Chúng ta vẫn thường động viên nhau “tuổi tác chỉ là một con số”, hoặc “không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”. Ừ thì những điều đó vốn chưa bao giờ sai nếu cứ nói chung chung, nhưng đặt nó vào từng hoàn cảnh, từng câu chuyện cụ thể thì đôi khi chỉ làm nhân lên sự bế tắc.
Tâm sự của cô vợ 35 tuổi dưới đây, tiếc thay, lại là một trường hợp “khó mà nghĩ tích cực nổi” như vậy…
Trong bài tâm sự của mình, cô vợ viết: “Em buồn quá mọi người ạ, em vừa phải bán đi 2 chỉ vàng ít ỏi mà em chắt chiu và cố giữ tới bây giờ...
Ảnh minh họa
Vợ chồng em kinh doanh không được thuận lợi, hiện tại nhà chưa có, nợ lên tới 3 tỷ và tất nhiên là không có 1 khoản tiết kiệm nào cả. 35 tuổi, cảm thấy thật bất an, em muốn ra đi làm ngoài tháng kiếm cỡ chục triệu để lo cho con cái, còn chồng em tự mà lo việc của chồng, nhưng anh không chịu. Ban đầu bọn em không dồn vào kinh doanh cùng nhau, nhưng chồng em một mực bắt em về làm chung, giờ trứng để 1 rổ mà thực ra cũng chẳng còn trứng nào…”.
Trong phần bình luận của bài đăng, ngoài những lời động viên dành cho cô vợ, phần lớn mọi người đều khuyên cô vợ nên đi làm, vì không thu nhập, không tiền tiết kiệm, việc kinh doanh không thuận lợi và còn đang nợ 3 tỷ thì người ngoài khó mà “vẽ” được nước đi nào khác hiệu quả hơn.
“Nợ 3 tỷ mà giờ vẫn còn băn khoăn không đi xin việc làm riêng thì cũng nể mom đó. Đi làm đi mom ơi, lương chục triệu cũng được, còn có tiền mà lo cho con chứ. Bán 2 chỉ vàng mà so với số nợ kia thì cũng chẳng thấm vào đâu, không dựa vào đó để mà gồng tiếp được” - Một người động viên cô vợ đi làm.
“Tớ đã từng trong hoàn cảnh của bạn cách đây 6-7 năm, lúc đó tớ cũng 35 tuổi, chồng cũng kinh doanh và bảo tớ nghỉ việc về phụ nhưng tớ không đồng ý, vẫn đi làm. Giờ nghĩ lại mới thấy quyết định không nghe chồng lúc đó là đúng đắn. Lương tớ giờ ổn định 18-19 triệu/tháng, đủ để lo cho các con dù chồng có không phụ đồng nào. Nên là phải đi làm mẹ nó ạ, kinh doanh thời buổi này khó nói lắm” - Một người khác đồng quan điểm.
“35 tuổi mà không có nhà, không có dư là đã sợ rồi, còn nợ 3 tỷ nữa thì bế tắc thật. Cũng không biết khuyên gì nữa…” - Một người để lại bình luận.
Trong bài tâm sự của mình, cô vợ này có tiết lộ đã nghe chồng nghỉ việc, để phụ chồng việc kinh doanh. Quả thực, đây là quyết định có phần khá mạo hiểm và tiềm tàng nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa
Ở thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nghỉ việc để kinh doanh có thể là lựa chọn ít rủi ro hơn bây giờ. Tuy nhiên với việc kinh doanh, không ai và không có bất cứ điều gì có thể loại trừ 100% rủi ro thua lỗ, thất bại.
Việc "tự chừa đường lui" cho mình khi kinh doanh trở nên quan trọng vì lẽ đó, đặc biệt là với những người đã có gia đình. Vì bản thân mình có thể nhịn ăn, có thể làm ngày làm đêm đến mức quên ngủ nghỉ cũng được, nhưng có con rồi thì khó mà như vậy. Tất tay kinh doanh, tương lai của chính mình gặp rủi ro là một lẽ, còn tương lai của con nữa chứ…
Vậy nên ở thời điểm này, tốt nhất đừng lựa chọn nghỉ việc văn phòng để kinh doanh. Hãy cố gắng duy trì cả 2, bởi còn đi làm, thì chí ít cũng có một khoản thu nhập cố định hàng tháng, chứ việc buôn bán thì chẳng biết đâu mà lường.
Thử nghĩ xem, vốn liếng đã vét sạch để hiện thực hóa mong muốn được làm chủ, mà chẳng may việc buôn bán không thuận lợi, phải gồng lỗ hoặc thậm chí là gánh nợ, lúc ấy, có một nguồn thu nhập ổn định và đều đặn "chảy" vào tài khoản hàng tháng, có phải tốt hơn không?
Đành rằng việc vừa làm văn phòng, vừa bắt đầu kinh doanh không phải chuyện dễ dàng. Đôi khi, bạn sẽ phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 và phải hy sinh cả thời gian ăn uống, ngủ nghỉ của bản thân. Nhưng đổi lại, vừa làm việc văn phòng, vừa bắt đầu kinh doanh vẫn là phương án ít rủi ro hơn cho chính bạn. Nỗ lực chịu khó, chịu khổ một thời gian, cho đến khi hòa vốn, lãi đều và ổn định hàng tháng rồi nghỉ việc hành chính cũng chưa muộn.
Suy cho cùng, đi làm thuê hay tự làm chủ chẳng phải việc có thể mang lại kết quả mỹ mãn trong "ngày 1 ngày 2". Đưa ra quyết định một cách quá nóng vội là điều rất không nên.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, cũng nên nhớ rằng: Làm gì thì làm, cũng phải duy trì quỹ dự phòng cho bản thân và gia đình! Kinh doanh dù nhỏ hay lớn cũng đều cần vốn, chuyện này không có gì khó hiểu hay đáng bàn. Nhưng vét sạch tiền tiết kiệm lẫn tiền dự phòng để làm vốn kinh doanh lại là chuyện khác.
Công việc hành chính đã nghỉ, tiền tiết kiệm đã hết, nếu không may buôn bán không thuận lợi, trong người chẳng còn 1 đồng, lại gặp cả tá chuyện "hỡi ơi" cần tiền,.., cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy, bạn sẽ hiểu quỹ dự phòng quan trọng đến thế nào.
Chuẩn bị quỹ dự phòng cho bản thân trước khi bắt đầu kinh doanh, khởi nghiệp là tự chừa cho mình một đường lui. Đừng chỉ chăm chăm tin rằng "liều ăn nhiều" mà quên tính tới khả năng nếu "ngã về không", mình sẽ ra sao?