Một kiểu ăn uống làm tổn thương mạch máu và gây bệnh tim mạch nhưng rất nhiều người mắc phải

T.L, Theo Phụ nữ Việt Nam 14:03 03/09/2022
Chia sẻ

Ngoài việc làm tổn thương mạch máu, tim mạch, chế độ ăn nhiều muối còn liên quan mật thiết đến ung thư dạ dày, thừa cân béo phì, loãng xương.

Muối là loại gia vị có vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Hàng ngày, lượng muối sẽ bị mất đi thông qua các hoạt động của cơ thể như đi vệ sinh, tiết mồ hôi, nước mắt,... Bổ sung muối cho cơ thể qua thực phẩm chính là phương pháp bù lại lượng muối mất đi.

Thế nhưng, chúng ta cũng được khuyến cáo không nên tiêu thụ nhiều muối vì những lý do sức khỏe. Ăn quá nhiều muối sẽ không tốt cho cơ thể.

Một kiểu ăn uống làm tổn thương mạch máu và gây bệnh tim mạch nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 1.

Chế độ ăn nhiều muối làm tổn thương tim mạch và mạch máu

Tại Hội nghị chuyên đề 2022 về thực hành giảm muối trong ngành công nghiệp thực phẩm do Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc chủ trì và Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe Trung Quốc đăng cai tổ chức, nhiều chuyên gia liên tục nhấn mạnh rằng chế độ ăn nhiều muối sẽ gây "tổn thương" cho tim mạch và các bệnh về mạch máu não.

Báo cáo nghiên cứu khoa học về hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc do Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc phát hành vào tháng 3/2020 đã nhấn mạnh tác hại của một chế độ ăn uống nhiều muối. Trong đó, số ca tử vong do bệnh tim mạch liên quan đến tiêu thụ nhiều muối chiếm 17%.

Các nghiên cứu dựa trên bằng chứng ở nhiều quốc gia cũng chỉ ra rằng giảm lượng muối ăn vào có thể làm giảm huyết áp và giảm gánh nặng bệnh tim mạch. Ngoài việc làm tổn thương mạch máu, tim mạch, chế độ ăn nhiều muối còn liên quan mật thiết đến ung thư dạ dày, thừa cân béo phì, loãng xương.

Một kiểu ăn uống làm tổn thương mạch máu và gây bệnh tim mạch nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 2.

Theo các khuyến cáo nên ăn bao nhiêu muối?

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối mỗi ngày. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo điều tra năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày là 9,4 gam (nam 10,5g và nữ 8,3g).

Một kiểu ăn uống làm tổn thương mạch máu và gây bệnh tim mạch nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo bạn nên ăn mặn ở mức độ vừa phải, tiêu thụ khoảng 1.500mg natri mỗi ngày đối với hầu hết người trưởng thành, và tối đa là 2.300mg.

Việc thường xuyên sử dụng đồ ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như: Tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, hại thận, hại dạ dày, yếu xương, sưng phù...

4 nhóm thực phẩm chứa nhiều muối cần phải tránh trong chế độ ăn hàng ngày

Thực tế, hàng ngày người Việt Nam chúng ta đang ăn gấp đôi số lượng muối cần thiết. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, bạn cần giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày. Dưới đây là một số loại thực phẩm chứa nhiều muối bạn nên tránh dùng trong khẩu phần ăn hàng ngày.

1. Các món mắm

Theo chia sẻ của TS. Nghiêm Nguyệt Thu - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một gia vị phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt chúng ta là các loại mắm, như nước mắm, mắm cá, mắm tôm chua, mắm ruốc, mắm tôm, mắm tép, mắm cáy,…

Một kiểu ăn uống làm tổn thương mạch máu và gây bệnh tim mạch nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 4.

Các loại mắm này được làm từ các loại cá, tôm, ruốc, moi, tép, cua, cáy trộn cùng muối và một số gia vị khác đặc trưng rồi ủ trong một thời gian cho lên men, tạo ra màu sắc và hương vị đặc trưng. Lượng muối trong các loại thực phẩm này đặc biệt cao, ví dụ chỉ với 5g mắm tôm chứa 515mg muối, 5g mắm tép chua chứa 135mg muối.

2. Các món muối thực phẩm để lên men (dưa muối, cà muối, kiệu, dưa chuột muối…)

Một điều không thể phủ nhận là dưa muối, cà muối, bắp cải muối là những món ăn "đưa cơm". Dưa, cà, kiệu muối được làm bằng cách ngâm cà, dưa cải, bắp cải với nước pha muối và chút đường để lên men chua. Lượng muối trong 100g dưa chuột muối là khoảng 2,5g.

3. Các loại thực phẩm ăn liền

Các loại thực phẩm ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp, mì ăn liền, pizza spaghetti… cũng đã có chứa muối. Do đó đây cũng là những thực phẩm nên hạn chế ăn.

Một kiểu ăn uống làm tổn thương mạch máu và gây bệnh tim mạch nhưng rất nhiều người mắc phải - Ảnh 5.

Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)

4. Các loại súp, nước dùng, nước sốt

Các loại súp, nước dùng cũng đặc biệt chứa nhiều muối. Trong 1 bát nước phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200ml nước dùng) chứa khoảng 2 - 4g muối.

Ăn mặn hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, do vậy, hãy tránh sử dụng những loại thực phẩm nhiều muối kể trên nhiều nhất có thể bạn nhé!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày