Kế toán nhận lệnh sếp, chuyển khoản 1,3 tỷ đồng cho lừa đảo, công ty khởi kiện đòi bồi thường, tòa phán: "Cô chỉ cần trả 10%, doanh nghiệp cũng có lỗi"

Khánh Ngọc, Theo Đời sống & Pháp luật 15:21 28/04/2025
Chia sẻ

Một vụ việc lừa đảo qua mạng gây thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra tại một công ty quảng cáo ở Trung Quốc.

 Tin nhầm lãnh đạo giả, chuyển tiền cho kẻ lừa đảo

Theo Baidu, vụ việc bắt nguồn từ một nhân viên kế toán là Tiểu Lý.

Sau khi có chứng chỉ hành nghề kế toán Tiểu Lý bắt đầu làm trong ngành truyền thông. Sau một thời gian làm việc tại bộ phận tài vụ ở một công ty quảng cáo, cô chuyển sang một công ty truyền thông khác có liên kết với công ty cũ, đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng bộ phận kinh doanh quảng cáo, mức lương hàng tháng là 12.800 NDT (khoảng 45 triệu đồng).

Hai công ty mà Tiểu Lý làm việc có mối quan hệ mật thiết, dùng chung văn phòng và có sự trùng lặp nhân sự.

Vào một ngày nọ, khi đại diện pháp lý của công ty – ông Lý Hoa (tên đã được thay đổi) đi công tác, vào lúc 10 giờ, Tiểu Lý bất ngờ nhận được email đề tên “Lý Hoa”, yêu cầu kết bạn với tài khoản QQ công việc của ông. Sau khi kết bạn, tài khoản QQ này lập tức yêu cầu Tiểu Lý thực hiện 8 giao dịch chuyển khoản, tổng cộng 380.000 NDT (khoảng 1,3 tỷ đồng) từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân của một người được gọi là “Tổng giám đốc Đặng”, và gửi ảnh chụp màn hình xác nhận chuyển tiền.

Kế toán nhận lệnh sếp, chuyển khoản 1,3 tỷ đồng cho lừa đảo, công ty khởi kiện đòi bồi thường, tòa phán: "Cô chỉ cần trả 10%, doanh nghiệp cũng có lỗi"- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trong lúc trao đổi, hệ thống QQ đã cảnh báo an toàn tới 4 lần, nhưng Tiểu Lý không hề đi xác minh độ chứng thực của tài khoản “Lý Hoa” này mà tiếp tục làm theo chỉ dẫn.

Đến khoảng 14 giờ chiều cùng ngày, tài khoản giả mạo lại yêu cầu tiếp tục chuyển thêm 380.000 NDT khác với danh nghĩa “phí vi phạm hợp đồng”. Lúc này, Tiểu Lý mới bắt đầu nghi ngờ và lập tức trình báo công an. Hiện vụ việc đang được điều tra dưới dạng vụ án hình sự.

Sau sự việc, công ty quảng cáo đã yêu cầu Tiểu Lý bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại. Theo công ty, cô là một nhân viên kế toán giàu kinh nghiệm nhưng khi gặp phải lừa đảo trực tuyến lại thiếu sót sự kiểm tra kĩ lưỡng thông tin, mắc lỗi nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Tiểu Lý phản bác rằng mình không cố ý thực hiện hành vi sai phạm này. Do đó, cô cho rằng không có nghĩa vụ bồi thường.

Tòa án: Nhân viên và doanh nghiệp đều có lỗi

Trong quá trình xét xử, tòa án phát hiện, công ty quảng cáo không hề xây dựng quy chế quản lý tài chính chuyên biệt, cũng không bố trí nhân sự tài chính chuyên trách. Mọi công việc kế toán của công ty quảng cáo và công ty truyền thông liên kết đều do một mình Tiểu Lý đảm nhiệm.

Trong hoạt động chuyển khoản hằng ngày, công ty này cũng tồn tại tình trạng người quản lý chỉ phê duyệt bằng miệng, không thực hiện đầy đủ quy trình xét duyệt chặt chẽ và chỉ ký xác nhận sau khi giao dịch đã hoàn tất.

Kế toán nhận lệnh sếp, chuyển khoản 1,3 tỷ đồng cho lừa đảo, công ty khởi kiện đòi bồi thường, tòa phán: "Cô chỉ cần trả 10%, doanh nghiệp cũng có lỗi"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Qua xét xử, tòa cho rằng: nếu người lao động có lỗi và gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, họ cần phải bồi thường hợp lý. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của quan hệ lao động, mức độ lỗi phải đạt đến mức cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng mới có trách nhiệm bồi thường.

Tiểu Lý – một kế toán giàu kinh nghiệm, đã chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản người khác mà không tuân thủ quy trình, vi phạm nguyên tắc thận trọng nghề nghiệp. Hành vi này được xác định là lỗi nghiêm trọng, cần bồi thường phần thiệt hại cho công ty.

Đồng thời, tòa cũng nhấn mạnh rằng, khi xác định mức bồi thường, cần phân chia hợp lý rủi ro và tổn thất giữa người lao động và doanh nghiệp. Thiệt hại phát sinh trong quá trình người lao động thực hiện hợp đồng lao động, ở một mức độ nhất định, cũng là rủi ro kinh doanh mà doanh nghiệp phải gánh chịu.

Tòa án cho rằng, nếu doanh nghiệp cũng có lỗi dẫn đến thiệt hại, thì trách nhiệm của người lao động có thể được giảm nhẹ. Trong vụ việc này, công ty quảng cáo không có quy chế tài chính riêng, không thực hiện quy trình phê duyệt chặt chẽ, thiếu cơ chế giám sát và còn để xảy ra việc sử dụng lao động lẫn lộn giữa công ty và công ty liên kết. Những sai sót trong quản lý nhân sự và tài chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiệt hại.

Từ đó, tòa án cân nhắc đến tính chất công việc, kinh nghiệm, thu nhập của Tiểu Lý, mức độ lỗi và hậu quả thiệt hại, khả năng phòng ngừa rủi ro và gánh chịu tổn thất của hai bên. Dựa trên nguyên tắc công bằng và trung thực, tòa quyết định Tiểu Lý chịu trách nhiệm 10% tổng thiệt hại.

Cuối cùng, tòa án sơ thẩm tuyên án: trong vòng 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực, Tiểu Lý phải bồi thường 38.000 NDT (khoảng 135 triệu đồng) cho công ty quảng cáo. Không đồng ý với phán quyết, công ty đã kháng cáo. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đây là bài học sâu sắc nhắc nhở doanh nghiệp phải siết chặt quản lý tài chính và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên trong quá trình thực hiện giao dịch, nhằm phòng tránh rủi ro và thiệt hại không đáng có.

Theo Baidu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày