Với những người đang trong cảnh nợ nần, việc chi tiêu tiết kiệm để gom tiền trả nợ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải lúc nào phương án này cũng là khả thi, bởi có những khoản chi đã rất tối ưu rồi mà giảm thêm nữa thì chất lượng cuộc sống sẽ suy giảm. Mình lớn rồi có thể thiếu thốn chút không sao, chứ các con thì khác và cũng chẳng bố mẹ nào nỡ để con chịu khổ.
Tâm sự của cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây là một hoàn cảnh như vậy.
Nguyên văn chia sẻ của cô vợ như sau: “Vợ chồng em đang ở chung với bố mẹ chồng, hiện tại gia đình 6 người, nhà khá chật nên em vẫn mong muốn được ra ở riêng.
Đợt vừa rồi vợ chồng em có vay mượn mua 1 mảnh đất. Hiện tại nợ 570 triệu là vay của bố mẹ, anh chị, bạn bè và không mất lãi. Nhưng sắp tới chị xây nhà cũng phải lo khoản nợ trả cho chị là 150 triệu, và của bạn em 50 triệu. Hiện tại em mới tích góp được khoảng 20 triệu. Từ giờ đến Tết phải lo được 200 triệu trước để trả cho mọi người.
Bảng chi tiêu hằng tháng của gia đình cô
Anh chị thông thái giúp em xem có thể cắt giảm chi tiêu được khoản nào nữa không ạ? Em cũng tính mấy phương án.
Phương án 1: Cố gắng lo trả khoản 50 triệu trước, còn 150 triệu của anh chị từ giờ đến Tết cố trả tầm 100 triệu, còn lại xin khất sang đầu năm sau.
Phương án 2: Bán mảnh đất hiện tại mới mua thì đc tầm 1,2 tỷ trả hết nợ. Còn lại thì vay thêm ngân hàng để mua chung cư khoảng 1,4 tỷ.
Phương án 3: Bán đất trả hết nợ, đợi bao giờ đủ tiền thì mua đất. Phương án này khó vì đợi đủ thì không biết bao giờ mới đủ.
Phương án 4: Cố gắng tích cóp trả dần, ai đòi đến đâu thì trả đến đấy, thiếu thì vay chỗ khác đập vào nhưng vậy thì em sợ áp lực quá”.
Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều đồng tình 2 việc: Thứ nhất là chi tiêu hiện tại khó cắt giảm thêm được, thứ 2 là đã vay người thân không mất lãi thì nên cố trả ngay khi họ đòi chứ không nên xin khất.
Ảnh minh họa
“Mượn người thân không mất lãi toàn tiền lớn thế thì nên cố mà trả chứ không nên khất bạn ạ, bạn khất thì người ta lại phải đi vay mượn để bù vào khoản cho bạn vay. Như vậy thì mình thấy không được hay lắm nếu xét về mặt tình cảm, từ phương diện người cho vay thì họ sẽ nghĩ là bạn có đất - nghĩa là cũng có tài sản mà có 50 triệu với 150 triệu không trả nổi, khó thông cảm lắm” - Một người phân tích.
“Nhìn qua cách chi tiêu thì thấy chẳng cắt được khoản nào, có xem lại tiền điện với tiền mua bán quà vặt thì xem thôi, nhưng cũng không đáng bao nhiêu mà cố giảm nữa sợ khổ cả nhà” - Một người chia sẻ.
“Nên nghĩ tới phương án 5 là tăng thu nhập xem được không?” - Một người gợi ý.
Nếu hiện tại, bạn đang có nhiều hơn 1 khoản nợ, mỗi khoản nợ lại có mức lãi suất khác nhau, hãy tham khảo 3 gợi ý dưới đây để giảm tối đa tiền lãi, cũng như đảm bảo việc thanh toán đúng hạn.
1 - Gom nợ về 1 mối
Nói một cách dễ hiểu hơn, thay vì trả 3 khoản nợ ở 3 nơi chẳng hạn, bạn có thể tạo thêm 1 khoản nợ thứ 4 với số tiền vay bằng dư nợ của 3 khoản nợ hiện tại cộng lại. Sau đó, dùng tiền đi vay được để trả đứt 3 khoản nợ ở 3 nơi khác nhau, và tập trung trả 1 khoản nợ duy nhất (khoản nợ số 4).
Việc này vừa tối ưu tiền lãi, vừa hạn chế tình trạng quên thanh toán dẫn tới chậm trả. Tuy nhiên, nếu tổng dư nợ hiện tại của bạn đang quá cao, việc vay thêm sẽ không mấy khả thi. Cách tốt nhất có lẽ vẫn là vay người thân, bạn bè.
2 - Ưu tiên trả những khoản nợ có lãi suất trước
Vay tiền từ ngân hàng, công ty tài chính hoặc thẻ tín dụng, chắc chắn bạn sẽ phải trả một khoản tiền lãi. Trong trường hợp có cả nợ có lãi, và nợ không có lãi (nợ vay người thân, bạn bè), bạn nên ưu tiên thanh toán đúng hạn và dứt điểm các khoản nợ có lãi. Đồng thời, xin giãn nợ với những khoản nợ không có lãi.
Ảnh minh họa
3 - Nợ nhỏ trả trước, nợ lớn trả sau
Nếu tất cả các khoản nợ hiện tại của bạn đều là nợ có lãi, vậy thì hãy ưu tiên trả hết các khoản nợ nhỏ trước, trong lúc đó, vẫn duy trì việc trả nợ hàng tháng một cách đúng hạn với các khoản nợ lớn.
Đây chính là phương pháp "quả cầu tuyết" trong giải quyết nợ nần, được sáng lập bởi Dave Ramsey - Chuyên gia tài chính cá nhân và tác giả cuốn sách The Total Money Makeover.
Dave Ramsey cho rằng xử lý các khoản nợ theo thứ tự từ nhỏ đến lớn giúp hạn chế tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con", đồng thời, tạo dựng sự lạc quan và tự tin trong quá trình trả nợ.
Sau khi trả được một món nợ, bạn sẽ không phải trả tiền lãi của món nợ đó nữa, những quả cầu tuyết nhỏ đã bị mất đi và quan trọng nhất đó là tâm lý hoàn thành. Tâm lý này sẽ tạo cho bạn động lực để trả những món nợ lớn hơn. Dần dần, với sự kiên trì cùng tinh thần lạc quan và tự tin, bạn sẽ thoát khỏi vòng xoáy nợ nần.