Lương 11 triệu, cô gái tiết lộ số tiền tiết kiệm hàng tháng: Nghe xong ai cũng động viên phải tiêu tiền thêm đi!

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 17:18 28/04/2025
Chia sẻ

Nhiều người khen và nể kỷ luật tiết kiệm của cô gái này nhưng cũng nhiều người khuyên cô nên tiêu tiền mạnh tay hơn cho bản thân.

Chia sẻ của cô gái này giống như một lời thức tỉnh dành cho những người vẫn còn giữ suy nghĩ "lương phải cao thì mới tiết kiệm được". Đương nhiên, thu nhập cao thì dễ tiết kiệm nhưng điều đó không có nghĩa là thu nhập không cao thì không thể để dành được tiền!

Lương 11 triệu, tiết kiệm 3-5 triệu/tháng vẫn không tiêu hết phần còn lại

Trong bài tâm sự của mình, cô gái này viết: "Em chào mọi người ạ. Em là dân tỉnh lẻ, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Thu nhập 1 tháng của em được 11 triệu.

Lương 11 triệu, cô gái tiết lộ số tiền tiết kiệm hàng tháng: Nghe xong ai cũng động viên phải tiêu tiền thêm đi!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Tiền trọ mỗi tháng 2 triệu.

2. Đồ ăn thì ở quê gửi lên nên chi phí cũng có nhưng rất ít, chủ yếu em chỉ tốn tiền xăng xe đi lại vì em đi làm cả đi cả về hết 20km/ngày.

3. Cà phê với bạn gần như không, thi thoảng được 1-2 lần/tháng, tháng có tháng không.

4. Quần áo em cũng ít mua hoặc gần như không mua luôn. Đồ make up cũng không. Mỹ phẩm thì gần hết em để ý canh sale mới mua.

Mỗi tháng có lương, em hay bỏ vào tiết kiệm 3-5 triệu rồi thấy vẫn còn dư em lại bỏ vào thêm. Hiện tại em cũng đăng ký học lái xe oto và đã đóng được 1 nửa học phí, em cũng mới đổi laptop và điện thoại nên việc tiết kiệm cũng không đều. Em thấy trong nhóm các chị vén giỏi quá, mong mọi người chỉ bảo em với ạ. Em cũng muốn gia tăng nguồn thu chứ thu nhập mãi như này em thấy cũng không ổn. Em cảm ơn mọi người".

Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều phải dành lời khen cho kỷ luật tiết kiệm của cô gái này. Lương 11 triệu mà tự làm được bao thứ, chi tiêu thì hoàn toàn không có khoản nào phung phí, không nể không được! Nhưng bên cạnh đó, cũng có người cho rằng cô đang vì tiết kiệm mà quá khắt khe với bản thân.

"Lương 11 triệu mà bỏ tiết kiệm 3-5 triệu rồi tự mua laptop điện thoại là giỏi rồi á. Chứ mình cũng lương 11 triệu mà mình chỉ có mỗi cái nịt…" - Một người chia sẻ.

"Chị 40 tuổi, chị thấy em rất cố gắng nhưng chưa có gia đình thì cũng không nên sống quá tằn tiện với bản thân như thế em à. Cũng nên đầu tư chăm sóc da dẻ, ngoại hình, không phải là mình mua sắm bừa phứa nhưng hiếm khi mua quần áo, mỹ phẩm hay giao du bạn bè thì cũng không nên em à. Nhiều khi các mối quan hệ xã giao cũng giúp ích cho công việc của em nữa. Nếu được thì em cũng nên dành ra 1 khoản để đi học, nâng cấp bản thân, đi du lịch,..." - Một người khuyên.

"Lương 11 triệu, ở trọ ở Hà Nội, hàng ngày đi làm gần 20km cả đi cả về, mà mỗi tháng để ra 3-5 triệu xong cuối tháng vẫn còn dư, thì mình nghĩ bạn đang quá khắt khe với bản thân. Mình không khuyên bạn nên hoang phí, vẫn biết tiết kiệm là tốt nhưng cuộc sống vô thường lắm, cũng nên tận hưởng cuộc sống 1 chút bạn à, nhất là con gái chưa lập gia đình nữa. Giờ khắt khe với chính mình quá sợ sau này hối hận ý" - Một người khác chung quan điểm.

Làm sao để cân bằng giữa việc sống hưởng thụ và tiết kiệm, tích lũy cho tương lai?

Có làm thì cũng nên có chơi, hay nói cách khác chính là hưởng thụ. Chúng ta đều là con người, không phải một cỗ máy vô tri vô giác, có thể làm quần quật quanh năm suốt tháng mà không biết mệt. Tuy nhiên, để việc hưởng thụ không đi quá xa, đến mức kiếm bao nhiêu tiêu hết chừng ấy, thậm chí là nợ nần, bạn nên tham khảo 3 gợi ý dưới đây.

1 - Lập quỹ chi tiêu hưởng thụ

Nếu bạn chưa biết: Theo quy tắc 6 chiếc lọ - Một quy tắc "kinh điển" trong quản lý tài chính cá nhân, quỹ hưởng thụ chính là 1 trong 6 chiếc lọ mà mỗi người cần chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu hưởng thụ là hoàn toàn chính đáng, không có gì đáng bài trừ nếu đảm bảo được sự cân bằng với 5 chiếc lọ còn lại.

Lương 11 triệu, cô gái tiết lộ số tiền tiết kiệm hàng tháng: Nghe xong ai cũng động viên phải tiêu tiền thêm đi!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo T. Harv Eker, bạn có thể trích 10% thu nhập mỗi tháng để xây dựng quỹ hưởng thụ, dành cho những khoản chi tiêu giải trí mua sắm, đi du lịch.

5 "chiếc hũ" còn lại lần lượt là: Hũ nhu cầu thiết yếu (55% tổng thu nhập), hũ tiết kiệm dài hạn (10% tổng thu nhập), hũ tự do tài chính (10% tổng thu nhập), hũ giáo dục (10% tổng thu nhập), hũ từ thiện (5% tổng thu nhập).

2 - Đặt giới hạn, tiêu chí cho việc hưởng thụ

Nếu không quản lý tài chính theo quy tắc 6 chiếc lọ phía trên, bạn vẫn có thể vừa tiết kiệm, vừa duy trì ngân sách cho việc hưởng thụ bằng cách đặt ra những tiêu chí cho việc này, thay vì cứ hứng lên là móc hầu bao.

Ví dụ đơn cử như đam mê đi du lịch, bạn có thể coi nó là phần thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành 1 mục tiêu lớn trong cuộc sống như thành công tăng thu nhập, được thăng chức,... Làm như vậy, vừa có động lực phấn đấu làm việc, kiếm tiền; vừa không lo chi tiêu quá tay, thành ra rỗng túi.

3 - Tránh xa thẻ tín dụng nếu chưa biết cách quản lý tài chính

Nếu biết cách sử dụng và có kế hoạch thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn, việc dùng thẻ tín dụng có thể giúp bạn tiết kiệm được phần nào, nhờ vào tính năng hoàn tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ lý trí và sự kỷ luật khi dùng thẻ tín dụng, nên mới có trường hợp nợ nần vì quẹt thẻ không kiểm soát.

Trong trường hợp bạn chưa tự tin với khả năng quản lý chi tiêu, hoặc chưa tự tin khẳng định mình có mức thu nhập đủ sống, tốt nhất hãy tránh xa thẻ tín dụng. Vì bản chất, thẻ tín dụng là hình thức tiêu trước, trả sau; hạn mức thẻ tín dụng thương cao gấp 5-10 lần thu nhập hàng tháng, nên rất dễ tạo ra ảo tưởng dư dả.

Tiêu không có giới hạn, không biết tính toán, nợ nần là điều rất dễ xảy ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày