Sau khi học được 4 điều này, tôi nhận ra tiết kiệm được 1 nửa tháng lương không có gì to tát

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 20:48 27/04/2025
Chia sẻ

Tiết kiệm không khó, quan trọng là bạn có kế hoạch và lộ trình rõ ràng hay không mà thôi.

Trong hội bạn thân của tôi, Thành là người duy nhất luôn trong trạng thái rủng rỉnh tiền, dù có là những ngày cuối tháng đi chăng nữa. Đó cũng là cậu bạn luôn “cứu đói” các chị em mỗi khi chúng tôi vì mua sắm quá trớn mà hết sạch cả tiền. Chuyện cũng không có gì đáng nói, nếu như chúng tôi không bước vào độ tuổi 30.

Chẳng ai nhắc ai, nhưng tất cả đều biết cứ nuông chiều bản thân để thành ra kiếm bao nhiêu cũng hết, thì tương lai khó mà ổn định được. Lúc ấy, chúng tôi lại tìm đến Thành, nhưng không phải để vay tiền, mà để “xin học” cách quản lý chi tiêu. Nghe thắc mắc của chúng tôi, cậu bạn này chỉ vỗ đùi cười, vì với Thành, việc tiết kiệm tiền chưa bao giờ khó khăn đến mức phải đi xin ý kiến lẫn tư vấn của người khác.

Sau khi học được 4 điều này, tôi nhận ra tiết kiệm được 1 nửa tháng lương không có gì to tát- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Từ cách đây gần chục năm, khi mới chân ướt chân ráo “bước vào đời” tự kiếm sống, Thành đã luôn tuân thủ 4 quy tắc dưới đây. Nhờ thế mà bạn tôi tiết kiệm thành công, khác hẳn với chúng tôi.

1. Đặt hạn mức cụ thể cho từng nhu cầu cơ bản

Thành bắt đầu bằng việc liệt kê tất cả các nhu cầu cơ bản hàng tháng của mình: tiền thuê nhà, điện, nước, internet, xăng xe, thực phẩm. Sau đó, bạn tôi tìm hiểu và ước tính một con số hợp lý cho từng khoản. Ví dụ, tiền thuê nhà là 5 triệu đồng, tiền điện nước trung bình 500 nghìn đồng, tiền xăng xe 1 triệu đồng, và tiền ăn uống khoảng 3 triệu đồng. Thành bảo, điều quan trọng là phải đặt ra một con số trung bình - nghĩ là không quá cao cũng không quá thấp cho những nhu cầu này, vì mùa hè có thể tiền điện sẽ cao hơn mùa đông do dùng điều hoà. Nếu không tìm được 1 con số “có thể du di 1 chút” thì việc này sẽ rất mệt.

Việc đặt ra hạn mức cụ thể cho từng nhu cầu, giống như việc vẽ ra một ranh giới rõ ràng, để mình không còn "vung tay quá trán" một cách vô thức.

2. Quyết không chi tiền cho những nhu cầu đột nhiên phát sinh, không có trong kế hoạch

Đây có lẽ là một trong những "liều thuốc" mạnh mẽ nhất trong hành trình tiết kiệm của bạn tôi. Trước đây, cũng có những thời điểm, Thành bị rủ rê vui chơi, dẫn đến tốn tiền dù các nhu cầu cơ bản thì vẫn vậy, chẳng có tháng nào tăng. Đơn cử như việc đi nhậu sau 1 trận đá bóng, biết là vui nhưng tuần đá 3 buổi mà buổi nào cũng kết thúc ở quán ăn, quán nhậu thì có vẻ cũng không “kinh tế” và cũng không hẳn là cách thể dục, giải toả stress hiệu quả nữa.

Sau khi học được 4 điều này, tôi nhận ra tiết kiệm được 1 nửa tháng lương không có gì to tát- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ


Sau đó, bạn tôi quyết tâm nói không với những khoản chi không nằm trong kế hoạch như vậy. Nếu hạn mức là 1 tuần đi nhậu 1 lần, thì tuyệt nhiên, bạn tôi sẽ không tặc lưỡi nuông chiều bản thân.

“Hết quota nghĩa là hết quota, không có nhưng nhị gì cả” - Thành kể.

Ban đầu, bạn tôi cũng cảm thấy hơi "thiếu thốn" khi từ chối một vài lời rủ rê, mời gọi. Nhưng Thành vẫn nhất quyết từ chối, mặc kệ người khác nói gì.

3. Tiết kiệm trước, chi tiêu sau

Thành bảo chúng tôi rằng điều này chắc ai cũng biết, nhưng ai cũng xem thường. Ban đầu, Thành đặt mục tiêu tiết kiệm 30% thu nhập. Sau khoảng 7 tháng, khi đã quen với việc kiểm soát chi tiêu, bạn tôi nâng mức tiết kiệm lên 40%, và cuối cùng là 50% như mục tiêu đề ra.

Thành thiết lập một tài khoản tiết kiệm riêng và tự động chuyển tiền vào đó mỗi khi có lương. Việc này giúp bạn tôi "quên" đi sự tồn tại của khoản tiền đó và tránh được việc "vô tình" tiêu vào.

"Tiết kiệm trước, chi tiêu sau" giống như việc bạn trả tiền cho tương lai của mình trước khi chi tiêu cho hiện tại. Nó tạo ra một kỷ luật tài chính mạnh mẽ và đảm bảo rằng bạn luôn có một khoản tiền dành dụm cho những mục tiêu lớn hơn hoặc những tình huống bất ngờ.

Sau khi học được 4 điều này, tôi nhận ra tiết kiệm được 1 nửa tháng lương không có gì to tát- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Thành cũng nói, ban đầu cũng cảm thấy hơi "chật vật" với số tiền còn lại để chi tiêu, nhưng sau khi đã điều chỉnh lại các khoản chi phí và loại bỏ những thứ không cần thiết, bạn tôi vẫn sống thoải mái và thậm chí còn cảm thấy an tâm hơn khi biết mình đang xây dựng được một nền tảng tài chính vững chắc.

4. Xây dựng quỹ dự phòng

Sau khi đã hình thành thói quen tiết kiệm đều đặn, Thành bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một quỹ dự phòng. Cuộc sống luôn tiềm ẩn những rủi ro và những tình huống bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chẳng hạn như ốm đau, hỏng xe, hoặc mất việc. Nếu không có một khoản tiền dự phòng, những sự cố này có thể gây ra những xáo trộn lớn trong tài chính cá nhân.

Ban đầu, Thành đặt mục tiêu xây dựng một quỹ dự phòng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản từ 3 đến 6 tháng. Điều quan trọng mà Thành nhấn mạnh với chúng tôi chính là quỹ dự phòng khác với tiền tiết kiệm, phải rạch ròi 2 khoản này, chúng không phải là 1.

Việc có một quỹ dự phòng đã mang lại cho Thành sự an tâm và tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống. Bạn tôi không còn phải lo lắng quá nhiều mỗi khi có sự cố bất ngờ xảy ra, bởi vì nó biết mình đã có một "phao cứu sinh" đủ dùng.

Sau khi học được 4 điều này, tôi nhận ra tiết kiệm được 1 nửa tháng lương không có gì to tát- Ảnh 4.

Chú thích ảnh

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày