Có gì trong bảng chi tiêu của cô gái 25 tuổi kiếm 21 triệu/ tháng mà ai cũng khen?

Nguyệt , Theo Thanh niên Việt 22:18 23/04/2025
Chia sẻ

Không chỉ có thu nhập ổn, cô bạn này còn biết quản lý tài chính tốt.

Đi làm thì ai cũng mong có lương cao để dư dả khoản tiết kiệm. Có khoản tiết kiệm rồi thì nhiều người lại tính đầu tư vào đâu để tiền đẻ ra tiền. Tâm sự của cô gái trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp đang trong tình cảnh hoang mang như vậy.

Nguyên văn tâm sự của cô như sau : "Em 25 tuổi, lương net khoảng 21,8 triệu.

Tiền nhà: 3 triệu.

Tiền ăn: 5 triệu.

Mỹ phẩm: 1 triệu.

Tiêu vặt trà sữa, cà phê + quần áo: 1,5 triệu (không cố định).

Tiền xăng xe, đi lại về quê, điện thoại: 700 ngàn.

Tổng: 11,2 triệu.

Gửi ngân hàng cố định: 9 triệu /tháng.

Số còn lại dư em sẽ mua chứng chỉ quỹ hoặc tháng nào thừa nhiều thì e giữ lại làm tiền nhàn rỗi nhỡ cần thì rút được luôn. Mọi người ơi, em chi tiêu thế ok chưa ạ?".

Có gì trong bảng chi tiêu của cô gái 25 tuổi kiếm 21 triệu/ tháng mà ai cũng khen?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người không chỉ bày tỏ ngưỡng mộ không chỉ vì có mức lương ổn mà còn là khả năng quản lý tài chính của cô nàng. Vừa chi tiêu khéo cho bản thân, vừa dư tiền đầu tư là điều không phải ai cũng làm được.

- Bạn phân bổ rất bài bản rồi, nhất là khoản tiết kiệm trước, chi tiêu sau, nhiều người đi làm 10 năm còn chưa làm được á. Mình hay hướng dẫn các bạn trẻ theo nguyên tắc 50–30–20, bạn đang ở mức tiết kiệm hơn 40% là cực kỳ tốt. Nếu muốn tối ưu hơn thì cân nhắc gộp các khoản nhỏ thành "quỹ linh hoạt" – vừa kiểm soát dễ, vừa đỡ stress vì ghi chi tiết quá. Bạn đang đi đúng đường đó, kiên trì vài năm là thấy dễ thở hẳn luôn!

- Tiết kiệm 49% là ok rồi đấy.

- Ngưỡng mộ bạn, 25 tuổi mà mình kiếm lương 5 triệu, chưa thấy dư đồng nào.

- Một mình ăn 5 triệu là nhiều em ạ. Bớt khoản đó đi. Theo mình tiền nhà chiếm tối đa 10% thu nhập. Cố gắng 1 tháng mua 1 chỉ vàng thì tốt hơn là để ngân hàng.

- Bạn có mức thu nhập tốt đấy. Mà bạn còn biết quản lý chi tiêu thì chẳng mấy mà cuộc sống sẽ ổn.

Dân văn phòng nên quản lý tài chính như thế nào?

Nhiều người đi làm văn phòng, dù có mức lương trung bình khá từ 10–20 triệu/tháng, vẫn luôn ở trong tình trạng "cháy túi" trước ngày nhận lương. Điều đó không hẳn là vì thu nhập quá thấp, mà vì tài chính cá nhân chưa được quản lý đúng cách. Lương bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn tiêu thế nào và tiết kiệm được bao nhiêu. Muốn sống không chật vật, muốn có tiền phòng khi đau ốm, hay mơ đến căn nhà, chiếc xe, chuyến du lịch, bạn cần một chiến lược rõ ràng. Dưới đây là 3 đề xuất quan trọng giúp dân văn phòng quản lý tài chính hiệu quả hơn – không chỉ để "sống sót" mà còn để sống chủ động, an toàn và có tích luỹ lâu dài.

1. Chia lương theo nguyên tắc 6 chiếc lọ – kiểm soát tài chính từ gốc

Khi nhận lương, thay vì để tiền nằm gọn trong một tài khoản và tiêu tùy hứng, hãy chia thu nhập thành 6 phần như sau: 55% cho nhu cầu thiết yếu (ăn uống, tiền nhà, điện nước…), 10% để tiết kiệm dài hạn, 10% đầu tư cho học tập và phát triển bản thân, 10% dành cho các khoản đầu tư tài chính như gửi tiết kiệm, chứng chỉ quỹ, vàng…, 10% cho các hoạt động giải trí, chăm sóc đời sống tinh thần, và 5% để làm từ thiện hoặc quà cáp.

Cách chia này không bắt buộc chính xác tuyệt đối, nhưng giúp bạn hình thành tư duy rõ ràng: mỗi đồng chi ra đều có lý do, và mỗi khoản thu về đều phải có kế hoạch. Khi bạn làm chủ được từng "chiếc lọ tài chính", bạn sẽ không còn cảm giác bất an mỗi khi cần chi tiền lớn, cũng không còn lo "lương chưa về mà ví đã cạn".

Có gì trong bảng chi tiêu của cô gái 25 tuổi kiếm 21 triệu/ tháng mà ai cũng khen?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

2. Tạo quỹ dự phòng tối thiểu 3–6 tháng thu nhập – để rủi ro không đánh gục bạn

Một trong những sai lầm lớn nhất của người đi làm là không có quỹ dự phòng. Cuộc sống không ai lường trước được điều gì – hôm nay ổn định, mai có thể mất việc, bị tai nạn, hay phải chi tiền lo cho người thân. Khi đó, nếu bạn không có sẵn tiền tiết kiệm, bạn sẽ phải vay nợ, chịu áp lực tài chính, hoặc tệ hơn là buộc phải từ bỏ những cơ hội tốt vì không đủ khả năng chi trả. Hãy đặt mục tiêu tích luỹ tối thiểu bằng 3–6 tháng thu nhập cơ bản.

Ví dụ, nếu bạn lương 12 triệu/tháng, quỹ dự phòng nên dao động từ 36–72 triệu đồng. Hãy gửi quỹ này vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn, hoặc để trong tài khoản ngân hàng riêng không kèm thẻ, để tránh rút ra tiêu xài tùy tiện. Khi bạn có được vùng đệm tài chính này, bạn sẽ thấy tự tin hơn khi đàm phán công việc, dám thử sức với cơ hội mới, và quan trọng nhất – không bị dồn vào đường cùng khi gặp biến cố.

3. Đầu tư sớm, dù chỉ 1 triệu mỗi tháng – đừng để tiền nằm yên

Dân văn phòng thường có tâm lý "đợi có nhiều tiền mới đầu tư". Nhưng sự thật là đầu tư không phụ thuộc vào số tiền lớn hay nhỏ, mà phụ thuộc vào thói quen. Chỉ cần bạn bắt đầu sớm, đầu tư đều đặn và kỷ luật, thì dù mỗi tháng chỉ bỏ ra 1–2 triệu, sau 5–10 năm bạn sẽ có một khoản tích luỹ đáng kể nhờ vào sức mạnh của lãi suất kép.

Đầu tư không nhất thiết phải là cổ phiếu hay bất động sản – bạn có thể bắt đầu với những kênh an toàn hơn như chứng chỉ quỹ, gửi tiết kiệm linh hoạt, mua vàng tích lũy, hay đơn giản là đăng ký một khóa học nâng cao kỹ năng để tăng cơ hội thăng tiến. Khi bạn biết cách để tiền sinh lời, bạn sẽ không chỉ sống bằng lương mà còn có thu nhập thụ động, từng bước xây dựng tự do tài chính cho tương lai.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày