“Mẹ chồng quốc dân” của Hàn Quốc đột ngột qua đời vì tiểu đường, người mắc bệnh này thấy 8 dấu hiệu cần đến thẳng phòng cấp cứu

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 20:59 25/10/2024
Chia sẻ

Thông tin “mẹ chồng quốc dân” Kim Soo Mi (Hàn Quốc) đột ngột qua đời vì biến chứng tiểu đường vào ngày 25/10/2024 khiến nhiều người bàng hoàng.

Kim Soo Mi là nữ diễn viên kỳ cựu được biết đến với biệt danh “mẹ chồng quốc dân” của Hàn Quốc với nhiều vai diễn ấn tượng cùng lượng người hâm mộ lớn. Có thể kẻ tới như Phẩm giá của Nữ hoàng, Ngoại già lắm chiêu hay chương trình nấu ăn Shoumi's Side Dish. Thông tin bà qua đời ở tuổi 75 vào ngày 25/10/2024 khiến nhiều người bàng hoàng. Không chỉ bởi bà qua đời quá đột ngột mà còn vì có rất nhiều người không biết rằng bệnh tiểu đường và biến chứng tiểu đường nguy hiểm đến vậy.

“Mẹ chồng quốc dân” của Hàn Quốc đột ngột qua đời vì tiểu đường, người mắc bệnh này thấy 8 dấu hiệu cần đến thẳng phòng cấp cứu- Ảnh 1.

Trong các sự kiện tháng trước, Kim Soo Mi được cho là có nhiều dấu hiệu mệt mỏi, ngoại hình khác thường (Ảnh minh họa)

Vào tháng 9/2024, tại một sự kiện, Kim Soo Mi được cho là có dấu hiệu mệt mỏi với gương mặt sưng phù, tay run và nói chậm. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng sức khỏe của mình không có vấn đề gì, chỉ là do tuổi tác và công việc thời điểm đó quá bận rộn. Đáng tiếc, chỉ một tháng sau, bà đã qua đời vì biến chứng tiểu đường.

Theo lời chia sẻ của con trai Kim Soo Mi, đường huyết của bà tăng cao tới hơn 500mg/dL (chỉ số của người bình thường lúc đói khoảng 70 - 99mg/dL). Sau khi nhập viện do ngừng tim, các bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng không thể cứu chữa được.

2 biến chứng nguy hiểm, gây tử vong ở bệnh tiểu đường

Trước sự ra đi đột ngột của “mẹ chồng quốc dân” Kim Soo Mi, nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương và cũng ngỡ ngàng vì không ngờ biến chứng tiểu đường gây nguy hiểm đến như vậy.

Trên thực tế bệnh tiểu đường lúc đầu có thể không gây nhiều khó chịu nhưng kéo dài làm tổn thương mạch máu và dây thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thận và mắt. Khi đường huyết quá cao, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tính mạng. Thường gặp và nguy hiểm nhất là 2 biến chứng dưới đây:

- Nhiễm toan đái tháo đường (DKA): Thường xảy ra khi đường huyết trên 300 mg/dL, cơ thể thiếu insulin và phân hủy chất béo tạo ketone, làm máu nhiễm axit. Nếu không điều trị kịp thời, có thể gây hôn mê hoặc tử vong.

- Hôn mê tăng đường huyết thẩm thấu: Thường gặp ở người lớn tuổi mắc tiểu đường tuýp 2, đường huyết trên 600 mg/dL, gây mất nước, rối loạn ý thức, nguy cơ tử vong cao nếu không cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân tiểu đường cần cẩn trọng trước 8 dấu hiệu này

Như vậy, bệnh tiểu đường là bệnh nguy hiểm và nếu không kiểm soát đường huyết có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt, việc phát hiện sớm để khắc phục kịp thời các biến chứng có vai trò then chốt trong cứu sống bệnh nhân tiểu đường.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc) đã đưa ra cảnh báo 8 dấu hiệu khẩn cấp mà người mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý. Đó là:

- Da mất nước, khô: Cơ thể mất nước do đường huyết tăng cao khiến da trở nên khô ráp.

- Chán ăn, suy nhược: Cảm giác mệt mỏi, mất năng lượng và chán ăn xuất hiện khi đường huyết không ổn định.

- Buồn nôn, nôn và đau bụng: Những triệu chứng này thường xuất hiện khi cơ thể không thể kiểm soát lượng glucose.

- Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp tư thế: Đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, gây nhịp tim bất thường và chóng mặt.

“Mẹ chồng quốc dân” của Hàn Quốc đột ngột qua đời vì tiểu đường, người mắc bệnh này thấy 8 dấu hiệu cần đến thẳng phòng cấp cứu- Ảnh 2.

Bệnh nhân tiểu đường ở tuổi nào cũng cần cẩn trọng với những thay đổi về nhịp tim cùng nhiều dấu hiệu khác (Ảnh minh họa)

- Run tay, cử động tay chân không chủ ý: Tăng đường huyết có thể dẫn đến rối loạn thần kinh, khiến cơ thể bị run rẩy và khó kiểm soát các cử động.

- Thở sâu và nhanh với mùi trái cây: Đây là dấu hiệu của nhiễm toan đái tháo đường, khi cơ thể sản sinh ra lượng ketone vượt mức an toàn.

- Thở sâu và chậm do tăng thẩm thấu: Liên quan đến tình trạng tăng đường huyết nặng và mất cân bằng nước trong cơ thể.

- Lú lẫn, suy giảm ý thức hoặc hôn mê: Khi đường huyết tăng quá cao, chức năng thần kinh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng rối loạn ý thức và nguy cơ hôn mê.

Nếu người đang mắc tiểu đường có bất kỳ triệu chứng nào kể trên cần tới ngay phòng cấp cứu hoặc bệnh viện uy tín để kiểm tra. Trong cuộc sống thường ngày, cần theo dõi lượng đường trong máu đều đặn, tuân thủ chế độ ăn uống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Chosun

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày