nghĩa là một quả cà chua nặng 100 gram thì có thể đang chứa từ 224 đến 502 hạt vi nhựa – tuỳ theo mức độ ô nhiễm.
Theo các nhà khoa học, đây là mức cao nhất trong các loại rau củ được nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu viết: "Sự xuất hiện của các hạt vi nhựa có kích thước lớn, không đi qua được mạch gỗ của cây, cho thấy rau và trái cây tươi có thể bị nhiễm nhựa, đặc biệt là trong giai đoạn sản xuất, trong các hoạt động nông nghiệp và trong quá trình tiếp thị (vận chuyển đến thị trường và quá trình thu mua)".
Cà chua được thái nhỏ để sử dụng trong món salad.
Vì sao cà chua chứa nhiều vi nhựa?
Cà chua là một loại quả quen thuộc với người Việt. Cà chua có thể chế biến ăn sống, nấu chín hoặc dùng làm nước xốt.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, cho hay vi nhựa đang là mối quan tâm toàn cầu. Vi nhựa không sẵn có trong tự nhiên mà sinh ra từ các hoạt động sử dụng, tiêu dùng, sản xuất có sử dụng đồ nhựa của con người.
Năm 2022, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã công bố một báo cáo cho thấy nhựa được sử dụng trong các hoạt động trồng trọt đang tích tụ trong đất nông nghiệp trên toàn thế giới ở mức báo động.
Theo ông Thịnh, do trong đất tích tụ vi nhựa nên thực vật có thể nhiễm vi nhựa qua bộ rễ. Cà chua là loại cây có bộ rễ phát triển mạnh và sâu, giúp nó hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng từ đất. Vi nhựa trong đất (đặc biệt là các hạt có kích thước nano và micro) có thể len lỏi vào hệ thống rễ, sau đó di chuyển qua mạch gỗ, lên thân và quả.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng vi nhựa có thể di chuyển từ rễ vào mô quả, đặc biệt ở những loài cây có hệ vận chuyển dịch thể phát triển, ví như lúa, ngô, cà chua, cam, táo, xà lách, hướng dương... Ngoài ra, cà chua là quả mọng có mô mềm, giàu nước, tạo điều kiện cho vi nhựa tích tụ.
Ông Thịnh cho biết trong quá trình trồng cà chua, việc dùng nước tái sử dụng hoặc ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ vi nhựa xâm nhập vào cây và tích tụ trong quả.
Quá trình vận chuyển cà chua, bảo quản cũng có nguy cơ nhiễm vi nhựa. Đặc biệt, cà chua có bề mặt nhẵn, mỏng và thường không được bóc vỏ khi ăn, làm tăng nguy cơ giữ lại vi nhựa trên bề mặt khi không được rửa sạch.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy 60% vi nhựa trong rau củ không đến từ đất, mà đến từ bao bì và khâu xử lý sau thu hoạch.
Cách giảm vi nhựa trên bề mặt quả cà chua
Theo vị chuyên gia công nghệ thực phẩm, người dân có thể giảm lượng vi nhựa trên bề mặt quả bằng cách:
- Ngâm rau củ, cà chua trong nước sạch pha muối hoặc giấm loãng khoảng 10–15 phút. Sau đó, rửa cà chua lại dưới vòi nước chảy để cuốn trôi các hạt vi nhựa bám bên ngoài.
- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, người dân nên giảm tiêu thụ nhựa trong sinh hoạt hằng ngày. Vi nhựa không chỉ đến từ thức ăn, mà còn từ bao bì, túi nilon, hộp nhựa, ống hút.
Người dân cũng cần hạn chế sử dụng đồ nhựa khi bảo quản, nấu nướng, hoặc hâm nóng thức ăn. Thay vào đó, ưu tiên sử dụng các sản phẩm như thuỷ tinh, gốm, sứ.