Nước vối từ lâu đã là một thức uống quen thuộc trong văn hóa của người Việt. Với vị thanh mát, dễ uống và mùi thơm nhẹ, nước vối mang đến cảm giác dễ chịu, nhất là trong những ngày nắng nóng.
Ở các khu phố, quán vỉa hè, hình ảnh những bình nước vối mát lành đã trở nên phổ biến, đặc biệt vào những ngày hè oi bức. So với trà đá - loại nước uống vỉa hè truyền thống, nước vối chứa ít caffeine hơn, giúp tránh được tình trạng kích thích hệ thần kinh và mất ngủ. Do đó nó đặc biệt phù hợp với những người lớn tuổi hay người có sức khỏe yếu.
Một điểm cộng nữa khiến nước vối được ưa chuộng là tính tự nhiên và dễ tìm. Lá vối hoặc nụ vối có thể dễ dàng thu hái từ các khu vực nông thôn, không qua chế biến hóa chất, giúp người uống cảm thấy an tâm về độ an toàn của thức uống này.
Nước vối từ lâu đã là một thức uống quen thuộc trong văn hóa của người Việt.
Nước vối không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe mà còn có giá thành rẻ, dễ tìm và dễ chế biến. Với những ưu điểm này, nước vối nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân khi muốn giải khát ở vỉa hè.
Theo Tiến sĩ - Lương Y Phùng Tuấn Giang (Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam), trong y học cổ truyền cây vối có vị đắng, chát, tính mát. Chúng được biết đến rộng rãi trong việc điều trị bệnh cúm và một số bệnh về tiêu hóa.
Ngoài ra, lá vối còn giúp thanh lọc cơ thể, giải độc rất tốt.
Một trong những lý do khiến nước vối ngày càng được ưa chuộng là khả năng hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều hợp chất trong lá và nụ vối có thể giúp giảm lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin, từ đó hỗ trợ ngăn ngừa, kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.
Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh hoặc đang sống chung với bệnh tiểu đường, uống nước vối hàng ngày có thể là một biện pháp tự nhiên để ổn định đường huyết và hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Nước vối chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm polyphenol và flavonoid, có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương của gốc tự do - nguyên nhân chính gây ra ung thư.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nhiều hợp chất chống oxy hóa trong lá vối có thể giúp giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng và ung thư gan.
Thêm vào đó, uống nước vối thường xuyên giúp cơ thể tăng cường khả năng tự bảo vệ trước các yếu tố gây hại từ môi trường, góp phần ngăn ngừa các bệnh mãn tính nguy hiểm.
Trong y học dân gian Trung Quốc, lá và vỏ cây vối thường được sử dụng ngoài da để điều trị các vấn đề như loét da, ghẻ cùng các bệnh ngoài da khác.
Khi dùng uống, nước sắc từ lá vối được sử dụng để chữa tiêu chảy, mụn nhọt. Chiết xuất từ hoa vối cũng được dùng để điều trị các bệnh như cúm, kiết lỵ và khó tiêu.
Ngoài ra, rễ cây vối được cho là có tác dụng chữa vàng da và giảm đau bụng.
Mỗi người chỉ nên uống một lượng vừa phải, khoảng một ấm hoặc một ly nước vối mỗi ngày. Uống quá nhiều nước vối, đặc biệt sau bữa ăn, có thể cản trở việc hấp thụ dưỡng chất. Tuy nhiên, nếu pha loãng, nước vối sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Uống nước lá vối khi bụng đói có thể gây đầy bụng, cồn cào do nước vối kích thích nhu động ruột, làm tăng cảm giác thèm ăn, gây mệt mỏi, chóng mặt và mất năng lượng.
Người có thể trạng mảnh mai hoặc sức đề kháng kém nên tránh sử dụng nụ hoặc lá vối. Do lá vối có tác dụng điều chỉnh đường huyết và hỗ trợ giảm cân, nên không phù hợp với người gầy yếu.
Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi dùng nước vối, tránh uống nước quá cô đặc vì có thể gây rối loạn tiêu hóa. Nước vối cũng không nên được tiêu thụ với số lượng lớn và cần hạn chế sử dụng cho trẻ nhỏ.