Thứ quả ngọt lành, bổ dưỡng mà chúng ta đang nói đến chính là quả na.
Năm nào cũng vậy, na chỉ xuất hiện đúng một lần trong năm đó là vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, kéo dài trong 1-2 tháng, hiếm khi kéo dài tới đầu Đông. Na là loại quả "vạn người mê" vì là loại quả quê, sạch sẽ, an toàn và ngọt mềm phù hợp với vị giác của đông đảo người Việt.
Y học hiện đại cũng chứng minh, quả na rất giàu canxi , magiê, sắt, niacin & kali, giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể. Đặc biệt, na được coi là một "thần dược" cho những phụ nữ muốn cải thiện làn da, mái tóc khỏe đẹp.
Na là trái cây "vạn người mê" vì là loại quả quê, sạch sẽ, an toàn và ngọt mềm...
Ngoài ra, Đông y còn sử dụng na như một nguyên liệu để chữa bệnh. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ẩm. Có tác dụng chữa đái tháo, tiêu khát, nhọt vú… Rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh...
1. Hỗ trợ chữa lỵ, đái tháo, tiêu khát
Theo lương y Sáng, để chữa lỵ, đái tháo, tiêu khát... Mọi người chỉ cần chuẩn bị sẵn na chín trong nhà. Ăn mỗi lần 1 trái sau bữa ăn sẽ giúp chữa lỵ, đái tháo, tiêu khát hiệu quả, nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng và chất xơ cao.
2. Chữa nhọt vú
Chuẩn bị 1 quả na điếc (quả na đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím) và một chút giấm đủ dùng. Đem na đi phơi khô sau đó tán thành bột, hòa với giấm rồi đắp hỗn hợp này lên chỗ vú bị sưng. Dùng nhiều lần/ngày để hiệu quả nhanh.
3. Chữa sốt rét cơn
Chuẩn bị 1 nắm lá na. Đem đi rửa sạch rồi giã nhỏ, chế nước sôi sau đó vắt lấy nước cốt uống trước khi lên cơn 2 giờ. Ngày dùng 1 lần.
4. Bong gân
Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.
5. Tẩy giun đũa
Rễ na 30 - 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua đem sắc với 300ml nước còn 100ml, uống vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
Từ na và các bộ phận từ cây na, chúng ta có thể điều chế thành nhiều bài thuốc có tác dụng trị bệnh.
6. Đau nhức răng
Hạt na đem giã nhỏ, ngâm rượu và ngậm. Tuy nhiên, khi ngậm xong phải nhổ nước đi, không được nuốt vì hạt na có tính độc.
Na vốn là loại quả bổ dưỡng, thơm ngon, dễ dùng cho cả người già lẫn trẻ nhỏ... tuy nhiên, bạn sẽ bất ngờ khi loại quả này có chứa một bộ phận cực độc đó chính là hạt na.
Theo các chuyên gia, hạt na rất độc, thậm chí có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa nếu nuốt phải, độc tố trong hạt na nếu bị dính vào mắt không chỉ gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc, mà nếu sơ cứu, chữa trị không đúng dễ gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo mọi người tuyệt đối không được ăn hạt na. Đặc biệt không nên sử dụng loại hạt này để nhuộm răng, ngâm quần áo để diệt rận,…
Theo PGS.TS Thịnh, hạt na có thể gây hại cho người. Tuy nhiên nếu lỡ sơ ý nuốt phải hạt na, bạn không cần quá lo sợ vì hạt na có vỏ dày và rất cứng, ngăn không cho độc tố phát huy tác dụng và sẽ được đào thải ra cùng phân nên thường không gây hại cho cơ thể.